Ranh đất, vực sâu

Theo cáo trạng của VKSND TP HCM, mâu thuẫn tranh chấp đất đai giữa Nguyễn Văn Tài và gia đình ông Trần Văn Lê đã lên đến đỉnh điểm vào chiều 25-9-2023

Cơn sốt đất đã biến hàng xóm thành thù hận. Một nhát rựa trong lúc tranh chấp đã gây ra án mạng, biến ranh đất nhỏ hẹp thành vực sâu của nỗi đau và những lời khai còn mâu thuẫn

Lần đầu tiên sau gần 2 năm bị bắt, Nguyễn Văn Tài được ra khỏi trại tạm giam. Nhưng không phải về với gia đình, Tài bị dẫn giải đến trụ sở TAND TP HCM.

Nhát rựa oan nghiệt

Bị cáo bước xuống xe bít bùng trong chiếc áo lam đã sờn vai, dáng người cao lớn, đôi mắt sau cặp kính cận vẫn còn giữ nét trầm tĩnh của một người quen chấp nhận hơn là phản kháng. Nhưng ở các phiên tòa, người ta không đong đếm tội danh qua dáng vẻ.

Bị cáo Tài khai báo từ tốn, thi thoảng dừng lại như thể đắn đo từng lời: "Tôi chỉ phát cây trên phần đất mình. Chỗ đó có ong, cây cối rậm rạp, tôi không nghĩ sẽ làm phiền ai... Không ngờ lại ra nông nỗi này".

Bị cáo Tài sinh năm 1983 tại Củ Chi - vùng đất rộng, người thưa; nhà cửa lúp xúp, điện chưa tới, đường còn lầy lội dấu chân trâu. Anh em, họ hàng sống kề vai sát vách, cùng đào mương, đắp đê, chia nhau từng gốc rơm, ngọn rau, từng hàng rào bằng kẽm gai, cả bóng mát một gốc cây giữa trưa hè.

Sinh ra trong một gia đình làm nông nhưng Tài vẫn được cha mẹ chắt chiu từng đồng bán lúa, từng con gà để có cái chữ. Học hết phổ thông, thay vì theo bạn bè xuôi phố tìm cơ hội khấm khá hơn, Tài chọn ở lại cắm rễ vào khu vườn của tổ tiên như cây sắn, cây khoai cần cù bám đất. Tài nuôi gà, giữ đất, chăm chút từng luống rau, từng hàng cau trước ngõ. Cuộc sống không dư dả nhưng chưa từng từ chối anh em, xóm giềng bát cơm, nắm gạo hay lời giúp đỡ. Cho đến một ngày...

"Cha con ông Lê tới gây chuyện, la lối, chửi bới. Tôi nói lý lẽ, phải trái mà họ cứ xúc phạm. Tôi bị đàn áp tinh thần. Rồi… tôi không kiểm soát được…" - bị cáo Tài lí nhí.

Theo cáo trạng của VKSND TP HCM, mâu thuẫn tranh chấp đất đai giữa Nguyễn Văn Tài và gia đình ông Trần Văn Lê đã lên đến đỉnh điểm vào chiều 25-9-2023. Trong lúc lời qua tiếng lại, Tài đã dùng rựa tấn công anh Trần Minh, con trai ông Lê. Khi anh Minh hoảng sợ bỏ chạy, Tài đã quay sang tấn công ông Lê, khiến ông bị thương ở tay và đầu rồi ngã gục.

Bị hại thứ hai và bị cáo đối chất tại tòa

Bị hại thứ hai và bị cáo đối chất tại tòa

Lời khai mâu thuẫn

Người ta không đếm được có bao nhiêu câu chuyện ở làng quê bắt đầu từ những lùm cây, hàng rào, cột ranh. Cũng chẳng lạ gì cảnh chú cháu, anh em, hàng xóm lớn tiếng với nhau chỉ vì bụi chuối trổ búp sang ranh bên kia. Nhưng giận mấy rồi cũng thôi, "tối lửa tắt đèn" vẫn có nhau, bữa cơm giỗ chạp vẫn chan chứa nghĩa tình.

Thế nhưng, khi cơn sốt đất tràn về vùng ven, bãi đất hoang năm nào bỗng có thể bán được tiền tỉ thì người thân cũng dễ thành kẻ thù chỉ để bảo vệ một tấc ngang.

Nhà Tài và nhà ông Lê cách nhau một bờ rào, vừa là hàng xóm vừa là bà con nội tộc. Nhưng chính cái bờ rào lúc có lúc không, khi lùi khi lấn ấy lại là nguồn cơn mâu thuẫn giữa hai gia đình. Không tìm được tiếng nói chung, ông Lê nhờ đến tòa án phân xử. Nhưng khi chưa kịp "ra ngô, ra khoai" thì bi kịch ập đến.

Người đàn ông bị buộc tội giết người hôm nay cúi đầu trước bục khai báo, giọng nghèn nghẹn khi nhắc đi nhắc lại "bị đàn áp tinh thần". Nhưng bên kia ranh giới của lời biện hộ, bị hại thứ hai trong vụ án - anh Minh, con trai nạn nhân - lại kể một câu chuyện hoàn toàn khác.

Theo lời anh, lúc Tài vung rựa, không hề có tiếng quát tháo từ phía ông Lê. "Chúng tôi chỉ hỏi: "Đất đang tranh chấp, sao không báo ai mà tự chặt cây?" thì Tài buông lời thô tục rồi bất ngờ chém tôi. Tôi chạy, máu chảy nhiều, sau đó quay lại thì thấy cha đã nằm bất động". Anh Minh cũng phủ nhận lời khai cho rằng cha của Tài đến sau, do nghe cãi vã. Theo anh, ông ấy có mặt từ trước đó.

Anh Minh còn cho rằng tình tiết "Tài đến công an xã đầu thú lúc 17 giờ 5 phút" trong cáo trạng là không đúng. "Chính tôi gọi cầu cứu. Khi anh Dũng - phó công an xã - tới nơi, tôi tận mắt thấy anh ấy nắm cổ áo Tài tại gốc dừa nhà Tuấn. Đó không phải đầu thú!".

Câu chuyện về thứ tự xuất hiện, về vị trí từng người tại hiện trường, nghe thì nhỏ nhặt nhưng trong những vụ án hình sự lại có thể xoay chuyển cả bản chất vấn đề. Bởi trong mỗi chi tiết bị lệch đi đều là thiếu công bằng cho người đã khuất.

Cáo trạng của VKSND TP HCM truy tố bị cáo Tài theo khung hình phạt cao nhất, đến mức tử hình. Nhưng đi kèm một danh sách dài những tình tiết được để cân nhắc giảm nhẹ hình phạt, gồm: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã khắc phục một phần hậu quả và tự ra đầu thú. Chưa rõ những tình tiết này sẽ giúp bị cáo được giảm nhẹ bao nhiêu năm tù nhưng anh Minh kịch liệt phản bác rằng "hồ sơ vụ án chưa phù hợp với thực tế khách quan".

Hai gia đình từng chỉ cách nhau một ranh đất, giờ thành hai bờ vực không thể bắc cầu. Ngay cả khoản tiền bồi thường 150 triệu đồng, được ghi nhận là tiền bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả vụ án, cũng chưa trực tiếp đến tay bị hại, mà được chuyển thẳng vào tài khoản của cơ quan cảnh sát điều tra.

Còn hồ sơ vụ án thì còn nhiều điều cần được sáng tỏ hơn. Cũng chính vì lẽ này mà HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung vụ án. Bản án chưa được tuyên nhưng điều mà ai cũng thấy là một ranh đất hẹp đến mức chỉ đủ cắm hàng rào kẽm gai, vậy mà đã kéo theo một cái chết, một bản án treo trên đầu và bao nhiêu nỗi đau không thể đo bằng thước tấc.

Bài và ảnh: TRẦN THÁI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ranh-dat-vuc-sau-196250718210507458.htm
Zalo