Rủi ro đuôi từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lên ngành Ngân hàng thế nào?
VCSC cho rằng, việc ông Donald Trump đề xuất tăng thuế thương mại có thể tác động đáng kể đến các nền kinh tế xuất khẩu như Việt Nam và gây ảnh hưởng gián tiếp đến lĩnh vực ngân hàng theo các cách khác nhau.
Chứng khoán Vietcap (VCSC) vừa có nhận định chính về kết quả kinh doanh 9 tháng 2024 cũng như những rủi ro từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đối với ngành Ngân hàng.
Tín dụng có sự chênh lệch giữa các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu quý 3/2024 tiếp tục đi ngang so với quý trước
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 9% tính từ đầu năm là tương đối tích cực, cho thấy nền kinh tế tiếp tục phục hồi trong bối cảnh lãi suất thấp hiện tại. So với quý trước, tăng trưởng tín dụng chững lại sau đợt giải ngân mạnh vào cuối quý 2/2024.
Tăng trưởng tín dụng vẫn có sự chênh lệch giữa các ngân hàng. Các ngân hàng trong phạm vi theo dõi của VCSC ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao hơn mức trung bình toàn ngành (11,3% so với 9,0%), tiêu biểu như TCB (+17,5%), HDB (+16,6%), ACB (+13,8%) và LPB (+16,1%).
Tăng trưởng tín dụng cao tại các ngân hàng này một phần được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ từ các doanh nghiệp, bao gồm các chủ đầu tư bất động sản, các ngành sản xuất và chế biến, cũng như các ngành thương mại bán buôn và bán lẻ, trong khi cho vay đối với khách hàng cá nhân vẫn duy trì ở mức thấp. Tăng trưởng tiền gửi toàn hệ thống trong 7 tháng đầu năm 2024 vẫn ở mức thấp, khoảng 1,7%.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi từ khách hàng tổ chức giảm 1,1%, trong khi tiền gửi từ khách hàng cá nhân tăng 4,7%. Trong quý 3, tỷ lệ CASA của các ngân hàng trong phạm vi theo dõi của VCSC tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm nhẹ so với quý trước, đạt 23,4%.
VCSC kỳ vọng tỷ lệ CASA sẽ cải thiện trong quý 4/2024 nhờ yếu tố mùa vụ tương tự như quý 4/2023.
Biên lãi ròng của các ngân hàng trong phạm vi theo dõi của chúng tôi đạt 3,43% trong quý 3/2024 (giảm 20 điểm cơ bản so quý trước và giảm 7 điểm cơ bản so cùng kỳ), đánh dấu mức NIM theo quý thấp nhất trong 3 năm qua. VCSC cho rằng NIM giảm so với quý trước do (i) lợi suất tài sản sinh lãi (IEA) tiếp tục giảm so với quý trước trong bối cảnh cạnh tranh cho vay gia tăng, (ii) chi phí vốn (CoF) tăng nhẹ do một số ngân hàng tư nhân tăng lãi suất tiền gửi và gia tăng phát hành giấy tờ có giá, và (iii) các mảng có lợi suất cao hơn cải thiện chậm.
Thu nhập ngoài lãi (NOII): NOII quý 3/2024 giảm so với quý trước từ mức cơ sở cao, với cả thu nhập phí ròng (NFI) thuần và các khoản NOII khác đều giảm. NOII quý 3 giảm 14,5% so quý trước, do (i) NFI thuần giảm 17,8% so quý trước và (ii) các khoản NOII khác giảm 11,3% so quý trước.
VCSC cho rằng NFI giảm so với quý trước một phần do thu nhập phí bancassurance tiếp tục yếu, cùng với việc một số ngân hàng tái phân loại thu nhập phí sang thu nhập từ lãi (ví dụ: VIB, TPB). Trong khi đó, các khoản NOII khác giảm so với quý trước chủ yếu do các khoản lãi từ đầu tư và hoạt động giao dịch ngoại hối giảm từ mức cơ sở tương đối cao trong quý 2/2024.
Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR): CIR quý 3/2024 tăng nhẹ 1,4 điểm phần trăm so quý trước đạt 32,3%, do thu nhập từ HĐKD (TOI) giảm mạnh 6,8% so quý trước so với mức giảm 2,4% so quý trước của chi phí từ HĐKD (OPEX).
Tuy nhiên, CIR quý 3/2024 giảm nhẹ 78 điểm cơ bản so cùng kỳ (từ 33% trong quý 3/2023). Nhìn chung, OPEX 9T 2024 được kiểm soát tốt, theo quan điểm của VCSC.
Chất lượng tài sản: Tỷ lệ nợ xấu quý 3/2024 tiếp tục đi ngang so với quý trước, trong khi tỷ lệ nợ Nhóm 2 tiếp tục cải thiện khi giảm liên tục trong 2 quý (-10 điểm cơ bản so quý trước và -60 điểm cơ bản so cùng kỳ). Tuy nhiên, VCSC nhận thấy xu hướng đa dạng giữa các ngân hàng trong phạm vi theo dõi của mình, với một số ngân hàng có chỉ số nợ xấu tăng so với quý trước (BID, MBB, STB, TCB, TPB, LPB). Chi phí tín dụng hàng năm giảm nhẹ so với quý trước nhưng vẫn ở mức cao, đạt 1,2% (-20 điểm cơ bản so quý trước), trong khi tỷ lệ bao phủ nợ (LLR) quý 3/2024 tương đối đi ngang. Điểm tích cực là tỷ lệ nợ Nhóm 2 tiếp tục giảm, cho thấy áp lực hình thành nợ xấu có thể giảm trong các quý tới.
Lợi nhuận sau thuế (LNST): LNST quý 3/2024 giảm 3,7% so quý trước nhưng tăng 20,1% so cùng kỳ. LNST của của các ngân hàng trong phạm vi theo dõi của VCSC giảm so với quý trước trong quý 3/2024 chủ yếu do (1) thu nhập lãi ròng (NII) giảm 1,5% so quý trước, nguyên nhân chính do tăng trưởng tín dụng yếu hơn trong quý 3 so với quý 2/2024, (2) thu nhập ngoài lãi (NOII) giảm 14,5% so quý trước, (3) tỷ lệ CIR tăng 1,4 điểm phần trăm so quý trước, ảnh hưởng (4) chi phí dự phòng giảm 10,4% so quý trước.
Lợi nhuận của các ngân hàng trong phạm vi theo dõi của VCSC nhìn chung phù hợp với kỳ vọng, ngoại trừ TCB (vượt kỳ vọng), LPB (vượt kỳ vọng), VPB (vượt kỳ vọng), ACB (dưới kỳ vọng) và VIB (dưới kỳ vọng). LNST 9T 2024 của TCB đạt 18,3 nghìn tỷ đồng (+33,8% so cùng kỳ), hoàn thành 80% dự báo năm tài chính 2024 của VCSC và vượt nhẹ kỳ vọng, nhờ (1) chi phí dự phòng thấp hơn dự kiến và (2) tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ.
LNST 9T 2024 của LPB đạt 7,1 nghìn tỷ đồng (+139,5% so cùng kỳ), hoàn thành 88% dự báo năm tài chính 2024 của VCSC và vượt kỳ vọng, nhờ (1) thu nhập phí ròng khác cao hơn dự kiến và tăng trưởng tín dụng mạnh hơn kỳ vọng. LNST 9T 2024 của VPB đạt 10,9 nghìn tỷ đồng (+67,7% so cùng kỳ), hoàn thành 77% dự báo năm tài chính 2024 của VCSC nhờ OPEX và chi phí dự phòng thấp hơn dự kiến trong bối cảnh tăng trưởng doanh thu mạnh và sự phục hồi của mảng tài chính tiêu dùng.
Trong khi đó, LNST 9T 2024 của ACB đạt 12,2 nghìn tỷ đồng (+1,7% so cùng kỳ), chỉ hoàn thành 67% dự báo năm tài chính 2024 của VCSC do NOII thấp hơn dự kiến. LNST 9T 2024 của VIB đạt 5,3 nghìn tỷ đồng (+20,7% so cùng kỳ), chỉ hoàn thành 54% dự báo năm tài chính 2024 của VCSC do tăng trưởng doanh thu thấp hơn kỳ vọng.
Dù lợi nhuận 9T 2024 của MBB nhìn chung phù hợp với dự báo của VCSC, chất lượng tài sản giảm mạnh hơn dự kiến trong quý 3/2024 (chủ yếu do tái phân loại CIC) có thể khiến chi phí tín dụng tăng cao nếu các trường hợp này không được giải quyết sớm.
VCSC hiện dự báo LNST năm 2024 của các ngân hàng trong phạm vi theo dõi của VCSC sẽ tăng 18,8% so cùng kỳ. Trong 9T 2024, LNST tăng 17,3% so cùng kỳ, hoàn thành 72% dự báo cả năm của VCSC.
Rủi ro đuôi từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lên ngành Ngân hàng
VCSC cho rằng, việc ông Donald Trump đề xuất tăng thuế thương mại có thể tác động đáng kể đến các nền kinh tế xuất khẩu như Việt Nam và gây ảnh hưởng gián tiếp đến lĩnh vực ngân hàng theo các cách sau.
Tăng trưởng tín dụng: Thuế tăng có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, đồng thời, có thể thúc đẩy các công ty FDI chuyển từ "friendshoring" sang "onshoring". Trong kịch bản này, tăng trưởng tín dụng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do sản lượng xuất khẩu giảm, không chỉ đến từ các DN xuất khẩu mà còn từ các công ty cung ứng nguyên vật liệu cho các nhà xuất khẩu. Tác động tiếp theo có thể là sự suy giảm thu nhập lao động, dẫn đến tiêu dùng nội địa và nhu cầu đi vay giảm.
Tuy nhiên, trước đây việc áp thuế cao hơn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của ông Donald Trump đã góp phần tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ thông qua chiến lược "nearshoring". Tác động tương tự như vậy cũng có thể xảy ra nếu Mỹ áp dụng mức thuế cao hơn đối với Trung Quốc, so với các quốc gia khác, qua đó có thể giảm thiểu một số tác động tiêu cực lên tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, VCSC vẫn chưa chắc chắn liệu tác động này có hoàn toàn bù đắp được áp lực đối với nhu cầu tín dụng từ việc tăng thuế quan hay không.
Lãi suất: Nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump có thể giúp USD mạnh lên, do khi thuế quan cao hơn có thể thúc đẩy lạm phát ở Mỹ và dẫn đến chính sách tiền tệ tương đối thắt chặt hơn từ Fed so với đồng thuận hiện tại về việc giảm lãi suất trong vài năm tới. Tỷ giá USD/VND tăng có thể dẫn đến dòng vốn rút khỏi Việt Nam, các DN xuất khẩu có khả năng tích trữ USD và gây áp lực lên VND, từ đó làm hạn chế dư địa duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam.
Tỷ lệ nợ xấu: Tác động tiêu cực tiềm ẩn lên tăng trưởng tín dụng và lãi suất nêu trên có thể dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng. Các ngành hướng đến xuất khẩu và chuỗi cung ứng có thể sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do tác động từ việc thay đổi nhu cầu và áp lực tỷ giá.
Lợi nhuận sau thuế: Trong trường hợp xấu nhất đối với từng yếu tố được nêu trên, lợi nhuận ròng của các ngân hàng có thể gặp thách thức do tăng trưởng tín dụng giảm và tỷ lệ nợ xấu tăng. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế trong nước mạnh có thể giúp giảm bớt áp lực và bù đắp phần nào cho mức giảm trong nhu cầu xuất khẩu.