Rất ít trái chủ thu hồi được vốn nhờ thanh lý tài sản thế chấp

Tại thị trường Việt Nam, có rất ít trường hợp trái chủ thu hồi được khoản đầu tư của họ thông qua thanh lý tài sản thế chấp, thay vào đó, họ chọn tái cơ cấu nợ.

Nâng cao tính minh bạch cho thị trường trái phiếu

Trong báo cáo phân tích mới đây, VIS Rating nhận định, các thay đổi chính trong Luật chứng khoán sửa đổi sẽ hạn chế hoạt động đầu tư có rủi ro cao và cải thiện hành vi thị trường, mang lại lợi ích cho trái chủ.

Các sửa đổi luật ràng buộc nghĩa vụ của nhà phát hành trái phiếu và các đơn vị trung gian trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quy định cụ thể về quyền hạn của cơ quan quản lý để can thiệp vào thị trường, đưa ra các yêu cầu mới đối với việc phát hành trái phiếu ra công chúng và phân loại trái phiếu riêng lẻ mà nhà đầu tư cá nhân có thể đầu tư.

Cụ thể, trong phần trách nhiệmpháp lý của tổ chức phát hành và các đơn vị trung gian về hồ sơ tài liệu phát hành và các công bố thông tin định kỳ, luật mới đã bổ sung quy định về trách nhiệm của cá nhân và tổ chức có liên quan đến việc chuẩn bị hồ sơ phát hành và các báo cáo trong tất cả các hoạt động trên thị trường chứng khoán. Điều này bao gồm cả hoạt động phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Đồng thời làm rõ vai trò của tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu trong việc soát xét và kiểm tra tính chính xác, trung thực và đầy đủ của thông tin trong hồ sơ phát hành.

So với luật hiện hành, các sửa đổi mới xác định rõ vai trò và trách nhiệm của từng bên tham gia phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành riêng lẻ, bao gồm đơn vị tư vấn, kiểm toán, và đơn vị xếp hạng tín nhiệm. Luật mới quy định rằng các đơn vị này phải tuân thủ tất cả các luật và quy định hiện hành và cung cấp dịch vụ một cách trung thực và có trách nhiệm. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ có quyền thực thi pháp lý đối với bất kỳ vi phạm nào có thể gây hại cho nhà đầu tư, ví dụ như khi các nhà phát hành không công bố thông tin cần thiết cho nhà đầu tư.

Theo các quy định khác nhau được thực hiện trong trong 2 năm gần đây, hồ sơ phát hành trái phiếu phải bao gồm danh sách các thông tin chi tiết cần công bố cho nhà đầu tư. Vào ngày 6/11/2024, Bộ Tài chính đã sửa đổi mẫu công bố thông tin với nhiều thông tin tài chính cần công bố công khai hơn. Luật Chứng khoán mới tiếp tục định hướng yêu cầu nâng cao tính minh bạch của thị trường và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.

Ngăn chặn hoạt động đầu tư rủi ro cao của nhà đầu tư cá nhân

Ngoài việc tăng cường minh bạch thông tin, đơn vị xếp hạng tín nhiệm đánh giá luật mới sẽ ngăn chặn hoạt động đầu tư có rủi ro cao của nhà đầu tư cá nhân.

Về điều kiện để trái phiếu phát hành riêng lẻ được phân phối cho nhà đầu tư cá nhân, luật mới đã bổ sung Nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp được mua bán trái phiếu riêng lẻ; Nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ được mua trái phiếu riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm và có tài sản đảm bảo hoặc có bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng. Điều này giúp tạo thêm một lớp bảo vệ cho nhà đầu tư khi trái phiếu gặp tình trạng chậm trả.

Hay về điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng, luật mới cũng bổ sung việc tổ chức phát hành phải đáp ứng thêm quy định của Chính phủ về đại diện người sở hữu trái phiếu, hệ số nợ, giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu và xếp hạng tín nhiệm.

Nhờ đó, các công ty có rủi ro cao sẽ bị hạn chế phát hành trái phiếu ra công chúng; tổ chức phát hành sẽ phải tuân thủ các tiêu chí chặt chẽ hơn, chẳng hạn như tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ, điều kiện về người đại diện trái chủ và xếp hạng tín nhiệm theo quy định. Thứ hai, đối với phát hành riêng lẻ, trái phiếu riêng lẻ không còn được phân phối và bán cho các nhà đầu tư cá nhân, trừ khi họ được coi là nhà đầu tư chuyên nghiệp và các trái phiếu đó được xếp hạng và phải được ngân hàng bảo lãnh thanh toán hoặc có tài sản đảm bảo.

VIS Rating ước tính rằng các cá nhân chuyên nghiệp đã tham gia đầu tư vào hơn 40% các đợt phát hành riêng lẻ được phát hành vào năm 2024. Xếp hạng tín nhiệm có thể cung cấp thông tin mới để giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về rủi ro của họ. Bảo lãnh thanh toán từ ngân hàng có thể giảm thiểu rủi ro tổn thất khi xảy ra rủi ro vỡ nợ.

Tại thị trường Việt Nam, có rất ít trường hợp trái chủ thu hồi được khoản đầu tư của họ thông qua thanh lý tài sản thế chấp. Theo tìm hiểu của đơn vị xếp hạng này, quá trình pháp lý để thanh lý tài sản và trả nợ cho các chủ nợ thường kéo dài. Trên thực tế phần lớn các trái chủ của các trái phiếu có tài sản đảm bảo gặp tình trạng chậm trả trong giai đoạn 2022-2024 đã chọn tái cơ cấu nợ, tức là gia hạn thanh toán, thay vì chọn thanh lý tài sản đảm bảo, chủ yếu dưới dạng cổ phiếu và tài sản liên quan đến bất động sản.

Đa số các trái phiếu có tài sản đảm bảo gặp tình trạng chậm trả gốc/lãi trong giai đoạn 2022 – 2024 hiện có tỉ lệ thu hồi dưới 10%

Đa số các trái phiếu có tài sản đảm bảo gặp tình trạng chậm trả gốc/lãi trong giai đoạn 2022 – 2024 hiện có tỉ lệ thu hồi dưới 10%

Các trái chủ cần đánh giá tính hợp pháp, tính thanh khoản và giá trị của tài sản thế chấp khi xảy ra tình trạng chậm trả trái phiếu và xác định xem tài sản thế chấp đó có thể cung cấp sự tăng cường tín dụng đầy đủ như dự định hay không.

"Luật mới sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2025. Sự nhấn mạnh vào việc bảo vệ nhà đầu tư và tăng trưởng bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong luật mới kỳ vọng sẽ thúc đẩy niềm tin thị trường được cải thiện và hoạt động phát hành sôi động hơn trong năm 2025.

Chính phủ cũng đã có kế hoạch sớm ban hành quy định chi tiết về phát hành trái phiếu ra công chúng nhằm cụ thể hóa các quy định trong Luật mới. Các quy định sửa đổi bao gồm các yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp hoặc trái phiếu phát hành ra công chúng và tỉ lệ nợ phải trả dưới ngưỡng cụ thể", VIS Rating cho biết.

Thủy Triều

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/rat-it-trai-chu-thu-hoi-duoc-von-nho-thanh-ly-tai-san-the-chap-d232370.html
Zalo