Rộn ràng trống hội gọi xuân về
Mùa xuân đến, quện trong tinh nguyên, tươi mới của đất trời là tiếng trống hội ở các làng quê xứ Thanh. Tiếng trống âm vang, hào sảng là một phần của ngày xuân, như thúc giục, gọi mời, khiến lòng người thêm rạo rực, hân hoan.
Mùa vui
Những ngày tết là mùa vui nhất của làng. Ngày làng đông đủ thành phần, con cháu nhất. Ngày mà chỉ cần nghe tiếng trống hội làng là ai nấy đều rộn ràng, xúng xính.
Đã hơn 20 năm nay, tiếng trống hội được người làng Phú Khê trân trọng, giữ gìn và phát huy, với sự ra đời của câu lạc bộ (CLB) Trống hội cung đình Hoằng Phú. Tiếng trống luôn có mặt trong tất cả sự kiện trọng đại của làng, là một phần “linh hồn” của lễ hội Kỳ Phúc làng Phú Khê, lễ hội lớn nhất trong năm của xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa).
Theo các cụ cao niên làng Phú Khê, lễ hội Kỳ Phúc có nguồn gốc từ xa xưa, đã được duy trì qua biết bao nhiêu đời người, đời cây. Hội làng Phú Khê nổi tiếng với nghệ thuật trống hội cung đình. Tiếng trống được truyền thừa từ hàng trăm năm trước, đã từng vang lên trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Lễ hội làng Phú Khê, xã Hoằng Phú diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 16 đến 20/2 âm lịch). Theo dân làng Phú Khê, thì ngày 16/2 âm lịch hàng năm là ngày sinh của nhị vị thành hoàng làng Chu Minh, Chu Tuấn. Những ngày này, dân làng lại sắm sửa lễ vật tổ chức lễ hội Kỳ Phúc để cầu may. Quan niệm dân gian tin rằng, ngày hội làng không chỉ để tưởng nhớ công lao của nhị vị thành hoàng mà còn là dịp người làng cầu mong thành hoàng làng phù trợ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh...
Náo nhiệt và đông vui nhất là lễ rước cỗ quanh làng của các dòng họ, gia đình, từ già trẻ, gái trai, nhất là những người con xa quê đều tham gia đoàn rước. Dưới sự dẫn dắt của tiếng trống rộn ràng, đoàn đi đến đâu tiếng hò reo náo nhiệt đến đó. Tiếng cười vui vang vọng khắp làng trên xóm dưới, hâm nóng không khí của làng, xua tan những lạnh lẽo của cái rét lộc còn vương vấn trên những mái nhà.
Phần hội được mọi người chờ mong nhất, với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như kéo co, nấu cơm thi, bắt chạch trong vại nước, bịt mắt đạp mặt nạ, đu dây, đu tiên... Trong những phần thi không thể không có tiếng trống cổ vũ. Tiếng trống thùng thình như tiếp thêm sinh lực, khí thế cho người chơi thể hiện hết mình. Người xem cũng vì tiếng trống mà tìm đến cổ vũ và thưởng thức những màn trình diễn thú vị.
CLB Trống hội cung đình Hoằng Phú là tâm huyết của các nghệ nhân dân gian, những người yêu nghệ thuật truyền thống, đam mê trống hội. Ban đầu, chỉ có 19 thành viên, đến nay đã phát triển lên 40 người, đặc biệt CLB có sự tham gia của các thế hệ trẻ. CLB thường được mời tham gia biểu diễn trong các sự kiện văn hóa quan trọng của huyện, tỉnh, là niềm tự hào của người dân Hoằng Phú.
Ông Lê Minh Thiết, Nghệ nhân Ưu tú, chủ nhiệm CLB, người có công nhiều nhất trong việc thành lập CLB Trống hội cung đình Hoằng Phú, cho biết: “Một buổi biểu diễn trống hội ở đình làng thường có 25 người tham gia, còn ở những lễ hội lớn, không gian biểu diễn rộng thì số người biểu diễn lên tới 35 - 40 người. Trang phục truyền thống là nam mặc quần áo nghi lễ màu đỏ, nữ mặc áo tứ thân, đầu đội khăn xếp. Trống hội cung đình dùng trong nghi lễ đình làng, gồm có 11 bài. Trong quá trình biểu diễn, các nghệ nhân không chỉ đánh trống mà còn kết hợp nhiều động tác đẹp mắt như múa dùi, xoay người, đổi vị trí đánh trống, khiến trống hội cung đình không chỉ có âm sắc mà còn có cả vũ đạo hấp dẫn thu hút người xem”.
Dấu ấn xuân
Cũng như bao ngôi làng truyền thống của vùng quê Việt Nam, làng Hữu Bộc, xã Đông Ninh (Đông Sơn, nay thuộc TP Thanh Hóa) có cây đa, giếng nước, mái đình, có hội làng và tiếng trống hội. Là một trong những ngôi làng cổ có lịch sử lâu đời, nơi đây có di tích lịch sử văn hóa đền thờ Quận công Lê Giám - vị võ quan có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Trung hưng nhà Lê. Hiện nay, làng gồm 2 thôn là Thế Giới và Hòa Bình, tuy địa danh hành chính khác nhau nhưng làng vẫn duy trì hội mỗi năm, giữ được nét văn hóa làng xã. Và đội trống làng là “di sản” luôn được gìn giữ.
Sau thời gian dài vắng bóng, năm 2010, với mong muốn khôi phục hoạt động văn hóa, văn nghệ, làng Hữu Bộc đã thành lập đội trống, mời nghệ sĩ chuyên nghiệp từ Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn về giảng dạy. Ban đầu mỗi buổi tập chỉ thưa thớt vài người, nhưng tiếng trống như chạm vào lòng tự hào quê hương, khơi dậy nhiệt huyết, lòng đam mê. Để rồi, người đến xem mỗi buổi tập đông kín đình làng, số người đăng ký tham gia đội trống cũng tăng lên.
Ông Lê Thanh Oai, trưởng làng Hữu Bộc, khẳng định: “Đến nay, trong toàn huyện rất ít làng có được đội trống như làng Hữu Bộc. Những sự kiện quan trọng của huyện, xã, đội trống đều có mặt. Mang theo giá trị truyền thống của quê hương, mỗi lần biểu diễn không chỉ các diễn viên đứng trên sân khấu tự hào mà người dân chúng tôi đứng nghe cũng cảm xúc rưng rưng”. Và đến nay, màn trình diễn của đội trống là tiết mục được mong chờ nhất trong hội làng hằng năm. Đây cũng chính là dấu ấn xuân đặc trưng mà người dân làng Hữu Bộc rất đỗi tự hào.
Tiếng trống hội, tựa như sợi dây vô hình kết nối quá khứ với hiện tại. Lắng nghe tiếng trống, người dân như được nhắc nhớ về truyền thống quê hương, được nghe sự tích thành hoàng làng, nghe những câu chuyện hào hùng, bi tráng từ xa xưa... Với nhiều người, tiếng trống hội giục giã chính là một “chiếc vé” đưa họ trở về tuổi thơ.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Ngôn chia sẻ: “Theo quan niệm dân gian, tiếng trống là âm thanh của tài lộc và may mắn, đồng thời dự báo những điều lành sắp đến, biểu thị mong cầu sự thuận lợi và hanh thông. Nghệ thuật trống hội được người dân gìn giữ, bảo tồn từ mục đích ban đầu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của quần chúng trong các lễ hội truyền thống dần được phát triển thành nghệ thuật biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội ở địa phương. Đến nay, nhiều CLB trống hội được thành lập, hoạt động sôi nổi, hiệu quả, làm sinh động đời sống tinh thần của người dân, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người xứ Thanh”.