Mở rộng đối tượng tham gia trong Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 quy định như thế nào?
Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, trừ một số quy định có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Xin giới thiệu những điểm mới về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế trong văn bản quan trọng này.
Năm nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 quy định bốn nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế sau đây.
Thứ nhất là nhóm do người sử dụng lao động đóng hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng. Nhóm này gồm có các đối tượng sau:
Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban Kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ trường hợp là người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam hoặc tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động hoặc Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Thứ hai là nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng. Nhóm này gồm có:
Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (Luật cũ không phải đóng nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế).
Người nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Thứ ba là nhóm do ngân sách nhà nước đóng gồm các đối tượng sau:
Người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú tại xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Người đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng mà thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội.
Người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
Người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội đang trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Thứ tư là nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.
Nhóm này gồm các đối tượng sau:
Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
Nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản;
Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật; Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã được xác định không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Chính phủ;
Người được tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người.
Thứ năm là nhóm tự đóng bảo hiểm y tế.
Nhóm đối tượng này gồm có: Người sinh sống và làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo; Người lao động trong thời gian nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.
Người thuộc nhiều đối tượng đóng bảo hiểm y tế, thứ tự quyết định như thế nào?
Hướng dẫn về cách xác định thứ tự đóng bảo hiểm y tế đối với trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin thêm: Người thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, c, d, đ và e khoản 1 Điều 12 của Luật này đồng thời có một hoặc nhiều hợp đồng lao động thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động làm căn cứ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Người thuộc đối tượng quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều 12 của Luật này đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì tham gia theo đối tượng do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng.
Người thuộc đối tượng quy định tại các điểm s, t và u khoản 3 Điều 12 của Luật này đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì tham gia theo đối tượng do ngân sách nhà nước đóng.
Người thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g, h và i khoản 4 Điều 12 của Luật này đồng thời thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 của Luật này thì được lựa chọn đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Người thuộc nhiều đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng quy định tại khoản 4 Điều 12 của Luật này thì được lựa chọn tham gia theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất.
Người thuộc đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 5 Điều 12 của Luật này đồng thời thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 của Luật này thì được lựa chọn tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình.
Người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 12 của Luật này mà lần đầu tiên tham gia bảo hiểm y tế, hoặc đã tham gia bảo hiểm y tế theo một trong các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này nhưng không liên tục từ 90 ngày trở lên thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày đóng đủ bảo hiểm y tế.
Ước đến 31/12/2024, toàn quốc có 95,523 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 2% so với năm 2023, đạt tỷ lệ 94,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế, gần hơn với mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Trong năm, cả nước có 186,2 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú, tăng hơn 12,2 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2023. Số tiền đề nghị thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là 142.985 tỷ đồng, tăng 18.685 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.
(Nguồn: Bảo hiểm xã hội Việt Nam)