Rời phố lên núi làm kinh tế

Vòng vèo qua nhiều khúc cua, chúng tôi mới vào tới trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Trần Trọng Nguyên, nằm khuất sâu trong thung núi thuộc xóm Cây Thị, xã La Hiên (Võ Nhai). Bên hiên nhà, anh Nguyên cùng một người giúp việc đang mổ phanh hai con gà nhỏ, khiến tôi ngạc nhiên. Anh giải thích: Thỉnh thoảng tôi phải làm vậy để kiểm tra, sớm phát hiện bệnh tật để phòng tránh kịp thời.

Trang trại chăn nuôi gà gia công của gia đình anh Trần Trọng Nguyên.

Trang trại chăn nuôi gà gia công của gia đình anh Trần Trọng Nguyên.

Trong lúc chờ anh Nguyên rửa tay, pha trà, tôi tranh thủ quan sát khu trang trại rộng hơn 2ha, được quy hoạch gọn gàng, khoa học và sạch đẹp. Khu trang trại chăn nuôi gà là hai dãy nhà to, rộng được làm tách biệt trên một vuông đất bằng phẳng. Anh Nguyên cho biết: Tôi đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để mua đất, xây dựng “nhà”… cho gà.

Nhiều vậy sao? - Tôi buột miệng hỏi.

Anh Nguyên giải thích: Hai dãy chuồng trại này rộng 1.500m2 đảm bảo chăn nuôi 1,6 vạn con gà/lứa với hệ thống điện, nước, cung cấp thức ăn, hệ thống làm mát… hoàn toàn tự động nên tôi chỉ phải thuê 2 nhân công làm việc.

Theo anh Nguyên, khâu quan trọng nhất trong chăn nuôi là phòng dịch, vì chỉ cần một con bị bệnh nếu không kịp thời phát hiện, có thể phải tiêu hủy cả vạn con. Chính vì vậy, anh rất chú tâm đến việc tiên vắc-xin phòng bệnh cho gà; khử trùng, tiêu độc các vật dụng, xe cộ ra vào trang trại đảm bảo đúng quy trình. Người chăn nuôi cũng phải mặc bảo hộ, sát khuẩn, khử trùng cẩn thận. Chính vì vậy, từ ngày chăn nuôi gà (năm 2017) đến nay, trang trại gà của gia đình không phải tiêu hủy do mắc bệnh.

Bên ấm trà, nghe anh Nguyên nói chuyện chăn nuôi gà một cách “chuyên nghiệp” nhưng với thần thái lại “rất phố”, tôi đùa: Tại sao anh lại chọn chăn nuôi gà mà không phải nghề khác, bởi tôi thấy anh không có dáng dấp, phong cách của người nông dân?

Anh bảo: Gia đình tôi thường trú ở phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên). Trước kia, tôi từng làm việc ở Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên, sau đó xin nghỉ việc, chuyển sang thành lập công ty xây dựng có trụ sở ở thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) với gần 20 lao động. Nhưng công việc không đạt hiệu quả như mong đợi nên năm 2016, tôi quyết định đầu tư mua đất và xây dựng trang trại chăn nuôi gà. Đến giờ, tôi vẫn cảm thấy bước chuyển hướng là đúng đắn vì công việc này đã giúp bản thân giảm được nhiều áp lực, sự căng thẳng rất lớn. Tôi vừa lao động vừa sống hòa mình vào thiên nhiên, thấy sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn hẳn. Một năm, tôi nuôi 2-3 lứa gà, trừ tất cả chi phí cho thu lãi từ 200-300 triệu đồng. Tuy nhiên, làm kinh tế thì không việc gì là dễ dàng, ngoài những yếu tố như tôi đã nói trên, chăn nuôi gà còn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường. Có năm, tôi thua lỗ vì giá gà xuống thấp, trong khi đó thức ăn chăn nuôi lại tăng cao; hoặc đầu ra gặp nhiều khó khăn công ty chậm thu mua gà, nên mình vẫn phải tiếp tục chăn nuôi chờ xuất bán dù gà đã đủ tuổi. Nhưng tôi không nản chí, năm nọ bù năm kia, miễn sao mình thấy thoải mái và yêu thích công việc đang làm.

Mô hình chăn nuôi gà gia công của gia đình anh Trần Trọng Nguyên được nhiều người dân trong và ngoài xã biết, đến tận nơi tham quan, học hỏi và anh luôn sẵn sàng truyền lại những kinh nghiệm hữu ích. Trước kia, ở xã La Hiên chỉ có hơn 10 hộ chăn nuôi theo hướng gia trại thì nay đã phát triển được hơn 40 trang trại chăn nuôi gà, lợn… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó có trang trại chăn nuôi gà gia công của anh Nguyên - một công dân ở TP. Thái Nguyễn đã lên La Hiên mua đất để chuyển hướng làm ăn và trở thành điển hình làm kinh tế giỏi, giúp đỡ nhiều người làm theo vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Hải Đăng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202408/roi-pho-len-nui-lam-kinh-te-b4a23d2/
Zalo