Kiến tạo không gian phát triển, nâng cao giá trị các sản phẩm nông lâm thủy sản
Ngành Nông nghiệp và Môi trường sẽ kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng; từ đó nâng cao giá trị các sản phẩm nông lâm thủy sản nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đã cho biết như vậy khi trả lời báo chí về kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm 2025 và giải pháp trong thời gian tới để đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức mới.
PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản quý I/2025?
Ông Phùng Đức Tiến: Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đứng trước áp lực khó khăn, thách thức rất lớn của tình hình quốc tế và khu vực, nhưng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương nên xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong quý I/2025 đã đạt được những kết quả rất tích cực với giá trị kim ngạch thu được 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Với kết quả đạt được trong quý đầu năm sẽ làm tiền đề cho những quý tiếp theo và hướng đến mục tiêu xuất khẩu đạt 70 tỷ USD cho cả năm 2025.
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, chúng ta đã triển khai chương trình tái cơ cấu. Trong mỗi lần tái cơ cấu lại là một lần ngành nông lâm thủy sản bám sát thị trường, gắn với truy xuất nguồn gốc, kinh tế xanh và các tiêu chí, yêu cầu của các thị trường. Do vậy, sản lượng và giá trị xuất khẩu liên tục tăng trong thời gian qua.
PV: Thị trường xuất khẩu được đánh giá sẽ có nhiều biến động trước những thay đổi của thế giới. Theo ông, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ có những giải pháp gì để thích ứng với biến động này, đảm bảo đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra trong năm 2025?
Ông Phùng Đức Tiến: Bối cảnh kinh tế thế giới tuy có triển vọng phục hồi, song cũng có nhiều khó khăn, thách thức mới, như: các dòng thương mại, đầu tư… tiếp tục dịch chuyển, dần hình thành cấu trúc mới; nhất là chiến tranh thương mại nổi lên, nhiều quốc gia thực thi chính sách bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước...

Ông Phùng Đức Tiến
Trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao tăng trưởng GDP lĩnh vực nông nghiệp là 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 64 - 65 tỷ USD… Đây là thách thức rất lớn trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, khó lường, xung đột vẫn diễn ra và sức mua trong nước có giới hạn như đã nói ở trên.
Vì vậy, để đạt được các mục tiêu được giao, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Trước tiên, kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng ngành; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang quản lý 1.882 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), 200 quy chuẩn Việt Nam (QCVN); trong đó: Lĩnh vực nông nghiệp có 1.452 TCVN và 106 QCVN, Lĩnh vực tài nguyên môi trường có 430 TCVN và 94 QCVN.
Chính vì vậy, thời gian tới sẽ phải tiếp tục rà soát, loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện có, như hủy bỏ quy chuẩn không phù hợp, đồng thời, tiếp tục bổ sung xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ quản lý sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và theo yêu cầu thực tế.
Ngành Nông nghiệp và Môi trường đẩy mạnh công nghệ chế biến để đa dạng và nâng cao giá trị các sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ưu tiên phát triển doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô lớn, hiện đại, có trình độ và năng lực công nghệ tiên tiến kết hợp với phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến quy mô vừa và nhỏ nhằm tạo sự đồng bộ, gắn kết, lan tỏa theo chuỗi.
Đồng thời, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; thực hiện “đồng hành” và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ, nông nghiệp số, sạch, hữu cơ...
Cùng với đó, phối hợp với các đại sứ quán, tham tán thương mại, tham tán nông nghiệp thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương; kết nối doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao vào các thị trường lớn và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản quý I/2025 ước đạt 15,72 tỷ USD. Ảnh: TL
PV: Thứ trưởng có nêu vấn đề ưu tiên phát triển doanh nghiệp chế biến nông sản. Vậy, thời gian tới, Bộ có định hướng cơ chế hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho chế biến nông sản ra sao?
Ông Phùng Đức Tiến: Để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tập trung hỗ trợ các hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất có chứng nhận, kết nối thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Cùng với đó, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; thực hiện “đồng hành” và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số, sạch, hữu cơ.
Bộ sẽ tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để tăng cường các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, thời gian vay dài, đặc biệt là cho các dự án đầu tư vào chế biến, công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế cho thuê, chuyển nhượng, ổn định thời gian thuê đất nông nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất; hỗ trợ phát triển hệ thống giao thông, điện, nước, kho bãi để doanh nghiệp dễ dàng đầu tư sản xuất.
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ tiên tiến như AI, IoT, blockchain trong quản lý và sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng nền tảng số trong quản lý chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ngành Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu phấn đấu năm 2025 sẽ thành lập mới khoảng 1.500 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp lên khoảng 18.500 doanh nghiệp.