Rộng cửa cho doanh nghiệp nhà nước làm điện gió ngoài khơi

Điện gió ngoài khơi hứa hẹn mở ra cơ hội không thể thuận lợi hơn cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tham gia từ khâu đề xuất, đầu tư vận hành tới chuyển nhượng.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới đang được Bộ Công thương chắp bút, trình Chính phủ.

Theo đó, bên cạnh việc được Thủ tướng giao thực hiện khảo sát dự án điện gió ngoài khơi (ĐGNK) như đã quy định trong Luật Điện lực, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (gọi tắt là doanh nghiệp nhà nước) sẽ được lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đồng thời chấp thuận nhà đầu tư hoặc lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Cánh cửa chính sách đang rộng mở với các doanh nghiệp nhà nước bước vào phát triển điện gió ngoài khơi. Ảnh minh họa: Hoàng Anh

Cánh cửa chính sách đang rộng mở với các doanh nghiệp nhà nước bước vào phát triển điện gió ngoài khơi. Ảnh minh họa: Hoàng Anh

Căn cứ theo Luật Điện lực, Bộ Công thương đề xuất, chỉ có hai trường hợp do Thủ tướng chấp thuận chủ trương đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án ĐGNK là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước đề xuất dự án ĐGNK để Công ty TNHH một thành viên trực thuộc thực hiện.

Thậm chí, nếu cần đáp ứng điều kiện về vốn và năng lực kinh nghiệm, hai trường hợp doanh nghiệp nêu trên được liên doanh, liên kết với nhà đầu tư khác đề thực hiện một dự án ĐGNK đầu tiên, nhưng phải bảo đảm tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ/tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trong tổ chức kinh tế thực hiện dự án trên 50%.

Vai trò của doanh nghiệp nhà nước cũng xuất hiện xuyên suốt trong quy định “mở cửa” cho nhà đầu tư ngoài thực hiện dự án ĐGNK.

Theo đó, để được trực tiếp thực hiện, tham gia đấu thầu, nhà đầu tư nước ngoài/tổ chức kinh tế có vốn ngoại phải đáp ứng các điều kiện về kinh nghiệm như đầu tư phát triển ít nhất một dự án ĐGNK, có phần vốn trong dự án chiếm tối thiểu 15% tổng mức đầu tư dự án và tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên phần vốn góp tham gia dự án tối thiểu 20%.

Đồng thời, nhà đầu tư ngoại phải ghi nhận việc tham gia của doanh nghiệp nhà nước (hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ) với tối thiểu 5% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đáng chú ý, bên cạnh ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhà nước, Bộ Công thương cũng đề xuất mở rộng đối tượng tham gia đầu tư hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án ĐGNK là nhà đầu tư trong nước, nếu đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính và kinh nghiệm.

Ở điểm này, nhà đầu tư nội chỉ cần đảm bảo năng lực tài chính tối thiểu 5% tổng mức đầu tư dự án dự kiến và tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên phần vốn góp tham gia dự án tối thiểu 20%. Đồng thời, nhà đầu tư có kinh nghiệm thực hiện/góp vốn đầu tư ít nhất một dự án năng lượng đã vận hành trong nước hoặc quốc tế.

Liên quan tới chuyển nhượng dự án, cổ phần hay phần vốn góp trong dự án có tham gia của nhà đầu tư ngoại, doanh nghiệp nhà nước hoặc đơn vị thành viên của doanh nghiệp nhà nước được quyền ưu tiên mua trước một phần/toàn bộ phần quyền lợi tham gia mà nhà đầu tư có ý định chuyển nhượng và chỉ được chuyển nhượng nếu nhà đầu tư Việt Nam từ chối mua.

Đáng chú ý, dự thảo nghị định đã chi tiết hóa những cơ chế, chính sách dành cho doanh nghiệp nhà nước trong phát triển ĐGNK như: miễn bảo đảm thực hiện dự án, được Thủ tướng xem xét, quyết định cấp tín dụng vượt giới hạn đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định Luật các Tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, một điểm mới trong báo cáo gần nhất của Bộ Công thương gửi Chính phủ xoay quanh dự thảo nghị định, là việc “khoanh vùng” ưu đãi dành cho ĐGNK.

Cụ thể, các dự án ĐGNK chỉ được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi khi được quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư trước 1/1/2031. Đồng thời, với loại hinh dự án cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, yêu cầu đặt ra là phải có công suất nằm trong room 6.000MW phê duyệt tại Quy hoạch điện VIII.

Điều này, theo Bộ Công thương, nhằm xác định rõ quy mô công suất ĐGNK phát triển đến năm 2030 xác định trong Tổng sơ đồ VIII, tránh phát sinh cơ chế xin – cho, đồng thời đảm bảo thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 55 về xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch cũng như tuân thủ Luật Điện lực.

Đáp ứng hai điều kiện trên, dự án ĐGNK sẽ được hưởng loạt cơ chế ưu đãi như miễn tiền sử dụng khu vực biển, đất, thuê đất trong thời gian xây dựng nhưng không quá ba năm tính từ ngày khởi công, giảm 50% tiền sử dụng khu vực biển trong 12 năm từ ngày dự án vận hành, sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn là 80% trong thời hạn trả nợ gốc vốn vay nhưng không quá 15 năm với dự án bán điện lên hệ thống quốc gia.

Trong số các ưu đãi này, việc cam kết sản lượng điện hợp đồng tối thiểu (Qc) dài hạn lên tới 80% đối với dự án ĐGNK bán điện phục vụ trong nước như nêu trên được coi là vượt trội so với các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG – vốn được đề xuất Qc 70% trong thời gian trả nợ của dự án nhà máy điện nhưng không quá 7 năm, giúp an tâm các nhà đầu tư bước vào thực hiện ĐGNK.

Bởi lẽ, việc được cam kết đầu ra – tức được mua tối thiểu 80% sản lượng trong 15 năm, là cơ sở quan trọng để các ngân hàng xem xét tài trợ tín dụng cho dự án ĐGNK.

Thái Bình

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/rong-cua-cho-doanh-nghiep-nha-nuoc-lam-dien-gio-ngoai-khoi-d39102.html
Zalo