Reuters: Máy bay Boeing ở Trung Quốc bị trả ngược về Mỹ

Ngày 20/4, một chiếc máy bay Boeing 737 MAX, vốn được sản xuất cho Hãng hàng không Hạ Môn của Trung Quốc, đã phải quay ngược trở lại trung tâm sản xuất của Boeing tại Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Máy bay bị trả ngược từ Trung Quốc về Mỹ

Theo hãng tin Reuters, chiếc máy bay mang nhận diện thương hiệu của Hãng hàng không Hạ Môn (Xiamen Airlines) đã hạ cánh xuống sân bay Boeing Field ở Seattle (bang Washington, Mỹ) lúc 18h11 ngày 19/4 (giờ địa phương).

Trước đó, máy bay đã dừng tiếp nhiên liệu tại đảo Guam và quần đảo Hawaii (Mỹ) trên hành trình dài 8.000km từ Trung Quốc trở lại Mỹ.

Máy bay 737 MAX, vốn được sản xuất cho Hãng hàng không Hạ Môn (Trung Quốc), đã bị trả ngược về Mỹ (Ảnh: Reuters).

Máy bay 737 MAX, vốn được sản xuất cho Hãng hàng không Hạ Môn (Trung Quốc), đã bị trả ngược về Mỹ (Ảnh: Reuters).

Đây là một trong số những máy bay 737 MAX đang chờ hoàn tất giai đoạn lắp ráp cuối cùng tại trung tâm sản xuất của tập đoàn Boeing ở Chu San, Trung Quốc, trước khi được bàn giao cho các hãng hàng không trong nước.

Sự việc trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng thuế suất cơ bản đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 145%. Đáp trả, Bắc Kinh áp dụng mức thuế 125% đối với hàng hóa Mỹ, đẩy căng thẳng thương mại giữa hai bên leo cao.

Bên cạnh đó, hãng tin Bloomberg mới đây cũng đưa tin, Trung Quốc đã yêu cầu các hãng hàng không trong nước ngừng mọi đơn hàng mua máy bay mới từ Tập đoàn Boeing, ngừng mua linh kiện, thiết bị máy bay từ các công ty Mỹ.

Theo công ty tư vấn hàng không IBA, với giá trị thị trường khoảng 55 triệu USD cho mỗi chiếc 737 MAX, các hãng hàng không Trung Quốc sẽ phải chịu gánh nặng thuế quan khổng lồ nếu tiếp nhận những lô máy bay mới.

Hiện, chưa rõ Boeing hay Xiamen Airlines đã đưa ra quyết định hoàn trả máy bay về Mỹ. Boeing từ chối đưa ra bình luận khi được hãng tin Reuters liên hệ, trong khi phía Xiamen cũng không phản hồi.

Nhiều lô hàng máy bay bị ảnh hưởng

Theo hãng tin Reuters, việc máy bay Boeing 737 MAX, dòng máy bay bán chạy nhất của Boeing, phải quay đầu trở về Mỹ là dấu hiệu mới nhất cho thấy những gián đoạn nghiêm trọng trong hoạt động giao nhận máy bay mới, xảy ra khi những chính sách thuế quan liên tục biến động dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Không chỉ Boeing, nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng không cũng báo cáo những biến động xoay quanh những thay đổi trong chính sách thuế quan của Mỹ.

Nhiều công ty hàng không, bao gồm cả Boeing và Airbus, đã ghi nhận những ảnh hưởng đáng kể trong bối cảnh chính sách thuế quan liên tục có nhiều thay đổi (Ảnh: Reuters).

Nhiều công ty hàng không, bao gồm cả Boeing và Airbus, đã ghi nhận những ảnh hưởng đáng kể trong bối cảnh chính sách thuế quan liên tục có nhiều thay đổi (Ảnh: Reuters).

Điển hình như vào hồi đầu tháng 2/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico. Thuế tăng cũng đồng nghĩa chi phí cho mỗi chiếc máy bay tăng cao.

Tuy nhiên, ngay trước thời điểm có hiệu lực, chính sách thuế nêu trên bị hoãn 30 ngày. Sau đó, ông Trump tiếp tục tuyên bố miễn thuế với hàng hóa tuân thủ Hiệp định USMCA giữa 3 nước Mỹ, Mexico và Canada.

Điều này buộc các công ty hàng không phải gấp rút hoàn thiện hồ sơ để chứng minh hàng hóa tuân thủ hiệp định giữa 3 nước, dù trước đó các bên chưa từng cần đến loại giấy tờ này.

Trong khi chờ doanh nghiệp gấp rút hoàn tất giấy tờ chứng minh tuân thủ USMCA, nhiều lô hàng động cơ máy bay sản xuất tại Canada đã buộc phải tạm dừng, cho thấy những ảnh hưởng nhất định từ việc thay đổi chính sách thuế quan đối với ngành công nghiệp.

Trong khi đó vào giữa tháng 4, ông Ed Bastian, Giám đốc điều hành Delta Air Lines Delta tuyên bố hãng sẽ hoãn nhận lô hàng máy bay mới nếu bị áp thuế.

Ông Bastian nhận định chính sách thuế quan đang tạo ra ảnh hưởng tiêu cực, khiến nhu cầu đi lại bị đình trệ và kêu gọi các nhà lãnh đạo Mỹ sớm giải quyết tình trạng này để bảo vệ nền kinh tế.

Theo hãng tin Reuters, máy bay và động cơ máy bay thường được khách hàng đặt trước nhiều năm. Những biến động trong chính sách thuế quan tại Mỹ có nguy cơ làm chậm quá trình giao nhận những sản phẩm này.

Ngay cả khi ngành công nghiệp hàng không không phải là mục tiêu trực tiếp chịu thuế nhưng những thay đổi thường xuyên và chi phí gia tăng cũng đang gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng vốn đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt phụ tùng và nhân công.

Lưu Gia Huy

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/reuters-may-bay-boeing-o-trung-quoc-bi-tra-nguoc-ve-my-192250420115108239.htm
Zalo