Rợp bóng đa trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Trên con đường dẫn vào Nhà sàn trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, có khung cổng tự nhiên với vòm cao, xanh rợp của cây đa có dáng hình kỳ lạ. Hình ảnh các nhánh rễ đa nối liền cành xuống đất, luôn gợi nhớ về bài học kiên trì mà sinh thời Bác dạy.
Những ngày thu cách mạng, chúng tôi có thêm dịp đến thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và hòa cùng dòng người từ nhiều vùng miền đất nước, du khách nước ngoài đến thăm nơi ở và làm việc của Bác Hồ.
Ấn tượng đầu tiên với bất cứ khách tham quan nào đến đây là không gian xanh mát. Cùng vươn mình tỏa bóng nơi đây tề tựu cả trăm loài có nguồn gốc trong và ngoài nước. Trong đó, nhiều loài cây quý hiếm được Bác đưa về trồng như cây xanh bốn mùa, dừa lửa, cọ dừa… Bác cũng đã trực tiếp vun trồng và chăm sóc cho cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng, cây bụt mọc, cây dưa… và cây đa “Kiên trì”.
Cây đa “Kiên trì” tỏa bóng ở ngã ba, gần khóm tre xanh tốt, cách không xa Nhà 54 – nơi Bác Hồ đã ở và làm việc từ năm 1954 – 1958.
Cây gồm thân chính cỡ hai vòng tay của người lớn, sườn bên phải có thân phụ dài và lớn đủ để cảm nhận trong một cái ôm, sườn bên trái có hai thân phụ nhỏ, ngắn hơn. Ba thân phụ vốn là nhánh rễ buông từ trên cành cao, cắm vào đất. Điều này đã tạo nên dáng vẻ kỳ lạ cho cây đa “Kiên trì” và sự thú vị cho khách tham quan khi theo lối nào ở hai bên sườn cây đều đi dưới một rễ đa.
Dưới vòm xanh của cây đa "Kiên trì”, bà Cù Thị Minh – Phó Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, đã có 30 năm công tác tại đây, cho biết khoảng tháng 9/1965, anh em làm vườn thấy hai rễ đa từ trên cành buông, lơ lửng cách mặt đường không xa. Hai rễ này lớn dần thêm, dài xuống làm vướng lối đi lại của Bác, anh em phục vụ định cắt bỏ rễ đó đi. Bác không tán thành và gợi ý nên tìm cách kéo rễ đa xuống đất sao cho không vướng lối đi và có thể tạo cho cây thế vững chắc, đẹp.
Bác cũng đã hướng dẫn cho mọi người cách làm, lấy một cây bương tre trong vườn chẻ đôi ra, bỏ hết mấu bên trong, cho đất xốp vào lòng cây bương, ốp rễ đa vào giữa rồi dùng dây buộc chặt cây bương đó lại và chôn xuống đất. Sau 3 năm chăm sóc, rễ cây đã bén đất để phát triển.
“Các bạn thấy cây đa đến nay như chiếc cổng đón chào du khách tới thăm nhà Bác. Hình ảnh các nhánh rễ đa nối liền cành xuống đất luôn gợi nhớ về bài học kiên trì mà sinh thời Bác dạy”, bà Cù Thị Minh nói.
Công việc hoàn thành, anh em phục vụ báo cáo kết quả, Bác nói đưa rễ đa xuống đất tuy là việc nhỏ nhưng để thực hiện được cũng không dễ dàng mà cần có lòng kiên trì và quyết tâm. Mọi việc khác cũng vậy. Từ đó, cây đa này được đặt tên là “Cây đa Kiên trì”.
Bà Minh cũng cho biết, sau này cây đa có thêm 2 rễ nữa cũng được các đồng chí phục vụ kéo thêm theo phương pháp của Bác.
Bài học kiên trì, tiết kiệm
Chia sẻ chuyện cây đa "Kiên trì", bà Cù Thị Minh mong muốn gửi gắm tới các bạn trẻ, muốn làm gì cũng cần phải có lòng kiên trì thì mới thành công. Bác Hồ dù trong điều kiện gian khó luôn rèn luyện trí tuệ, trong đó có việc học ngoại ngữ. Bác thành thạo nhiều ngoại ngữ.
“Bây giờ khi đất nước mở cửa, hội nhập quốc tế, các bạn trẻ phải biết ngoại ngữ nên cần kiên trì học để trang bị ít nhất một ngoại ngữ. Tuy nhiên, chúng ta học ngoại ngữ vẫn cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và mỗi cá nhân, cùng ngành văn hóa phải kiên trì biết gìn giữ và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt, bản sắc văn hóa của dân tộc”, bà Minh nói.
Cùng trò chuyện với các bạn trẻ dịp này, bà Minh cũng chia sẻ câu chuyện về việc tiết kiệm của Bác Hồ. Theo bà Minh, tiết kiệm là chủ đề không mới nhưng không bao giờ lỗi thời. Tiết kiệm và việc đi đầu thực hành tiết kiệm của Bác vẫn luôn vẹn nguyên giá trị, nhất là khi đất nước đang thực hiện những công cuộc đổi mới.
Bà Minh cho hay, Bác Hồ chúng ta nói, nếu như chúng ta làm ra mà không tiết kiệm thì không khác gì gió vào nhà trống. Thế nên, Bác Hồ chúng ta đã đi đầu trong phong trào và tiết kiệm ăn, mặc, ở, đi lại và tiết kiệm vật chất, tiết kiệm thời gian và tiết kiệm sức lực của nhân dân.
Năm 1955, Bác Hồ đã viết bài “Bảo vệ tài sản công cộng” có nội dung là ngành giáo dục cần phải bồi dưỡng cho thanh niên thói quen tiết kiệm, bảo vệ của chung; chống lãng phí xa hoa, xem khinh lao động.
Bảo quản các hiện vật, di tích
Bà Cù Thị Minh cho biết, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc 15 năm cuối đời. Sau khi Bác Hồ qua đời, Ban Bí thư T.Ư Đảng quyết định gìn giữ nguyên trạng toàn bộ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Khu Di tích hiện được giữ gìn nguyên trạng, mở cửa gần như toàn bộ để đón khách tham quan, hiểu hơn những năm cuối đời của Bác và cuộc đời, sự nghiệp của Người.
Theo bà Minh, Khu di tích là tổng thể di tích của Bác, gồm di tích bất động sản, di tích tài liệu vật và cùng cảnh quan môi trường. Mỗi di tích, mỗi cảnh vật, cảnh quan nơi đây đều thấm đẫm những giá trị phi vật thể. Nó gắn liền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những nhân sinh quan sâu sắc.
“Để lan tỏa cái tinh thần này, bên cạnh những công tác tuyên truyền hướng dẫn trực tiếp, chúng tôi còn tổ chức thực hiện các hội thảo, tọa đàm và đặc biệt hiện nay phát triển hình thức triển lãm tại khu di tích và ở các địa phương, ngoài nước”, bà Minh nói.
Bà Minh cũng chia sẻ, để bảo quản các hiện vật khỏi tác động của môi trường, con người, khu di tích đã sử dụng các phương pháp bảo quản thường xuyên hàng ngày và định kỳ; đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật như công nghệ khí khô để hút ẩm, lắp kính chống tia UV và lắp đèn trưng bày chống tia UV để bảo vệ hiện vật.