Reuters: Đối tác lắp ráp iPhone cho Apple ở Trung Quốc cân nhắc sản xuất tại Mỹ để đối phó thuế quan

Luxshare Precision Industry (đối tác của Apple) đang đàm phán với khách hàng về các phương án ứng phó thuế quan của Tổng thống Donald Trump bằng cách chuyển thêm hoạt động sản xuất ra ngoài Trung Quốc, gồm cả Mỹ, theo lời chủ tịch công ty này trong một cuộc gọi điện với các nhà phân tích hôm 9.4.

Những phát biểu của Luxshare Precision Industry (Trung Quốc), đơn vị lắp ráp iPhone và sản xuất AirPods, đã hé lộ phần nào quá trình cân nhắc của các công ty trên thế giới trong bối cảnh gấp rút tìm cách đối phó với các mức thuế quan mà Tổng thống Donald Trump đưa ra, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 9.4.

Trong một bản ghi lại cuộc gọi mà hãng tin Reuters nghe được, bà Vương Lai Xuân (Chủ tịch Luxshare Precision Industry) nói các mức thuế quan sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận và doanh thu của công ty. Lý do vì Luxshare Precision Industry chỉ xuất khẩu một lượng nhỏ sản phẩm hoàn chỉnh sang Mỹ.

Tuy nhiên trong cuộc gọi kéo dài hơn một giờ, Vương Lai Xuân cho biết Luxshare Precision Industry cần xem xét việc đầu tư thêm ra nước ngoài và hoãn một số kế hoạch đầu tư tại Trung Quốc.

“Nếu có sự đảm bảo thương mại và chúng tôi có thể đánh giá tốt, Luxshare Precision Industry không loại trừ khả năng một số sản phẩm sẽ sản xuất tại Mỹ để đáp ứng nhu cầu của thị trường này”, bà nói thêm.

Luxshare Precision Industry nói với một số khách hàng rằng hãng sẽ cần những đảm bảo như vậy để trả lời các câu hỏi của họ về khả năng cung cấp một số dịch vụ tại Bắc Mỹ cho các sản phẩm được sản xuất với mức độ tự động hóa cao, Vương Lai Xuân cho biết.

“Nhưng với bước đi này, chúng tôi cũng sẽ cân nhắc đến sự phát triển dài hạn và các yếu tố an toàn”, Chủ tịch Luxshare Precision Industry nhấn mạnh.

Các nhà cung cấp của Apple, vốn sẽ chịu tác động lớn từ mức thuế của ông Trump, thường không công khai bình luận về gã khổng lồ công nghệ Mỹ này. Vương Lai Xuân không nêu đích danh Apple hay bất kỳ khách hàng nào trong cuộc gọi.

Luxshare Precision Industry không phản hồi ngay lập tức câu hỏi tìm thêm bình luận từ Reuters. Apple cũng chưa đưa ra phản hồi.

Ngoài các nhà máy tại Trung Quốc, Luxshare Precision Industry còn có các cơ sở sản xuất và trung tâm nghiên cứu tại Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Mỹ, Mexico.

Không chỉ lắp ráp iPhone và sản xuất AirPods cho Apple, Luxshare Precision Industry còn thiết kế và sản xuất các thiết bị điện tử như bộ định tuyến (router), mô đun sạc không dây và thiết bị hội nghị truyền hình.

Vương Lai Xuân cho biết Luxshare Precision Industry đang cân nhắc đầu tư nhiều hơn vào khu vực Đông Nam Á, nhưng không nêu rõ ở đâu.

Luxshare Precision Industry hiện không xem xét mở rộng sang Ấn Độ, nhưng sẽ cân nhắc nếu có yêu cầu đặc biệt từ khách hàng, bà nói.

Công ty cần từ 1 năm đến 1 năm rưỡi để xây dựng và đưa vào hoạt động một dây chuyền sản xuất mới tại những nơi đã có nhà máy, bà nói thêm.

Khi được hỏi liệu thuế quan có được các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và người tiêu dùng cuối cùng cùng gánh chịu hay không, Vương Lai Xuân cho biết: “Đến nay, tất cả nhà sản xuất phần cứng đều không phải gánh chi phí thuế quan hay kho bãi hậu cần... Chưa bao giờ xảy ra điều đó và tôi nghĩ tương lai cũng vậy”.

Tuy nhiên, bà thừa nhận có lo ngại rằng khách hàng sẽ tìm kiếm mức giá thấp hơn do thuế quan và nói thêm: “Khách hàng luôn hợp tác với nhà cung cấp để tìm cách nâng cao tính cạnh tranh”.

Tim Cook (Giám đốc điều hành Apple) trò chuyện với Vương Lai Xuân trong chuyến tham quan nhà máy của Luxshare Precision Industry ngày 18.10.2023 - Ảnh: Weibo

Tim Cook (Giám đốc điều hành Apple) trò chuyện với Vương Lai Xuân trong chuyến tham quan nhà máy của Luxshare Precision Industry ngày 18.10.2023 - Ảnh: Weibo

Apple xuất khẩu số iPhone trị giá 17,4 tỉ USD từ Ấn Độ năm ngoái

Apple đã xuất khẩu số iPhone trị giá hơn 1.500 tỉ rupee (tương đương 17,4 tỉ USD) từ Ấn Độ trong năm tài chính vừa qua, Bộ trưởng Công nghệ của nước này cho biết hôm 8.4, nhấn mạnh nỗ lực của công ty trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

Ấn Độ đã xuất khẩu số smartphone trị giá hơn 2.000 tỉ rupee (gồm cả iPhone) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2025, tăng 54% so với năm trước, Bộ trưởng Công nghệ Ashwini Vaishnawnói tại một buổi họp báo ở thủ đô New Delhi.

Apple chưa phản hồi về thông tin nêu trên.

Apple đã nhanh chóng mở rộng hoạt động tại Ấn Độ sau khi các đợt phong tỏa nghiêm ngặt vì COVID-19 làm tê liệt sản xuất tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Động thái đa dạng hóa này phù hợp với tham vọng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong việc biến đất nước thành một trung tâm sản xuất.

Các khoản trợ cấp của Ấn Độ đã hỗ trợ Foxconn (Đài Loan) và đơn vị sản xuất điện tử của Tata Group (Ấn Độ) rộng quy mô lắp ráp iPhone tại địa phương. Tập đoàn Tata Group đã mua lại các nhà máy của Wistron Corp và Pegatron Corp (đều của Đài Loan) tại Ấn Độ.

Foxconn là đối tác lắp ráp iPhone chính cho Apple và cũng là nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới.

Mức thuế 104% của Mỹ với Trung Quốc có thể thúc đẩy Apple chuyển nhiều hơn hoạt động sản xuất sang Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á.

Apple đã dành nhiều năm để chuyển một số hoạt động sản xuất của mình sang Việt Nam, nơi chịu mức thuế thấp hơn Trung Quốc. Công ty Mỹ đã sản xuất Apple Watch, Mac, AirPods và iPad tại Việt Nam. Ngoài ra, Apple còn sản xuất một số mẫu máy Mac ở Ireland, Thái Lan và Malaysia.

Tuy nhiên, việc chuyển dịch hoàn toàn khỏi Trung Quốc, trung tâm sản xuất lâu đời của Apple, là khó xảy ra trong ngắn hạn.

Apple đã tăng cường tích trữ hàng tồn kho nhằm chuẩn bị cho các mức thuế mới. Hãng cũng đang hướng nhiều thiết bị được sản xuất tại Ấn Độ hơn đến thị trường Mỹ, theo báo cáo của hãng tin Bloomberg News. Chính quyền Trump đã công bố kế hoạch áp thuế đối ứng với Ấn Độ ở mức khoảng 27%, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.

Hiện tại, khoảng 4/5 lượng iPhone của Apple vẫn được lắp ráp tại Trung Quốc, bất chấp nỗ lực chuyển dịch sản xuất sang Ấn Độ. Việc tái xây dựng hệ sinh thái công nghiệp phức tạp của họ ở nơi khác đang tiêu tốn nhiều chi phí và có thể mất nhiều năm.

Chuỗi cung ứng mạnh mẽ của Trung Quốc được xem là một trong những yếu tố giúp Chủ tịch Tập Cận Bình tự tin để có thể đàm phán với ông Trump.

Hôm 9.4, Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện "những biện pháp kiên quyết và hiệu quả" để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, sau khi ông Trump chính thức áp mức thuế 104% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ ngày 9.4.

"Mỹ vẫn đang áp đặt thuế quan một cách tùy tiện với Trung Quốc và không ngừng gia tăng áp lực. Trung Quốc kiên quyết phản đối và sẽ không bao giờ chấp nhận hành vi bá quyền như vậy. Nếu Mỹ phớt lờ lợi ích của cả hai nước và cộng đồng quốc tế, khăng khăng phát động cuộc chiến thuế quan và thương mại, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Lâm Kiến tuyên bố.

Mức thuế mới mà Mỹ áp lên hàng Trung Quốc tăng thêm 34% vào ngày 9.4 theo gói thuế đối ứng do ông Trump công bố. Tuy nhiên, ông Trump sau đó đã bổ sung thuế 50% nữa, khi Trung Quốc không lùi bước khỏi cam kết áp thuế trả đũa 34% lên hàng hóa Mỹ trước trưa 8.4.

Trước khi diễn biến leo thang mới nhất xảy ra, ông Trump trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ lần thứ hai đã áp thuế 20% với hàng Trung Quốc .

"Quyền phát triển chính đáng của người dân Trung Quốc không thể bị tước đoạt, chủ quyền, an ninh cùng lợi ích phát triển của Trung Quốc không thể bị xâm phạm", ông Lâm Kiến nhấn mạnh.

Trung Quốc hiện chưa công bố ngay lập tức các biện pháp trả đũa với vòng áp thuế mới nhất của ông Trump. Tuy nhiên, thông điệp từ chính phủ Trung Quốc, các cơ quan truyền thông nhà nước và các nhân vật có ảnh hưởng đều thể hiện rõ quyết tâm đáp trả đến cùng.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/reuters-doi-tac-lap-rap-iphone-cho-apple-o-trung-quoc-can-nhac-san-xuat-tai-my-de-doi-pho-thue-quan-231356.html
Zalo