Rò rỉ kế hoạch Nga muốn xây dựng lại trật tự thế giới mới

Tài liệu này đưa ra bốn kịch bản khác nhau về sự phát triển của trật tự thế giới toàn cầu, trong đó có hai kịch bản được coi là có lợi cho Moskva và hai kịch bản bất lợi.

Trụ sở Bộ Quốc phòng Nga. Ảnh: AA

Trụ sở Bộ Quốc phòng Nga. Ảnh: AA

Ngày 20/11, hãng tin Interfax Ukraine rò rỉ một tài liệu được cho là của Bộ quốc phòng Nga, trong đó Moskva có thể đang lên kế hoạch truyền đạt với lãnh đạo Mỹ về một trật tự thế giới mới kéo dài đến năm 2045.

Thông tin này được dẫn nguồn từ cơ quan tình báo Ukraine, và một nguồn tin khác cũng chia sẻ với tờ Kyiv Independent về kế hoạch này. Tuy nhiên, các thông tin trên chưa được xác minh độc lập.

Tài liệu này đưa ra bốn kịch bản khác nhau về sự phát triển của trật tự thế giới toàn cầu, trong đó có hai kịch bản được coi là có lợi cho Moskva và hai kịch bản bất lợi.

Hai kịch bản có tên "Hình thành thế giới đa cực và phân chia phạm vi ảnh hưởng của các bên tham gia chính" và "Khu vực hóa/hỗn loạn hóa" liên quan đến chiến thắng của Nga trước Ukraine.

Những kịch bản còn lại, "Sự thống trị của Mỹ và phương Tây" và "Trung Quốc giành được vị thế cường quốc hàng đầu thế giới", giả định một thất bại quân sự của Nga ở Ukraine.

Trong khi đó, theo các tài liệu mà tờ Washington Post có được, Điện Kremlin đã triệu tập các cuộc họp vào năm 2022 và 2023 để tìm cách phá bỏ hệ thống tài chính toàn cầu sau Thế chiến thứ 2 và làm suy yếu quyền lực của Mỹ đối với các giao dịch toàn cầu.

Theo nội dung kế hoạch, Nga đang cố gắng tăng cường quan hệ kinh tế và ngoại giao với Trung Quốc và các nước Nam Bán cầu để có thể thách thức hệ thống tài chính quốc tế do Mỹ thống trị và làm suy yếu phương Tây. Trong khi Bắc Kinh vẫn ủng hộ Moskva về mặt ngoại giao và kinh tế bất chấp nỗ lực cô lập Nga của phương Tây, thì cho đến nay dường như vẫn kiềm chế không cung cấp viện trợ quân sự trực tiếp.

Một tài liệu khác, được cho là do một người thân cận của người đứng đầu Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev viết, ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và Nga về trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống mạng.

Tài liệu này được cho là hình dung ra một hệ thống tài chính mới và một loại tiền kỹ thuật số Á-Âu dựa trên các hệ thống thanh toán thay thế giữa Nga và Trung Quốc để vượt qua sự thống trị của Mỹ trong các giao dịch tài chính toàn cầu thông qua đồng USD.

Tuy nhiên sau đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phủ nhận việc Nga muốn phá hoại sự thống trị của Mỹ đối với hệ thống tài chính toàn cầu, nhưng ông thừa nhận Điện Kremlin muốn tạo ra một giải pháp thay thế.

Trong một diễn biến liên quan đến xung đột, hãng tin Bloomberg ngày 20/11 trích tiết lộ của một quan chức phương Tây cho biết Ukraine đã tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga bằng tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp.

Liên quan tới vấn đề này, theo hãng tin Reuters, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết văn phòng của ông sẽ không bình luận về các báo cáo hoặc vấn đề hoạt động quân sự. Trước đây, Anh đã tuyên bố rằng Ukraine chỉ có thể sử dụng tên lửa tầm xa Storm Shadow trong lãnh thổ Ukraine, nhưng nhiều tháng qua, chính phủ Anh đã gây áp lực với Mỹ để cho phép Ukraine sử dụng loại vũ khí này tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

Cả Anh và Pháp đều cung cấp tên lửa Storm Shadows cho Ukraine. Đặc biệt, Anh là quốc gia đầu tiên cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine và những tên lửa Storm Shadow đầu tiên đã đến Kiev vào tháng 5/2023.

Trước đây, Ukraine đã sử dụng tên lửa Storm Shadows cho các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào các lực lượng của Nga, nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ, bao gồm cuộc tấn công vào Hạm đội Biển Đen ở Bán đảo Crimea, khu vực bị Nga sáp nhập năm 2014.

Nếu thông tin của hãng Bloomberg được xác nhận, đây là lần đầu tiên tên lửa tầm xa Storm Shadows được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga và nó diễn ra sau khi Ukraine lần đầu sử dụng tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tấn công vào Nga.

Hôm 19/11, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố vào lúc 3h25 cùng ngày quân đội Ukraine đã tấn công tỉnh miền Tây Bryansk bằng 6 tên lửa ATACMS tầm xa do Mỹ sản xuất. Các hệ thống phòng không S-400 và Pantsir của nước này đã bắn hạ 5 tên lửa và làm hư hại quả thứ sáu. Các mảnh đạn rơi xuống gây ra đám cháy tại cơ sở quân sự, song vụ hỏa hoạn nhanh chóng bị dập tắt, không gây ra thương vong hay thiệt hại nào.

Tuy nhiên, hãng tin Reuters ngày 20/11 dẫn một nguồn tin từ Mỹ cho biết Ukraine đã phóng 8 tên lửa ATACMS và quân đội Nga chỉ đánh chặn được 2 quả trong số đó.

Trong khi đó, theo tờ The Kyiv Post ngày 20/11, nhiều hãng truyền thông Mỹ dẫn nguồn tin ẩn danh cho biết các quan chức Mỹ xác nhận Ukraine đã sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga vào hôm 19/11.

Căn cứ vào lời của hai quan chức Mỹ, đài CNN đưa tin: “Ukraine đã đánh trúng một kho vũ khí của Nga bằng tên lửa do Mỹ cung cấp. Đây là lần đầu tiên loại vũ khí này được sử dụng để tấn công vượt biên giới”.

Các báo cáo tương tự cũng xuất hiện trên website của tổ chức truyền thông độc lập, phi lợi nhuận NPR và tờ The New York Times, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Nga đã phản ứng mạnh mẽ, cáo buộc Ukraine vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa trả đũa bằng các đòn tấn công cường độ cao hơn. Tuy nhiên, các nhà quan sát quốc tế nhận định, cuộc tấn công này cho thấy Ukraine đang có những bước tiến rõ rệt trong việc nâng cấp khả năng tấn công xa, có thể làm thay đổi cán cân xung đột hiện tại.

Trong bối cảnh xung đột kéo dài gần hai năm, các diễn biến mới nhất đã làm gia tăng lo ngại về khả năng Nga sẽ leo thang cuộc chiến sang cấp độ chiến lược cao hơn. Khả năng về một cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột hiện còn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo Kyiv Independent, Interfax Ukraine, Washington Post )

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ro-ri-ke-hoach-nga-muon-xay-dung-lai-trat-tu-the-gioi-moi-20241121095210688.htm
Zalo