Rời khỏi vùng an toàn để bứt phá thành công
BBK- Trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, một số cán bộ ở Bắc Kạn đã chọn lối đi riêng: rời công sở, chuyển sang khu vực tư nhân để khởi nghiệp và tiếp tục cống hiến theo cách của mình.
Từ bỏ sự ổn định để theo đuổi ước mơ lớn

Anh Nguyễn Văn Nam trao quà Tết động viên nhân viên lao động có hoàn cảnh khó khăn trong các doanh nghiệp sinh hoạt trong Hội Doanh nhân trẻ Bắc Kạn.
Năm 2008, chị Lường Thị Kim Huế, kế toán Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bạch Thông và chồng là anh Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bạch Thông đã đưa ra một quyết định táo bạo: Nghỉ việc Nhà nước để bắt đầu con đường kinh doanh. Từ một đại lý nhỏ kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại phường Đức Xuân và một trại lợn giống phục vụ bà con nông dân địa phương. Sau gần hai thập kỷ nỗ lực, Công ty TNHH Nam Huế do vợ chồng anh Nam sáng lập đã phát triển thành doanh nghiệp nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Công ty xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ con giống, thức ăn, thuốc thú y đến thu mua, tiêu thụ sản phẩm, liên kết với hàng trăm hộ chăn nuôi và tạo việc làm cho gần 100 lao động chính thức, cùng hàng trăm người làm việc tại hơn 150 đại lý và trang trại. Doanh thu năm 2024 của công ty đạt 190 tỷ đồng, dự kiến năm 2025 sẽ tăng lên 230 tỷ đồng. Đây chính là minh chứng cho tầm nhìn và bản lĩnh vượt khó của những người từng là cán bộ Nhà nước.
Không chỉ là một doanh nhân thành công, anh Nam còn giữ vai trò Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Kạn, tích cực kết nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện.
Anh Nam chia sẻ: “Việc từ bỏ công việc nhà nước là một bước ngoặt lớn. Nhưng chính sự quyết tâm và niềm tin vào hướng đi của mình đã giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn ban đầu, tạo dựng được giá trị không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng. Đó là niềm hạnh phúc và thành quả xứng đáng”.
Từ chuyên viên nông nghiệp đến nhà chế biến nông sản xuất khẩu

Chị Hoàng Thị Lập (ngoài cùng bên phải ), Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam MISAKI điều hành sản xuất tại nhà máy.
Một điển hình khác là chị Hoàng Thị Lập, nguyên cán bộ ngành Nông nghiệp tỉnh. Có kiến thức sâu về điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác của địa phương và nhận thấy tiềm năng lớn từ thị trường thực phẩm sạch, năm 2017, chị quyết định hợp tác với các đối tác Nhật Bản để thành lập Công ty TNHH Việt Nam MISAKI, chuyên chế biến, xuất khẩu nông sản.
Chỉ trong chưa đầy một thập kỷ, MISAKI đã trở thành doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản của tỉnh. Mỗi tháng, công ty xuất khẩu 11–12 container nông sản sang thị trường Nhật Bản, tạo việc làm ổn định cho 35 lao động chính thức và hơn 100 lao động thời vụ tại địa phương.
Không dừng lại ở việc vận hành nhà máy, chị Lập còn trực tiếp đến các thôn, bản, ký hợp đồng liên kết vùng nguyên liệu với người dân, hướng dẫn kỹ thuật và cam kết bao tiêu đầu ra. Đến nay, vùng nguyên liệu gồm mơ, gừng, kiệu, củ cải…, đã được MISAKI phát triển rộng khắp các huyện: Na Rì, Pác Nặm, Chợ Đồn, Ba Bể, Bạch Thông và Chợ Mới, thu mua hơn 10.000 tấn nông sản mỗi năm.
Minh chứng sống động cho chủ trương đúng đắn
Câu chuyện thành công của anh Nam và chị Lập cho thấy, lựa chọn rời công sở không đồng nghĩa với từ bỏ trách nhiệm xã hội. Trái lại, họ chuyển vai trò để tiếp tục cống hiến trong một môi trường linh hoạt, năng động hơn, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế thị trường.

Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam MISAKI thăm vùng nguyên liệu trồng kiệu ở Ba Bể.
Trong bối cảnh thực hiện các Nghị quyết 18-NQ/TW và 19-NQ/TW của Trung ương về tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, việc tạo điều kiện để cán bộ dôi dư, không còn phù hợp với vị trí công tác có thể chuyển hướng sang khu vực tư nhân là bước đi cần thiết, mở ra cơ hội mới cho những người dám đổi thay.
Không phải ai cũng dễ dàng đạt được thành công khi rời khỏi công sở. Tuy nhiên, nếu có định hướng rõ ràng, được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết, chuyển đổi từ khu vực công sang tư không chỉ giúp cá nhân phát triển mà còn góp phần tạo nên những giá trị bền vững cho xã hội.
Trong thời kỳ hội nhập sâu rộng và chuyển đổi số hiện nay, việc luân chuyển nhân lực giữa khu vực công và tư là xu hướng tất yếu. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và ở điểm giao thoa ấy là những con người dám rẽ lối, dấn thân và phụng sự cộng đồng theo cách sáng tạo hơn.
Để thúc đẩy xu hướng này phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần có cơ chế hỗ trợ tái định hướng nghề nghiệp cho cán bộ chuyển công tác, đặc biệt là về đào tạo kỹ năng, tiếp cận nguồn lực khởi nghiệp và kết nối thị trường. Đồng thời, các địa phương cũng cần mạnh dạn phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố khởi nghiệp xuất thân từ khu vực công.
Chuyển mình từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư là hành trình không dễ dàng. Nhưng nếu được đồng hành và hỗ trợ đúng lúc, đây sẽ là bước ngoặt quan trọng, góp phần hình thành những doanh nghiệp tiên phong, nơi tinh thần phụng sự Nhân dân vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng trong một hình thức mới – năng động, sáng tạo và hiệu quả hơn./.