Rau gia vị ngày Tết, vị thuốc quý chữa bệnh

Các loại rau gia vị rất quan trọng để nêm nếm, định vị món ăn và làm gia tăng hương vị, kích thích tiêu hóa, làm cho màu sắc món ăn sinh động, tươi nhuận hấp dẫn người thưởng thức... nhưng cũng là những vị thuốc quý có thể phòng và trị nhiều tình trạng sức khỏe.

Hành hoa

Hành là loại rau gia vị rất phổ biến, được sử dụng nhiều nhất tại nước ta, có thể thêm vào bất cứ món ăn nào, từ xào, chiên, hấp, canh, bún, cháo, phở... Chính vì vậy, hành lá được mệnh danh là loại gia vị "quốc dân". Ngoài ra, hành lá cũng là vị thuốc Đông y chữa được nhiều bệnh.

BSCKII. Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho biết, hành có vị cay, bình mà không độc, có năng lực phát biểu, hòa trung, thông dương, hoạt huyết, dùng làm thuốc ra mồ hôi, lợi tiểu, sát trùng, chữa đau răng, sắc uống lấy nước chữa các chứng sốt, sốt rét, cảm, nhức đầu, mặt mày phù thũng, còn làm yên thai, sáng mắt, lợi ngũ tạng.

Tinh dầu hành có tác dụng sát khuẩn mạnh, dùng ngoài chữa những mụn nhọt mưng mủ, dùng nước hành nhỏ mũi chữa được ngạt mũi, cấp tính và mạn tính, viêm niêm mạc mũi, khi bị cảm mạo, đầu nhức, mũi ngạt thì có thể dùng hành giã nát, thêm nước sôi vào rồi xông, hoặc cho hành vào cháo nóng mà ăn thì chóng khỏi.

Mỗi lần có thể dùng với liều 30-60g, dưới hình thức thuốc sắc hay giã nát ép lấy nước mà uống. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Một số đơn thuốc:

Chữa cảm mạo, đầu nhức mũi ngạt: Hành 30g, đạm đậu sị 15g, sinh khương 10g, chè hương 10g, nước 300ml, đun sôi, gạn bỏ bã, uống khi còn đang nóng, uống xong đắp chăn kín cho ra mồ hồi.

Chữa cảm sốt không ra mồ hôi, nhức đầu, ngạt mũi, sợ gió, nước tiểu trong: Củ hành tươi 30g, gừng tươi 10g, chè hương 10g, sắc uống nóng, đắp chăn cho vã mồ hôi.

Hoặc hành 10g, tía tô 10g, bạc hà 10g, kinh giới 10g, sả 10g, lá tre 10g. Tất cả cho vào nồi, đổ nước đun sôi kỹ để xông. Xông xong uống 1 bát nước lá rồi đắp chăn kín.

Hoặc vài chục cây hành cả rễ, cắt bớt lá xanh; 3 lát gừng; 1 nhúm gạo. Gạo vo sạch, hành gừng rửa sạch cho vào nồi nấu cháo, cháo chín cho ra bát, vắt thêm chanh vừa chua, ăn nóng xong đắp chăn kín.

Chữa cúm: Cây hành hoa cả rễ 10 cây, 3 lát gừng. Tất cả cho vào nồi đổ nước sắc kỹ, pha đường uống khi còn nóng.

Chữa ho: Hành hoa 60g, gừng tươi 10g. Tất cả cho vào nồi đun kỹ để xông miệng mũi, ngày 2-3 lần. Hoặc hành 5g ngâm mật ong qua đêm, lọc bỏ bã rồi pha một chút rượu uống. Cách 2-3 giờ uống một lần. Bài này chữa ho do cúm, do hút thuốc lá hay hen phế quản đều được.

Chữa khản tiếng: Ăn hành củ sống, giã hành bọc vải đắp lên cổ.

Chữa trẻ em cảm mạo: Hành 60g, sinh khương 10g. Hai thứ giã nát, thêm một cốc nước thật sôi vào, dùng hơi xông vào miệng và mũi, ngày làm mấy lần, không cần cho uống.

Chữa mụn nhọt: Hành tươi giã nát, trộn với mật, đắp lên mụn, hễ ngòi ra thì dùng dấm mà rửa mụn.

Chữa đau bụng, lạnh chân tay: Giã giập hành cả rễ và lá, để hành lên bụng, lăn chai nước nóng lên, khi hành nát lại thay hành khác. Khi vã mồ hôi, đun nước gừng khô uống nóng.

Chữa đau bụng giun: Củ hành tươi 5g ép lấy nước, trộn với 5ml dấm uống hết một lần.

Chữa tiêu chảy: Hành củ 5g, quả táo tây 5g sắc nước uống.

Chữa đại tiện, đầy hơi, tức thở: Hành hoa 2 củ, gừng 1 lát, muối 1 thìa. Tất cả giã nhỏ, hơ nóng gói vào vải buộc vào rốn. Nếu nửa giờ chưa thông, thay liều khác.

Cây rau mùi

Rau mùi được trồng phổ biến ở khắp nước ta nhưng thường chỉ lấy lá làm gia vị hay một số ít dùng trong ngày Tết nấu nước tắm cho thơm. Tại nhiều nước vùng ven Địa Trung Hải, Trung Á, Ấn Độ, Trung Quốc người ta trồng đại quy mô để lấy quả làm thuốc và cất tinh dầu dùng trong công nghiệp nước hoa.

Quả chín tới đâu thu hái tới đấy để tránh cho những quả chín quá bị rụng. Hái toàn tán, phơi nắng cho khô rồi đập lấy quả, tiếp tục phơi nắng cho khô và bảo quản tránh ẩm. Khi khô, quả mùi mất mùi hôi và trở thành thơm dễ chịu. Ngoài quả ra, người ta còn dùng cả rễ và lá làm thuốc.

Rau mùi là nguồn cung cấp vitamin C, canxi, magiê, kali, sắt… Tinh dầu rau mùi có thể có tác dụng kháng khuẩn. Rau mùi cũng chứa các hóa chất có thể làm giảm huyết áp bằng cách làm giãn mạch máu và hoạt động như một thuốc lợi tiểu.

Theo BSCKII. Huỳnh Tấn Vũ, quả mùi là một vị thuốc được dùng trong Đông y và Tây y. Tây y dùng quả mùi làm thuốc trung tiện, dễ tiêu, kích thích và giúp tiêu hóa. Quả mùi vị cay, tính ôn, có tác dụng phát tán, thúc đậu sởi cho mọc, trừ tà khí, khu phong, long đờm, dùng làm thuốc mạnh dạ dày, tiêu cơm, thông khí ở bụng dưới, lợi đại tiểu trường, sởi, đậu không mọc...

Hiện nay, quả mùi đuợc dùng thúc đậu sởi mọc bằng cách tán quả mùi, hòa vào rượu mà phun thì đậu sởi mọc ngay. Ngoài ra còn dùng làm thuốc giúp tiêu hóa, chữa ho, ít sữa. Mỗi ngày dùng 4-10g quả mùi, hoặc 10-20g lá hoặc cây tươi dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.

Một số đơn thuốc:

Đậu sởi không mọc: Quả mùi 80g tán nhỏ, rượu 100ml, nước 100ml. Đun sôi, đậy kín tránh bay hơi, lọc bỏ bã. Phun từ đầu đến chân, trừ mặt. Sởi sẽ mọc ngay (kinh nghiệm dân gian).

Đẻ xong cợn sữa: Quả mùi 6g, nước 100ml. Đun sôi trong 15 phút, chia 2 lần uống trong ngày.

Mặt có những nốt đen: Quả mùi sắc nước rửa luôn, nốt đen sẽ mất dần.

Rau hẹ

Hẹ là loại rau được dùng nhiều trong các món ăn. Ngoài ra, người ta còn dùng hẹ như hành hay tỏi để chữa nhiều bệnh từ thông thường đến phức tạp.

Theo BSCKII. Huỳnh Tấn Vũ, cây hẹ cho nhiều kháng sinh quý đặc biệt với các bệnh về hô hấp và đường ruột của trẻ em. Hẹ đã được các nhà khoa học nghiên cứu có các hợp chất: Sunfua, saponin và chất đắng... đặc biệt, chất odorin có trong cây hẹ được xem như một kháng sinh đặc trị các loại vi trùng staphyllococcus aureus và Bacillus coli.

Ngoài ra, trong hạt hẹ còn có ancaloit và saponin. Trong nước ép tươi của lá hẹ có nhiều kháng sinh đối với nhiều loại vi trùng, như một kháng sinh đa khuẩn cho các loại vi trùng ở đường tiêu hóa nói chung và đặc biệt là đối với bệnh lý đường ruột nói riêng. Tính chất của kháng sinh này khá vững bền. Ưu điểm của nước ép lá hẹ không cay, cho thêm một ít đường phèn thì được xem như dạng siro nước và thích hợp khi cho trẻ uống.

Chỉ cần một nắm lá hẹ tươi rửa sạch, thái nhỏ trộn với một ít đường phèn hấp trong nồi cơm sôi vừa cạn hoặc chưng cách thủy, để nguội cho trẻ uống sẽ dịu ngay cơn ho, cảm, sốt. Cũng cần lưu ý rằng, bài thuốc này cho trẻ em uống tốt hơn khi dùng lá hẹ tươi sống, không nên đun sôi sẽ làm mất tác dụng của kháng sinh.

Diếp cá

Cây diếp cá còn có tên là rấp cá, diếp cá, ngư tinh thảo... Vị chua, tính mát; Qui kinh: Vào kinh Phế, Can. Trong những năm gần đây, y học hiện đại đã xác nhận nhiều lợi ích truyền thống của diếp cá. Theo truyền thống, loại thảo mộc này được sử dụng để điều trị hen suyễn do đặc tính chống dị ứng và chống viêm của nó.

BSCKII. Huỳnh Tấn Vũ cho biết, diếp cá có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, sát trùng. Diếp cá được dùng trị bệnh trĩ, mụn nhọt, trẻ con lên sởi, viêm phổi hoặc phổi có mủ, đau mắt đỏ hoặc đau mắt do trực khuẩn mủ xanh, viêm ruột, bí tiểu tiện, kinh nguyệt không đều. Ngoài ra, còn dùng trị sốt rét, sài giật ở trẻ em, đau răng...

Một số bài thuốc:

Chữa sốt ở trẻ em: Rau diếp cá 30g để tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nửa bát nước nguội vào đun sôi, để nguội và uống làm 1 lần; đồng thời, lấy bã đắp vào thái dương.

Chữa viêm phế quản: Lá diếp cá, cam thảo đất mỗi thứ 20g. Sắc đặc, uống dần trong ngày.

Trị mụn nhọt sưng đỏ (chưa có mủ): 12g diếp cá, rửa sạch, giã nát đắp vào mụn nhọt rồi băng lại. Ngày thực hiện 2 lần. Làm trong 3 ngày, mụn nhọt sẽ đỡ sưng đau nhanh chóng. Trị vú sưng đau do tắc sữa: 25g diếp cá khô, táo đỏ 10 quả. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát, chia 2 lần uống trong ngày. Uống trong 3-5 ngày.

Dưỡng da mềm mịn: Lấy 10 lá diếp cá rửa sạch, nghiền nát, lấy bông mềm thấm phần nước cốt lau nhẹ lên da mặt và cổ. Sau đó, dùng các đầu ngón tay vỗ nhẹ khắp mặt khoảng 1 phút để nước cốt diếp cá thấm sâu vào da và rửa mặt sau 15 phút. Với mặt nạ này, có thể để qua đêm, vì khi bôi nước cốt diếp cá lên da, nó sẽ thẩm thấu rất nhanh, nhìn da mặt như có một lớp màng mỏng tự nhiên. Khi thức dậy vào ngày hôm sau, chỉ cần rửa mặt nhẹ nhàng là đã có thể cảm nhận sự mềm mại và mát dịu rõ rệt.

Giúp da săn chắc, giảm nhờn: Giã nát diếp cá với một chút muối hột được một hỗn hợp sền sệt và bôi lên mặt. Muối giúp da săn chắc hơn, điều tiết chất nhờn, đặc biệt là vùng chữ T. Ngoài ra, nó còn có tính sát khuẩn cao, giúp da thải độc, ngăn ngừa và chống lại mụn trứng cá.

Trị mụn, làm mờ vết thâm: Lô hội (nha đam) rất lành tính, phù hợp với da thường, da nhờn, da khô và da hỗn hợp. Khi kết hợp với diếp cá, đây sẽ là loại mặt nạ lý tưởng cho làn da nhờn và có mụn trứng cá. Diếp cá có tính kháng khuẩn cao sẽ làm các nốt mụn xẹp xuống và giảm tấy đỏ, trong khi tinh chất có trong lá lô hội sẽ giúp các lỗ chân lông se lại, giảm đáng kể các vết thâm do mụn và làm mát da rõ rệt, chỉ cần lấy nước cốt của diếp cá trộn đều với phần thịt bên trong của lá lô hội là có thể thưởng thức cảm giác dễ chịu của loại mặt nạ này.

Lưu ý, khi chế biến lô hội, nên gọt bỏ vỏ xanh bên ngoài và lấy phần thịt màu trắng bên trong thân lá lô hội, bởi phần vỏ xanh có thể gây ngứa và kích ứng với da mẫn cảm.

Làm trắng da: Một thìa mật ong nguyên chất trộn với 1 thìa nước cốt diếp cá. Mật ong giúp da dưỡng ẩm, kháng khuẩn, chống lão hóa, làm giảm vết mụn sưng tấy, giúp da sáng và mịn màng hơn. Khi dùng chung với diếp cá, sẽ cảm nhận được sự tươi mát và căng mịn. Để mặt nạ lá diếp cá phát huy hiệu quả tốt nhất, nên dùng trước khi đi ngủ vì lúc đó làn da đã được nghỉ ngơi và có thể hấp thụ dưỡng chất nhiều nhất. Sử dụng 2-3 lần/tuần, trong khoảng 15-20 phút. Khi đắp mặt nên tránh các vùng da nhạy cảm như mắt, lông mày, khóe miệng.

Hoàng Thu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/rau-gia-vi-ngay-tet-vi-thuoc-quy-chua-benh-169250126020906992.htm
Zalo