Rộ tin đồn liên quan đến tình trạng bệnh nặng của Từ Hy Viên
Theo các bác sĩ Trung Quốc, việc ngâm suối nước nóng khi đang bị cảm cúm có thể dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
Minh tinh Từ Hy Viên qua đời đột ngột vì cảm cúm và viêm phổi để lại nhiều tiếc thương cho người hâm mộ khắp châu Á. Gia đình đã hoàn tất lễ hỏa táng của cô tại Nhật Bản vào ngày 4/2 và dự kiến đưa tro cốt về Đài Loan (Trung Quốc) vào ngày 6/2.
Trước đó, nữ diễn viên cùng gia đình có chuyến du lịch đến Nhật Bản. Đáng chú ý, cô từng có dấu hiệu hen suyễn trước khi lên máy bay và đã đến Hakone tắm suối nước nóng trong chuyến đi này.
Theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, bệnh án được cho là của Từ Hy Viên cho thấy nồng độ oxy trong máu của cô đã giảm xuống 89%. Hình ảnh chụp CT cho thấy cả hai phổi đều trắng xóa. Nhiều người cho rằng việc bỏ lỡ "48 giờ vàng" trong cấp cứu và ngâm mình trong suối nước nóng khi đang ốm đã khiến tình trạng bệnh của cô trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo ETtoday, bác sĩ Hoàng Xuân, chuyên khoa Lồng ngực và Hồi sức tích cực, đã viết trên trang cá nhân rằng việc tắm suối nước nóng khi đang bị cảm cúm là tương đối nguy hiểm.
Ông giải thích rằng nhiều người lầm tưởng suối nước nóng có thể giúp thải độc, nhưng thực tế, khi bị cúm, việc này không được khuyến khích. Nguyên nhân là nhiệt độ cao của suối nước nóng có thể ảnh hưởng đến cơ chế điều hòa thân nhiệt, làm tăng gánh nặng cho cơ thể, thậm chí gây sốc nhiệt hoặc mất nước.
Ngoài ra, khi mắc cúm, các tế bào trong cơ thể đang tích cực chống lại virus; việc ngâm nước nóng có thể đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và tăng nhịp tim, khiến người bệnh mệt mỏi hơn. Môi trường ẩm ướt của suối nước nóng cũng có thể làm gia tăng dịch tiết đường hô hấp, gây khó thở hoặc tích tụ đờm. Đối với những bệnh nhân cúm có tiền sử hen suyễn hoặc viêm phế quản mạn tính, việc ngâm suối nước nóng có thể kích thích co thắt phế quản, dẫn đến khó thở hoặc thở khò khè.
Đáng chú ý, nhiệt độ cao của nước suối nóng có thể ức chế phản ứng miễn dịch, khiến quá trình hồi phục kéo dài hoặc thậm chí làm bệnh nặng thêm. Khi hệ miễn dịch suy giảm, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây các biến chứng như viêm phổi, viêm xoang.
Bác sĩ chuyên khoa lồng ngực Tô Nhất Phong cũng cho rằng khi mắc cúm, cơ thể rơi vào trạng thái viêm trên diện rộng, cần được điều trị kịp thời bằng thuốc, truyền dịch và bổ sung nước đầy đủ. Nếu người bệnh vẫn tắm suối nước nóng, ra nhiều mồ hôi và mất nước, tình trạng có thể diễn tiến nặng hơn, làm chậm quá trình hồi phục.
Ngoài những tác động tiêu cực đến sức khỏe kể trên, bác sĩ Hoàng Xuân cũng nhấn mạnh rằng việc tắm suối nước nóng khi bị cúm có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus cho người khác, đặc biệt trong không gian kín hoặc khu vực đông người. Virus có thể được phát tán ra môi trường và tồn tại trên khăn tắm, ghế ngồi và thành bể, gia tăng nguy cơ lây nhiễm.
Các bác sĩ khuyến cáo người mắc cúm nên tránh tắm suối nước nóng, thay vào đó nên ưu tiên nghỉ ngơi và uống nước ấm để duy trì độ ẩm cho cơ thể.
Các biện pháp như chườm nóng hoặc ngâm chân có thể giúp cải thiện tuần hoàn mà không gây thêm áp lực lên hệ miễn dịch. Đặc biệt, người bệnh nên hạn chế đến nơi đông người để giảm nguy cơ lây lan virus. Chỉ khi sức khỏe hoàn toàn hồi phục, họ mới nên cân nhắc tắm suối nước nóng để tránh tái phát hoặc gặp biến chứng.