Rào cản chi phí trong điều trị của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn
'Chi phí thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm còn cao, thực sự gây ra không ít căng thẳng cho gia đình có hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn như chúng tôi. Hành trình tìm con cũng trở nên gian nan hơn', chị Lê Thị Thảo (33 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ.
Lập gia đình cách đây đã hơn 5 năm, thế nhưng đến nay, hành trình tìm con của vợ chồng chị Thảo vẫn chưa nhận được "trái ngọt". Chị Thảo chia sẻ, ngay sau khi kết hôn, hai vợ chồng đều "thả" để mong có con sớm nhưng không được như mong đợi.
Suốt nhiều năm sau đó, chị uống nhiều loại thuốc khác nhau do người quen mách bảo nhưng vẫn không có kết quả. Vào đầu năm nay, chị cùng chồng quyết định đi khám và thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. "Bác sĩ chọn được 4 phôi, người thân và bạn bè động viên rất nhiều nên hai vợ chồng cũng hy vọng, mong chờ. Thế nhưng, các lần chuyển phôi đều thất bại", chị Thảo chia sẻ.
Theo chị Thảo, cả hai vợ chồng đều là công nhân, do nhiều năm chạy chữa, thuốc thang nên thực sự gặp khó khăn trong vấn đề tài chính. Trong lần thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản này, hai vợ chồng phải vay mượn người thân, bạn bè khắp nơi.
"Ngoài chi phí thăm khám, thuốc men… còn có chi phí đi lại, ăn ở khi kỹ thuật được thực hiện tại bệnh viện ở TPHCM. Công việc của hai vợ chồng cũng bị ảnh hưởng nên cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng thêm khó.
Dù sao thì hành trình tìm con của chúng tôi vẫn sẽ được tiếp tục.Chỉ mong sao nếu kỹ thuật này được hỗ trợ phần nào chi phí thì đỡ cho những gia đình kinh tế còn eo hẹp như chúng tôi", chị Thảo giãi bày.
Trong khi đó, chị Trần Kim Ngân (30 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) cho biết, chị kết hôn từ năm 2021. Sau đó, dù không sử dụng biện pháp tránh thai nào nhưng vợ chồng chị mãi chưa có con. Dù gia đình hai bên không thúc giục nhưng mỗi lúc ra ngoài, khi có người hỏi "sao cưới lâu rồi mà không có con" là chị lại buồn phiền.
Đến nay, hai vợ chồng đều muốn điều trị can thiệp bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nhưng chưa thể thực hiện được vì gặp phải rào cản chi phí điều trị cao, kinh tế gia đình còn khó khăn.
Số cặp vợ chồng hiếm muộn được điều trị còn thấp
Theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, chiếm tỉ lệ khoảng 7,7%. Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM, cho biết, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn trên thế giới cũng như Việt Nam tăng nhanh vì xu hướng lập gia đình trễ, có con trễ.
So với tỷ lệ vô sinh, số ca được điều trị của nước ta còn rất thấp, phần lớn là từ rào cản chi phí điều trị, với số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng một ca. Hiện nay việc khám, xét nghiệm, điều trị vô sinh hiếm muộn chưa được bảo hiểm y tế chi trả.
Bác sĩ Tường hy vọng, thời gian tới, sẽ có những thay đổi về chính sách, sự chi trả của bảo hiểm y tế như nhiều nước châu Âu cũng như một số nước châu Á, giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có cơ hội tiếp cận điều trị.
Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), cho biết, lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là thụ tinh trong ống nghiệm đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Việt Nam đi sau thế giới 15 năm về hỗ trợ sinh sản.
Năm 1998, những đứa trẻ Việt Nam đầu tiên chào đời nhờ thụ tinh ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM). Từ vài cơ sở ban đầu, Việt Nam đã phát triển khoảng 60 cơ sở hỗ trợ sinh sản. Tính đến nay, có gần 200.000 em bé chào đời bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và khoảng 400-500 em bé chào đời nhờ mang thai hộ, mang đến niềm vui cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.
Theo ông Tuấn, Luật Bảo hiểm y tế hiện không chi trả cho kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; đồng thời mong muốn đến một ngày nào đó người dân sẽ được hỗ trợ một phần để mọi người đều có thể thực hiện quyền sinh sản.
"Chúng tôi vẫn đang trong quá trình vận động chính sách, mà muốn làm được thì phải có các bằng chứng khoa học, báo cáo tác động đến chính sách, quỹ bảo hiểm y tế. Chúng tôi đang nghiên cứu và cùng với các bộ phận chức năng của Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất và cần có lộ trình", ông Tuấn cho hay.