Rào cản lớn khiến quỹ khoa học công nghệ của doanh nghiệp bị 'đóng băng'
Góp ý về quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà cho rằng với quy định hiện nay, doanh nghiệp sẽ thiếu động lực, thiếu nguồn lực để đầu tư dài hạn cho công nghệ và sáng tạo.
Chiều 13/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cho phép trích lập quỹ phát triển KHCN tối đa 15%
Tham gia góp ý vào quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cho biết, hiện Nghị định số 95 năm 2014, doanh nghiệp Nhà nước phải trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ với mức tối thiểu 3%, tối đa 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp; doanh nghiệp ngoài Nhà nước được quyền trích lập tối đa 10%.
Còn Nghị quyết số 193 năm 2025 của Quốc hội đã có bước tiến quan trọng khi cho phép doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao được trích lập quỹ tối đa 20% thu nhập tính thuế để bổ sung vốn cho các dự án.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Ảnh: Media Quốc hội).
Tuy nhiên, bà Hà cho rằng dự thảo Luật lần này lại quy định mức trích lập tối đa chỉ là 5%, điều này không phù hợp với tinh thần đổi mới của Bộ chính trị và của Quốc hội.
Nhắc đến Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị yêu cầu phải "có các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ", bà Hà cho rằng với quy định như trong dự thảo, doanh nghiệp sẽ thiếu động lực, thiếu nguồn lực để đầu tư dài hạn cho công nghệ và sáng tạo. "Đây vốn là yếu tố then chốt trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", bà Hà nói.
Theo nữ đại biểu đoàn Hà Nội, hiện nay doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi sử dụng quỹ đã được lập ra. Nguyên nhân do quy định về xây dựng dự toán, định mức chi và kinh phí quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ theo Thông tư 67 năm 2022 Bộ Tài chính còn chưa phù hợp.
"Nhiều doanh nghiệp lúng túng, thậm chí lo ngại khi thực hiện chi từ quỹ vì không rõ đâu là chi phí hợp lệ, vấn đề xây dựng các quy định, quy chế nội bộ để quản lý quỹ, vấn đề hành chính để sử dụng quỹ. Đây chính là rào cản lớn khiến quỹ khoa học công nghệ của doanh nghiệp bị đóng băng", bà Hà nói.
Từ đây, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị cho phép trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ tối đa là 15% thu nhập tính thuế. Riêng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ chiến lược như chip, AI, dữ liệu lớn, mức tối đa là 20% để tạo dư địa đủ lớn cho đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.
Quy định rõ miễn trừ trách nhiệm
Thảo luận tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cho biết dự thảo Luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.
Nêu ý kiến về nguyên tắc loại trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm (Điều 21), khoản 1, khoản 2 điều 21 dự thảo Luật quy định loại trừ trách nhiệm của hai nhóm chủ thể là cơ quan có thẩm quyền cho phép thử nghiệm, tổ chức, cá nhân trực tiếp thẩm định, cấp phép, kiểm soát, đánh giá, thử nghiệm và tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thực hiện.
Ông Tú cho hay, theo quy định của dự thảo Luật, các chủ thể này không phải chịu trách nhiệm dân sự, không bị xử phạt vi phạm hành chính, không phải chịu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp theo quy định. Như vậy, theo dự thảo Luật có 2 loại trách nhiệm được loại trừ là trách nhiệm dân sự, hành chính và hình sự.

ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Ảnh: Media Quốc hội).
"Tôi nhận thấy trong pháp lý có 4 loại trách nhiệm, bên cạnh 3 loại trách nhiệm pháp lý nêu trên, còn một loại trách nhiệm pháp lý nữa đó là trách nhiệm kỷ luật. Việc không quy định xem xét loại trừ trách nhiệm kỷ luật đối với hai nhóm chủ thể nêu trên, dẫn đến các chủ đề này thực hiện đúng, đủ các quy định về thử nghiệm theo quy định nhưng khi thiệt hại xảy ra có thể vẫn bị xem xét xử lý kỷ luật", ông Tú phân tích.
Do đó, ông Tú đề nghị cần nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật, việc loại trừ trách nhiệm kỷ luật đối với 2 nhóm chủ thể nêu trên khi đã thực hiện đúng, đủ các quy định thử nghiệm, áp dụng đầy đủ các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra.
Cùng với đó, Nghị quyết số 57 quy định có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan.
Như vậy, Nghị quyết số 57 đặt ra yêu cầu có chính sách miễn trừ trách nhiệm của 3 chủ thể là doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.
Bên cạnh đó, khoản 4, Điều 20 dự thảo Luật quy định trách nhiệm tổ chức, cá nhân tham gia thử nghiệm. Tuy nhiên, khoản 2 điều 21 dự thảo Luật mới chỉ quy định loại trừ trách nhiệm đối với tổ chức, doanh nghiệp mà chưa quy định được loại trừ trách nhiệm với cá nhân được cấp phép thử nghiệm.
Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung chủ thể được loại trừ trách nhiệm theo quy định đối với cá nhân cấp phép thử nghiệm.
Ngoài ra, điều 21 dự thảo Luật quy định, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm. Sau khi thực hiện đầy đủ trách nhiệm dân sự.
Ông Tú cho rằng, theo quy định của dự thảo luật thì dẫn đến tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm, nếu chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm dân sự thì có thể chịu trách nhiệm hình sự đối với rủi ro trong nghiên cứu thử nghiệm.
"Trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự là hai loại trách nhiệm pháp lý khác nhau, tôi đề nghị cần chỉnh lý lại quy định nêu trên để bảo đảm chính xác, phù hợp", ông Tú nói.