Rạp phim nhiều dư địa

Trong những năm gần đây, thị trường phim chiếu rạp đã có sự tăng trưởng vượt bậc, với doanh thu phòng vé và số lượng rạp chiếu phim gia tăng ổn định.

Một phòng chiếu phim cao cấp ở Việt Nam

Một phòng chiếu phim cao cấp ở Việt Nam

Tăng trưởng cả rạp phim và doanh thu

Theo thống kê của Hiệp hội Phát hành phim Việt Nam, tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 1.100 rạp chiếu phim với hơn 6.000 phòng chiếu, tập trung chủ yếu ở TP. Hà Nội, TP.HCM và rải rác ở hơn 40 tỉnh, thành khác trên cả nước. Ngoài hệ thống rạp cao cấp của các doanh nghiệp Hàn Quốc như CJ CGV, Lotte Cinema, còn có các rạp của doanh nghiệp nội địa như Galaxy Cinema, BHD Star Cineplex; các chuỗi rạp trung cấp của Beta Cinemas, Cinestar, Mega GS... phục vụ các đối tượng khán giả học sinh, sinh viên, người dân thu nhập không cao.

Năm 2023, Việt Nam có doanh thu phòng vé đạt 150 triệu USD (gần 3.700 tỷ đồng) từ 1.100 rạp chiếu trên cả nước, tương đương khoảng 90% trước đại dịch. (Theo thống kê từ trang Deadline (Mỹ).

Cùng với sự tăng trưởng của rạp, số lượng phim sản xuất trong nước và nhập khẩu cũng gia tăng, tạo ra sự đa dạng về chất lượng phim, nguồn phim, thể loại phim. Trên thực tế, các cụm rạp với tiện nghi hiện đại và những trải nghiệm công nghệ mới mẻ, chương trình phim hấp dẫn đã trở thành điểm giải trí rất được ưa thích vào cuối tuần, ngày lễ, Tết với nhiều người, nhất là giới trẻ.

Một dự báo cho rằng, số lượng rạp chiếu phim ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 2.000 rạp vào năm 2030 và số lượng khán giả xem phim chiếu rạp dự kiến đạt 100 triệu lượt vào năm 2035.

Dư địa còn rất lớn

Theo “bật mí” của một số chủ rạp thì cụm rạp cao cấp và trung cấp có kinh phí đầu tư từ 70-100 tỷ đồng, còn rạp nhỏ (2 phòng chiếu) là 7-10 tỷ đồng. Doanh thu của rạp chiếu phim ở Việt Nam đến từ nhiều nguồn: bán vé xem phim (chia tỷ lệ 55% cho đơn vị phát hành có sở hữu rạp và 45% cho nhà sản xuất phim); kinh doanh đồ ăn và nước uống; bán hàng lưu niệm “ăn theo” phim; bán quảng cáo và cho thuê phòng chiếu họp báo, hội nghị, hội thảo; cho thuê mặt bằng mở dịch vụ trò chơi giải trí... Nhìn chung, khả năng sinh lời từ kinh doanh rạp chiếu phim có thể đạt kết quả rất tốt, nếu vận hành hợp lý và tối ưu chi phí.

Mới đây, trong sự kiện công bố hợp tác giữa Beta Media (Việt Nam) và Aeon Entertainment (Nhật Bản) sẽ xây dựng hơn 50 cụm rạp chiếu phim mới ở các tỉnh, thành trong cả nước, với chi phí đầu tư 5.000 tỷ đồng trong 10 năm (từ 2025-2035), ông Nobuyuki Fujiwara chia sẻ rằng: “Ngành điện ảnh Việt Nam sẽ còn phát triển, còn nhiều dư địa để phía Nhật Bản có thể đóng góp. Chúng tôi muốn tập trung đầu tư mạnh mẽ vào các cụm rạp cũng như về mặt nội dung để đóng góp cho điện ảnh Việt Nam”.

Khu vực bán vé của một rạp phim

Khu vực bán vé của một rạp phim

Sự phát triển của các khu đô thị mới đã tạo ra nhu cầu về các tiện ích giải trí, trong đó có phim chiếu rạp. Các rạp chiếu phim được tích hợp vào cùng với các trung tâm thương mại lớn đã góp phần thu hút lượng lớn khán giả đến xem phim. Hiện số lượng rạp chiếu phim tập trung trong các trung tâm thương mại ở Hà Nội và TP.HCM chiếm gần 50% tổng lượng rạp trên toàn quốc.

Khảo sát của nhóm nghiên cứu sinh Đại học Harvard (Mỹ) đầu năm 2023 đã chỉ ra tình trạng khoảng 65% dân số Việt Nam đang thiếu tiếp cận tới các rạp chiếu phim, đặc biệt là đối tượng khách hàng ở vùng ngoại ô và nông thôn. Điều này đang tạo nên dư địa lớn cho việc xây cụm rạp trung cấp ở nhiều tỉnh, thành. “Những cụm rạp nằm ở nhiều nơi cũng giúp thu hút khán giả địa phương, hình thành thói quen đến rạp thưởng thức phim. Trước đây, vì không có rạp chiếu gần nhà nên nhiều người không có điều kiện thưởng thức các phim điện ảnh”, bà Bích Liên - Giám đốc điều hành Tổ hợp Giải trí và Truyền thông Mega GS cho biết.

Theo Startista - Công ty nghiên cứu thị trường của Đức, doanh thu thị trường rạp chiếu Việt Nam dự kiến có tốc độ tăng trưởng hàng năm là 4,56%; dẫn đến doanh thu vào năm 2027 sẽ đạt 200 triệu USD.

Theo một số nhà sản xuất, số lượng rạp ở Việt Nam hiện nay là không nhiều so với gần 100 triệu dân. Ở nước có nền điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, dân số chỉ 51,737 triệu người - ít hơn Việt Nam - nhưng rạp chiếu khá nhiều (628 cụm rạp). Họ có lượng khán giả đến rạp rất đông, năm 2019 doanh thu phòng vé Hàn Quốc là 1,46 tỷ USD, năm 2022 (do ảnh hưởng của Covid-19) là 884 triệu USD, năm 2023 là 964 triệu USD).

Ở Việt Nam, nhiều chủ rạp đồng thời là nhà phát hành, nhập khẩu phim và đầu tư hay sản xuất phim nội địa. Sự gia tăng số lượng rạp chiếu sẽ tạo điều kiện cho các nhà sản xuất phim Việt tiếp cận rộng rãi hơn với khán giả. Đồng thời cũng giúp nhà sản xuất thuận lợi thu hồi kinh phí và có động lực để tái đầu tư, tăng số lượng phim Việt mới mỗi năm. Tất nhiên, thị trường rạp chiếu muốn tăng trưởng ổn định về doanh thu phòng vé và số lượng rạp mới thì quan trọng vẫn phải có nhiều phim hay và hấp dẫn khán giả, để đủ sức lôi kéo họ đến rạp, hình thành cho họ thói quen ra rạp thưởng thức điện ảnh và giải trí.

Đan Khanh

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/rap-phim-nhieu-du-dia-312672.html
Zalo