RedcoralTravel và loạt doanh nghiệp sở hữu du thuyền hạng sang nhận 'lệnh' cưỡng chế vì nợ thuế

Trong bối cảnh kinh tế đầy biến động, việc quản lý tài chính hiệu quả luôn là yếu tố sống còn đối với mỗi doanh nghiệp, tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tuân thủ đúng quy định về thuế, gây khó khăn cho hoạt động kiểm soát quản lý thuế…

Loạt doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành tại Hạ Long bị "bêu tên" vì nợ thuế

Loạt doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành tại Hạ Long bị "bêu tên" vì nợ thuế

Vừa qua, Cục thuế tỉnh Quảng Ninh công bố danh sách các đơn vị nằm trong diện bị cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản do chưa hoàn thành nghĩa vụ về thuế trong tháng 1. Trong danh sách có nhiều doanh nghiệp sở hữu thuyền, du thuyền kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch tại Quảng Ninh.

Theo danh sách được công bố, ngày 8/1, Chi cục Thuế thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh ra loạt quyết định cưỡng chế với nhiều doanh nghiệp. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Thịnh Phát bị cưỡng chế số tiền hơn 76,8 triệu đồng. Công ty này hiện sở hữu tàu Santa Maria Cruise (QN-6609) với 14 phòng và có vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Thành viên góp vốn gồm ông Bùi Công Hoan (55%) và bà Phạm Thị Thìn (45%).

Bên cạnh đó, ông Bùi Công Hoan cũng là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tân Hòa Phát, đơn vị sở hữu tàu Symphony (QN-9698) với 4 phòng.

Cùng ngày 8/1, Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Quốc tế Minh Hằng bị cưỡng chế do nợ thuế hơn 45 triệu đồng. Công ty này sở hữu loạt tàu du lịch như Minh Hằng 16 (QN-5929) với 08 phòng và Minh Hằng 28 (QN-6858) với 14 phòng. Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hoàng Phương bị cưỡng chế thuế với số tiền 2,2 tỷ đồng. Công ty này hiện là chủ tàu Ancora Cruises (QN-8090) với 22 phòng.

Ngoài ra, Hợp tác xã Vạn Chài Hạ Long, đơn vị có 32 hộ gia đình nuôi hải sản trong lồng bè và 60 hộ có thuyền nan chuyên đưa đón khách, bị cưỡng chế do nợ 76 triệu đồng.

Các quyết định cưỡng chế tiếp tục ban hành với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong tháng 1. Cụ thể, ngày 9/1, Công ty Cổ phần Du lịch Quảng Ninh bị cưỡng chế do nợ 542,7 triệu đồng; Công ty Cổ phần Du lịch Vịnh Vàng bị cưỡng chế trên 253 triệu đồng, đơn vị đang sở hữu hệ thống du thuyền hạng sang 4,5 sao Le Journey Cruises. Tiếp đó, ngày 13/1, Công ty Cổ phần Du lịch Hoàng Long bị cưỡng chế với số nợ 203 triệu đồng.

Công ty Cổ phần San hô đỏ Việt Nam (RedcoralTravel) bị cưỡng chế hơn 118 triệu. Đây là doanh nghiệp hoạt động chuyên sâu trong lãnh vực tổ chức tour du lịch nước ngoài, trong nước và khách quốc tế vào Việt Nam. San hô đỏ Việt Nam cũng đang sở hữu loạt nhà hàng: Nhà hàng HappyFoods tại Hà Nội; San Hô Đỏ Hạ long; Red Coral halal Halong res; Mumbai Masala.

Ngoài ra, loạt doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, ăn uống trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng bị cưỡng chế thuế. Cụ thể, ngày 23/1, Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hồng Long, đơn vị sở hữu Nhà hàng Hồng Long tại khu Little, phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, bị cưỡng chế. Nhà hàng này có sức chứa lên đến 800 khách. Công ty TNHH MTV An Phát - Hải Sản Biển Ngọc cũng bị cưỡng chế do nợ 88 triệu đồng.

Hà An

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/redcoraltravel-va-loat-doanh-nghiep-so-huu-du-thuyen-hang-sang-nhan-lenh-cuong-che-vi-no-thue-post557916.html
Zalo