Rõ dần 'Học thuyết Trump' về chính sách đối ngoại?
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang dần vạch ra chương trình nghị sự chính sách đối ngoại cho nhiệm kỳ thứ hai.
Dù chưa nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã làm "khuấy đảo” thế giới khi gần đây đưa ra những phát ngôn liên quan tới ý tưởng mở rộng lãnh thổ Mỹ ở khu vực Tây Bán cầu, yêu cầu mức chi tiêu quốc phòng cao hơn đối với thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như nỗ lực chấm dứt chiến sự Nga-Ukraine.
Theo giới quan sát, những phát ngôn này đang dần định hình chính sách đối ngoại của chính quyền sắp tới của ông Trump.
“Học thuyết Trump” về chính sách đối ngoại đã dần rõ?
Thứ nhất, quyết tâm của ông Trump trong việc biến Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ, tái lập quyền kiểm soát Kênh đào Panama, và sáp nhập đảo Greenland (Đan Mạch) báo hiệu sự hồi sinh của Học thuyết Monroe. Học thuyết này, lần đầu tiên được Tổng thống Mỹ James Monroe đưa ra vào năm 1823, đã định hình chính sách đối ngoại của Mỹ trong suốt đầu thế kỷ 20 và sau đó là trong Chiến tranh Lạnh.
Những cách tiếp cận trên của ông Trump sẽ là sự thay đổi đáng kinh ngạc so với chủ nghĩa quốc tế tự do mà chính quyền Tổng thống Joe Biden theo đuổi 4 năm qua, theo Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ). Đồng thời, những phát ngôn trên của ông Trump về việc mở rộng lãnh thổ ở Tây Bán cầu sẽ là cốt lõi trong cách tiếp cận “Nước Mỹ trước tiên” vì hai động cơ tương tự thúc đẩy Học thuyết Monroe: ngăn chặn các thế lực bên ngoài can thiệp và giảm thiểu cái gọi là tình trạng hỗn loạn trong khu vực.
Thứ hai, ông Trump cũng cho biết các đồng minh NATO nên tăng mục tiêu chi tiêu quân sự lên khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ mục tiêu hiện tại là ít nhất 2%. Một số nhà phân tích và cố vấn của ông Trump cho rằng những bình luận này có thể được coi là những lời đề nghị khởi đầu trong các cuộc đàm phán cứng rắn hơn là các tuyên bố về chính sách, theo tờ The Wall Street Journal. Theo NATO, năm ngoái Mỹ cũng chỉ chi khoảng 3,4% GDP cho quốc phòng, tương đương với những năm tài khóa gần đây của Washington.
Chi tiêu quốc phòng thấp của Canada và các thành viên châu Âu trong NATO từ lâu đã khiến ông Trump tức giận. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã đe dọa sẽ rút khỏi liên minh nếu chi tiêu quốc phòng của các nước đồng minh không tăng. Cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Ivo Daalder - người từng phục vụ dưới thời Tổng thống Barack Obama - cho biết ông lo ngại "mục đích thực sự của việc đặt ra tiêu chuẩn cao này là để cung cấp cho ông Trump một cái cớ để rút khỏi NATO hoặc không phải thực hiện nghĩa vụ theo hiệp ước của Mỹ là bảo vệ NATO trong trường hợp liên minh này bị tấn công".
Thứ ba, cho đến nay ông Trump vẫn giữ thái độ thận trọng về cách tiếp cận của ông đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ông Trump đã cam kết chấm dứt cuộc xung đột lớn nhất của châu Âu kể từ Thế chiến II nhưng không đưa ra chi tiết về cách ông dự định thực hiện điều đó. Tổng thống đắc cử Trump đã hứa sẽ chấm dứt xung đột Ukraine trong “24 giờ” sau khi nhậm chức nhưng giờ đây, ông nói rằng có thể cần tới 6 tháng để thực hiện nỗ lực đó. Nhưng tuần qua, đặc phái viên của Tổng thống đắc cử Trump về hòa bình ở Ukraine - ông Keith Kellogg cam kết thời hạn 100 ngày kể từ ngày 20-1 để chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Dù ông Trump chưa công bố chi tiết cụ thể về cách thức đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine, nhưng có thể trong thời gian tới, ông Trump sẽ thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao, bao gồm sắp xếp cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngày 9-1, ông Trump nói rằng “Tổng thống Putin muốn gặp” ông và “chúng tôi đang sắp xếp” cuộc gặp sau lễ nhậm chức ngày 20-1. Ông Trump cũng lưu ý rằng một cuộc gặp như vậy sẽ được Ukraine và các đồng minh phương Tây quan tâm.
Áp lực mới từ ông Trump xuất hiện trong bối cảnh bất ổn sâu sắc về cách tiếp cận của tổng thống đắc cử đối với cuộc chiến ở Ukraine. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, các thành viên NATO phần lớn đã thống nhất về nhu cầu hỗ trợ Kiev trong cuộc chiến với Nga, theo The Wall Street Journal.
Nhiều thách thức
Theo đài CNN, ông Trump khó có thể đạt được điều mình muốn với Canada, Panama hay Greenland. Vì vậy, chiến lược của tổng thống đắc cử có thể hướng đến việc đạt được những thỏa thuận tốt hơn cho Mỹ. Điều đó có thể là giảm giá cho các tàu thuyền của Mỹ đi qua tuyến đường thủy quan trọng giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, tiếp cận nhiều hơn với các khoáng sản đất hiếm ở Greenland và các tuyến đường biển mới, cũng như một thỏa thuận thương mại mới với Canada có thể mang lại lợi thế cho các nhà sản xuất Mỹ.
Ngoài ra, The Wall Street Journal cho rằng các đồng minh NATO chắc chắn là bên chịu tác động lớn từ những yêu cầu mới của ông Trump. Theo chuyên gia, các tuyên bố về sáp nhập lãnh thổ vào Mỹ và chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng có nguy cơ làm suy yếu lòng tin của các đồng minh vào Washington và có khả năng khiến đối thủ trở nên táo bạo hơn. Cách tiếp cận ngày càng đối đầu của ông Trump với các đồng minh cũng có nguy cơ làm suy yếu NATO và khả năng răn đe của liên minh này mà không cần Mỹ phải chính thức rút khỏi.
Việc tăng mạnh chi tiêu quân sự là điều khó khăn vì các nước châu Âu đang chịu áp lực chi tiêu cực độ do nền kinh tế nói chung yếu kém và vì các nhà sản xuất vũ khí đang phải vật lộn để cung cấp thiết bị đã được đặt hàng. Các quan chức quân sự NATO đã phàn nàn rằng sự kết hợp giữa việc tăng chậm nguồn cung và nhu cầu tăng nhanh đang đẩy giá vũ khí lên cao hơn so với việc mở rộng kho vũ khí.
Cựu Đại sứ Daalder nhận định mục tiêu 5% mà ông Trump đặt ra là "con số không thực tế” vì hiện tại các thành viên NATO ở châu Âu chi tiêu quốc phòng gấp 3 lần so với Nga và nếu ở mức 5%, châu Âu sẽ chi nhiều hơn Nga gấp khoảng 10 lần. Tháng trước, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã nói rằng bất kỳ khoản tăng chi tiêu nào cũng phải đi kèm với hiệu quả cao hơn, tập trung vào đổi mới và mua sắm chung. "Nếu NATO không nâng cao hiệu quả, ngay cả với 4%, liên minh cũng không thể tự bảo vệ mình", theo Tổng thư ký NATO.
Về cuộc chiến ở Ukraine, các nhà lãnh đạo châu Âu đang thúc giục ông Trump và nhóm của ông duy trì viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, lập luận rằng điều này rất quan trọng đối với việc phòng thủ của Kiev và buộc Moscow phải tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình. Các quan chức Pháp lưu ý vào tháng trước rằng việc ngăn chặn các bước tiến của Nga ở miền đông Ukraine là điều cần thiết cho bất kỳ cuộc đàm phán nào, vì các cuộc thảo luận là không có khả năng xảy ra trong khi Moscow tiếp tục giành được lãnh thổ, theo tờ Kyiv Independent.
Chuyên gia Niclas Poitiers của nhóm nghiên cứu chính sách Bruegel (Bỉ) lưu ý sự phức tạp của việc đưa ra chiến lược Ukraine mới dưới thời ông Trump, kêu gọi châu Âu sẽ cần phải chịu trách nhiệm lớn hơn đối với khu vực lân cận của mình, đảm bảo rằng sự tham gia giảm sút của Mỹ không tạo ra lỗ hổng an ninh.
Hình dung chính sách kinh tế thời Trump 2.0
Tổng thống đắc cử Trump đã có một bước đi mở màn trong việc viết lại trật tự kinh tế toàn cầu với các cảnh báo về thuế quan đối với Mexico và Canada, cũng như Trung Quốc và các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), theo tạp chí National Interest.
Những lời đe dọa của ông Trump về thuế quan tạo cơ hội cho nhóm của ông ngồi vào bàn đàm phán để theo đuổi các loại thỏa thuận mới thúc đẩy lợi ích an ninh của Mỹ và các đồng minh. Nhưng thay vì các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) truyền thống tập trung vào việc mở cửa thị trường trên mọi lĩnh vực, nhóm của ông Trump sẽ tận dụng thuế quan để thúc đẩy chương trình nghị sự an ninh kinh tế của Mỹ nhằm củng cố chuỗi cung ứng và thúc đẩy khối kinh tế đồng minh.
Ông Trump có thể muốn một trật tự thương mại toàn cầu ít tập trung vào sản xuất chi phí thấp và tập trung nhiều hơn vào an ninh kinh tế, cán cân thương mại và tăng cường sản xuất trong nước, đồng thời sẽ không bỏ qua sự mất cân bằng thương mại với các đồng minh, bao gồm ở châu Á và châu Âu.