REE Corp dự kiến rót thêm 3,5 tỷ USD vào năng lượng tái tạo
Tổng giám đốc Nguyễn Thị Mai Thanh khẳng định việc tham gia lĩnh vực điện tái tạo là cơ hội mở cho mọi nhà đầu tư và REE Corp đang theo dõi sát sao để giành lợi thế.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc CTCP Cơ Điện Lạnh (REE). Ảnh: VGP.
Trong phiên họp cổ đông thường niên của CTCP Cơ điện lạnh - REE Corp (HoSE: REE) diễn ra ngày 1/4, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Mai Thanh đã trả lời chất vấn của cổ đông về tác động của việc Vingroup đầu tư vào ngành năng lượng đối với doanh nghiệp.
Theo bà Thanh, đây là cơ hội mở cho tất cả nhà đầu tư, trong đó Vingroup cũng không phải ngoại lệ.
Bà tiết lộ trước đây đã có hàng trăm nhà đầu tư "xếp hàng" xin giấy phép tham gia lĩnh vực này và Vingroup chắc chắn cũng đang trong danh sách đó. Tuy nhiên, theo quy trình của Nghị định 15, nhà đầu tư muốn tham gia phải thực hiện các bước đấu thầu và thẩm định khắt khe trước khi dự án được phê duyệt trong quy hoạch điện quốc gia.
"Vingroup có thể nhìn thấy nhu cầu cần thêm nguồn điện nên đăng ký, đó là chuyện bình thường. Chúng tôi cũng đang theo dõi sát sao và cố gắng giành được các dự án thông qua đấu thầu", bà Thanh nhấn mạnh.
Thực tế, mối quan tâm của cổ đông REE Corp là hoàn toàn có cơ sở khi Vingroup đã có động thái mạnh mẽ nhằm lấn sân sang lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Trong văn bản gửi Chính phủ, Vingroup đề xuất triển khai các dự án điện tái tạo với tổng công suất lên đến 47.500 MW trong giai đoạn 2025-2035, trong đó riêng giai đoạn đến năm 2030 là 20.500 MW, với tổng vốn đầu tư ước tính từ 20 đến 25 tỷ USD.
Các dự án này sẽ được triển khai tại 7 tỉnh, bao gồm Sơn La, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh/Sóc Trăng và Khánh Hòa. Trong đó, 13.900 MW sẽ là điện mặt trời và 6.600 MW là điện gió.
Bên cạnh đó, Vingroup cũng đề xuất xây dựng một nhà máy nhiệt điện khí LNG tại Hải Phòng với công suất 5.000 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD.
Nếu được Chính phủ phê duyệt, tổng công suất điện tái tạo và điện khí LNG mà Vingroup dự kiến triển khai đến năm 2030 sẽ đạt 25.500 MW, với tổng mức đầu tư lên đến 25-30 tỷ USD. Phần còn lại 27.000 MW sẽ tiếp tục được triển khai từ năm 2031 đến 2035.
Trong khi đó, REE Corp thông báo kế hoạch nâng công suất điện tái tạo lên 3.000 MW vào cuối năm 2030 và 5.000 MW vào năm 2035. Để đạt mục tiêu 3.000 MW đến năm 2030, REE ước tính cần khoảng 3,2 tỷ USD, trong đó vốn tự có khoảng 1 tỷ USD.
Doanh nghiệp này cũng đang cân nhắc phương án không chia cổ tức để tái đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.
So với tham vọng của Vingroup, kế hoạch của REE Corp khá khiêm tốn. Tuy nhiên, bà Mai Thanh cho biết con số 5.000 MW đến năm 2035 chỉ là mục tiêu tối thiểu, và REE sẵn sàng mở rộng hơn nữa nếu có điều kiện thuận lợi.
Hiện, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng trưởng ít nhất 8% trong năm nay, tiến tới mức hai con số giai đoạn 2026-2030. Để đáp ứng nhu cầu điện năng cho nền kinh tế, tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia dự kiến đạt 211.805 MW vào năm 2030, tăng hơn 56.000 MW so với Quy hoạch điện VIII hiện tại.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực năng lượng giai đoạn 2026-2030 sẽ dao động từ 136 đến 172 tỷ USD, trong đó riêng đầu tư cho nguồn điện chiếm 118-148 tỷ USD, còn lại 18-24 tỷ USD dành cho lưới truyền tải.
Chính phủ đang chủ trương thu hút nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước, khuyến khích tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực này.