Rét khô kéo dài khiến ô nhiễm không khí ở Hà Nội chưa cải thiện
Các tỉnh miền Bắc sẽ có nhiều ngày rét khô, nền nhiệt giảm sâu về đêm và sáng, ban ngày hửng nắng, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, độ ẩm không khí thấp nên tình trạng ô nhiễm không khí còn kéo dài.
Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, vào lúc 8h00 sáng 16/1, Hà Nội xếp thứ 8 trong danh sách thành phố ô nhiễm trên thế giới của IQAir. Cụ thể, với chỉ số AQI ở mức 173, chất lượng không khí của Hà Nội ở mức màu đỏ "không lành mạnh."
Chi tiết tại Hà Nội, trạm đo ở huyện Thạch Thất ghi nhận chỉ số AQI cao nhất, màu nâu " nguy hiểm" ở mức 322. TP.HCM có chất lượng không khí ở mức màu cam "không tốt cho các nhóm nhạy cảm với chỉ sổ AQI là 122.
Số liệu này sẽ thay đổi tùy theo thời điểm và múi giờ, khi các thành phố khác trên thế giới lần lượt bước vào giờ cao điểm, khi lượng xe cộ và các hoạt động sản xuất đạt mức cao nhất.
Tại Việt Nam, theo VN Air - Ứng dụng cung cấp thông tin chất lượng môi trường không khí trên smartphone do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, khu vực ô nhiễm nhất cả nước tính đến thời điểm 8h00 sáng 16/1 thuộc về thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) với chỉ số AQI ở mức 209 màu tím "chất lượng không khí rất xấu."
Cũng theo VN Air, chỉ số chất lượng không khí tốt nhất trên cả nước ở thời điểm sáng 14/1 là thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) với chỉ số chất lượng không khí ở mức 3, mức Tốt.
AQI là chỉ số theo dõi chất lượng không khí dao động từ 0-500, chỉ số càng cao thể hiện mức độ ô nhiễm và tác động đến sức khỏe càng cao. VN Air là ứng dụng được nghiên cứu và phát triển bởi Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc thuộc Tổng Cục Môi trường-Bộ Tài nguyên và Môi trường.
VN Air sử dụng nguồn dữ liệu được khai thác từ kết quả quan trắc của các trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục do Tổng cục Môi trường quản lý và các trạm quan trắc môi trường do các Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương quản lý.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các tỉnh miền Bắc sẽ có nhiều ngày rét khô, nền nhiệt giảm sâu về đêm và sáng, ban ngày hửng nắng, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, độ ẩm không khí thấp.
Việc cập nhật thường xuyên chỉ số chất lượng không khí sẽ giúp người dân có những ứng phó kịp thời khi chất lượng không khí suy giảm như giảm thiểu các hoạt động ngoài trời, hạn chế mở cửa, sử dụng các loại khẩu trang có thể hạn chế ảnh hưởng của các chất ô nhiễm trong không khí, sử dụng các loại máy lọc không khí…
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để chủ động hạn chế tác động do ô nhiễm không khí gây ra. Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, người dân nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã đến mức báo động
TS Hoàng Dương Tùng, Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, việc tìm kiếm và triển khai các giải pháp hiệu quả là vô cùng cấp bách. Trong ngắn hạn, cần tăng cường các biện pháp kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông, công trình xây dựng.
TS Hoàng Dương Tùng cho biết, qua nhiều năm khảo sát, quan trắc, người ta thấy việc ô tô, xe máy lớn là nguồn gây ô nhiễm đáng kể trong các đô thị, không chỉ riêng Hà Nội hay các TP lớn của Việt Nam, mà ngay cả các đô thị lớn trên thế giới. Một trong những giải pháp được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng là xây dựng các vùng phát thải thấp.
"Hiện nay, có hơn 300 vùng phát thải thấp được xây dựng trên thế giới. Và đã có đánh giá cho thấy, sau khi xây dựng vùng phát thải thấp thì chất lượng không khí tại các vùng đó tốt hơn, ô nhiễm không khí giảm rõ rệt", TS Hoàng Dương Tùng nói.
Theo đó, các vùng phát thải thấp sẽ hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm, không đạt tiêu chuẩn cho phép. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Hà Nội giảm dần lượng phát thải ra không khí, từ đó tiến tới cải thiện chất lượng không khí. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần có công trình nghiên cứu chuyên sâu, bài bản về nguồn phát thải để có được những số liệu cụ thể mang tính khoa học.
"Khi có những số liệu tin cậy về nguồn phát thải thì Hà Nội mới có thể đặt ra mục tiêu giảm phát thải trong 5 năm là bao nhiêu, 10 năm là bao nhiêu. Có như vậy mới đến được cái đích cần đến theo lộ trình" – TS Hoàng Dương Tùng nhận định.
Theo các chuyên gia, ngoài việc hạn chế các nguồn phát thải ra môi trường bằng những chính sách, chế tài cụ thể, những giải pháp "mềm" như tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, cũng không thể thiếu. Bài toán ô nhiễm không khí không thể giải quyết trong một sớm một chiều mà đòi hỏi sự nỗ lực của cả cộng đồng.
Mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tích cực tham gia các hoạt động xanh, góp phần tạo nên một môi trường sống trong lành hơn cho chính mình và cho các thế hệ tương lai. Về lâu dài, cần đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng, chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, kiểm soát chặt chẽ khí thải công nghiệp.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang ở mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sự chung tay của toàn xã hội để giải quyết vấn đề này, bảo vệ sức khỏe người dân và bảo đảm sự phát triển bền vững của Thủ đô.