Rắn thần – thơ TRẦN QUỐC CƯỠNG

1. Miếu Bạch Xà nằm gần lũy tre xóm Quýt, ngăn cánh đồng với khu dân cư một khoảng cách khá xa. Ngày trước ngôi miếu này có tên là miếu Ấp Tây nhưng từ khi có đôi bạch xà không biết từ đâu đến trú ngụ thì người dân bắt đầu gọi là miếu Bạch Xà. Ông Giớn là dân đánh cá đồng. Mỗi khi giăng lưới xong gặp lúc trời mưa to ông thường cho xuồng cặp vào gốc cây sộp trước cửa miếu neo lại rồi vào miếu ngồi nghỉ. Có hôm trời mưa to gió lớn, ông Giớn ăn nắm xôi buổi trưa còn lại rồi ngủ cho đến khuya giở mẻ lưới đầu tiên. Khi người nhà chuẩn bị cơm sáng cho ông và đem cá ra chợ bán, ông lại tiếp tục giăng lưới.

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

Người xóm Quýt từ trẻ đến già ai cũng kính nể sự dạn dĩ, can đảm của ông Giớn. Họ gọi ông là thần giữ miếu. Những lúc như vậy ông cười hiền: “Thánh thần không ai đi bắt hồn người vô tội cả. Mình ngủ nhờ thì phải thành tâm khấn vái xin phép họ một cách đàng hoàng chắc chắn họ không nỡ hại mình đâu!”. Có người tỏ ra thạo việc đời: “Miếu mạo là nơi có nhiều ma. Những âm hồn chết bờ chết bụi không biết bấu víu vào đâu nên vất va vất vưởng quanh miếu sống qua ngày!”. Ông Giớn nghiêm mặt, ôn tồn: “Ma quỷ thì làm sao ở chung với thần thánh? Cũng như ngoài đời bọn du đãng, trộm cướp thì không thể ngồi cùng mâm, ngủ cùng chiếu với quan chức!”. Tất cả cũng chỉ là suy đoán chứ có ai thấy ông thần hình dáng thế nào? Ma quỷ dáng dấp ra sao đâu. Điều mà ông Giớn khẳng định là suốt mùa mưa lụt nhiều lần ông ngủ trong miếu Ấp Tây chẳng thấy ai quở phạt mà vẫn sống khỏe như voi.

Cho đến một hôm, giữa trưa trời đổ mưa như trút nước, ông Giớn định vào miếu trú mưa, bỗng đâu có hai con rắn trắng như tuyết, trên đầu có mào đỏ tươi to bằng bắp chân, dài khoảng hai thước đang quấn chặt lấy nhau lăn trên nền miếu. Ông Giớn kinh hãi té chạy ra chiếc xuồng bơi đi thoăn thoắt. Chuyện miếu ấp Tây có rắn thần lan truyền khắp xóm khiến những người có máu mạo hiểm kéo nhau đến miếu rình mò. Họ khẳng định lời ông Giớn nói là đúng sự thật khi tận mắt chứng kiến cảnh rắn thần giao phối. Viên thiếu úy cảnh sát đặc biệt dẫn theo gã trung đội trưởng lính Nghĩa Quân mật phục suốt hai ngày mới thấy đôi bạch xà từ trong lũy tre bò ra. Tiếng hô vang lên cùng lúc hai quả lựu đạn bay vèo về phía hai con rắn. Tiếng nổ đinh tai, nhức óc, bụi đất bay mù mịt, cành lá rơi lả tả. Hai con rắn chỉ còn lại vài ba mẩu thịt rơi vãi trên mặt đất. Bọn sĩ quan, lính tráng cười nhăn nhở. Chúng xem việc tiêu diệt hai con rắn lạ như một chiến công.

Ngày hôm sau, viên trung úy cảnh sát đặc biệt đang ngủ trưa, cô vợ vào gọi dậy đi làm bỗng thét lên, bủn rủn tay chân rồi ngã khuỵu. Gã trung úy chết cứng tự lúc nào. Miệng gã há to, lưỡi thè ra dài ngoẵng trông khiếp đảm. Dân xóm Quýt truyền tai nhau: “Rắn thần hiện về bóp cổ người đã giết rắn!”. Chuyện hãi hùng chưa lắng xuống thì gã trung đội trưởng lính Nghĩa quân cũng chết một cách thê thảm giống hệt kẻ đã rủ rê gã ném lựu đạn vào hai con bạch xà. Từ đó không chỉ có lão Giớn chẳng dám bén mảng đến miếu Bạch Xà mà tất cả mọi người xóm Quýt đều tránh xa ngôi miếu có đôi rắn thần linh thiêng, đáng sợ. Hằng năm chỉ có ngày thu tế là các bô lão mang lễ vật đến cúng miếu. Cúng vừa xong là họ thu dọn chén bát, xoong nồi về ngay. Lũ trẻ nhỏ mỗi đứa được chia cái bánh, cục xôi, trái chuối cũng không dám ở lại ngồi ăn. Miếu Bạch Xà trở thành nơi hoang vắng. Người ta đồn đại rằng ban đêm, hai con rắn biến thành hai con quỷ mắt xanh lè, há miệng đỏ lòm lảng vảng trước cửa miếu. Trẻ con mỗi lần đi ngang qua miếu dẫu là ban ngày vẫn chạy có cờ.

Dạo này xóm Quýt trở nên mất an ninh (theo cách nhìn nhận của viên xã trưởng). Trời vừa sẩm tối người ta đã thấy quân Giải phóng xuất hiện dùng loa tay gọi bà con ra đình họp để nghe phổ biến chính sách của cách mạng. Bọn lính Nghĩa quân và Nhân dân tự vệ thì rút êm lên thị trấn.

Ông Đậm là Bí thư chi bộ xã Hiệp Hội đứng trước sân đình dõng dạc tuyên bố: “Quân ta đã chiến thắng giòn giã trên các chiến trường, bà con mình không nên nghe theo lời xúi giục của bọn chiến tranh tâm lý bỏ làng, bỏ xóm mà đi! Cánh mạng đến thì dân mình sống trong hòa bình, độc lập, yên ổn làm ăn sinh sống. Gia đình nào có con tham gia đi lính cho địch thì hãy kêu gọi rời khỏi hàng ngũ trở về với cách mạng sẽ được khoan hồng!”.

2. Chiếc xe Jeep dừng lại trước sân trụ sở xã Hiệp Hội. Từ trên xe bước xuống là một gã đàn ông cao lớn mặc bộ quân phục màu rêu, đầu đội chiếc mũ sắt bọc vải dù nhà binh họa tiết từng mảng màu xanh non, đen, nâu liền nhau, chân mang giày bốt đờ sô, ống quần nhét gọn gàng, trên hai ve áo gắn bông mai màu trắng với một gạch phía dưới, tay cầm gậy batoong gỗ. Ông ta có gương mặt dài với hàng ria mép con kiến được tỉa tót công phu. Gã là thiếu tá Nguyễn Ngọc Châu, Quận trưởng quận Tân An. Tháp tùng cùng gã là viên đại úy quận phó và viên trung úy đại đội trưởng Địa Phương Quân. Cả hai nai nịt súng ống chỉnh tề như người sắp duyệt binh.

Gã thiếu tá còn nấn ná trong sân thì ngài xã trưởng Hiệp Hội hấp tấp chạy ra, đưa hai bàn tay, cúi gập người như con bổ củi bắt tay gã quận trưởng: “Chào thiếu tá! Mời thiếu tá và các vị vào trong!”. Mọi người vừa an tọa, gã quận trưởng phá tan bầu không khí có phần chùng xuống: “Ông xã trưởng báo cáo cho tôi biết vì sao trong thời gian gần đây cộng quân hoạt động công khai trong địa phận của ông như vậy? Các ấp trưởng, ấp phó an ninh ở đâu mà để cho địch lộng hành?”.

Ngài xã trưởng có tên Nguyễn Thu Đông bật dậy: “Thưa ngài quận trưởng! Chúng tôi đã sát cánh với cảnh sát đặc biệt, các ấp trưởng, ấp phó, các liên gia trưởng tăng cường nắm tình hình cộng sản nằm vùng nhưng chưa tìm ra dấu vết, manh mối ạ!”. Gã quận trưởng nhịp nhịp cái batoong xuống nền nhà kêu lộp cộp, đay nghiến: “Từ đây đến mật khu Hang Vàng gần bốn mươi cây số, cộng sản làm sao có thể đánh xong rồi rút quân một cách êm thấm, nhanh chóng như thế? Các ông phải động não một chút. Cài thêm mật báo viên lão luyện vào nội bộ địch, tăng cường trinh sát, mai phục thì mới tìm ra hầm bí mật của chúng. Đằng này các ông cứ làm việc kiểu lớt phớt, lờ phờ thì có ngày chúng đánh úp vô trụ sở xã như chơi!”. Ngài xã trưởng đứng im lắng nghe nãy giờ bỗng hạ giọng: “Tôi sẽ cho người săm soi mấy cái ao gần nhà dân, nếu phát hiện có đất cát mới đổ xuống sủi tăm, sủi bọt là biết ngay ở xung quanh đó có hầm bí mật. Xin ngài thiếu tá bớt giận!”.

3. Hang Bạch Xà gần miếu Bạch Xà xóm Quýt giờ đây trở thành điểm du lịch di tích lịch sử cấp quốc gia hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Đường vào hang Bạch Xà được đổ bê tông rộng thẳng tưng, hai bên đường là những hàng cây xà cừ xanh um đều tăm tắp. Miếu Bạch Xà sau năm 1975 được trùng tu vững chãi. Vào ngày lễ tế thu, các bô lão cúng kính, dân làng đến dự đông vui. Họ dọn cỗ ngay trước sân miếu chứ không còn sợ sệt như trước. Mùa đông. Lũ trẻ con đi cắm câu xong rủ nhau vô miếu nói cười ríu rít. Hang Bạch Xà được mở rộng sạch đẹp. Du khách vào sâu trong hang bằng địa đạo có hệ thống điện và ngóc ngách dành cho quân Giải phóng ẩn nấp. Cô thuyết minh đội chiếc mũ tai bèo màu xanh lá cây, giọng nói ngọt lịm: “Thưa quý khách! Hang Bạch Xà là địa đạo chứa cả trăm quân Giải phóng trong nhiều ngày tháng. Cứ mỗi lúc chiều về là họ mọc dậy đánh úp bọn lính Nghĩa quân và cảnh sát xã Hiệp Hội.

Một vị khách bất chợt hỏi cô thuyết minh: “Em ơi, có phải quân Giải phóng ém quân trong địa đạo này rồi bất ngờ mọc dậy tấn công lính Nghĩa quân không?”. Cô thuyết minh gật đầu, nhoẻn miệng cười duyên: “Đúng rồi anh! Cửa vào địa đạo này trước đây có hai con rắn màu trắng bị lính ngụy ném lựu đạn chết. Sau đó, hai người lính chết không rõ nguyên nhân. Tin đồn rắn thần hiện hình báo oán khiến dân chúng không dám đến gần miếu Bạch Xà, nơi gần hang rắn. Từ đó quân Giải phóng mới bí mật đào địa đạo này tồn tại cho đến nay!”.

Cô thuyết minh nói dứt lời, bỗng đâu có tiếng cười khục khặc: “Người khởi xướng việc đào địa đạo này là tôi đấy! Hai con rắn chẳng biết có phải rắn thần hay không nhưng nó chính là thần hộ mệnh cho những người kháng chiến rất đáng được tôn thờ!”. Cô thuyết minh quay lại, cúi đầu cung kính: “Con chào bác Đậm ạ! Quý khách ơi! Đây là nhân chứng sống của di tích lịch sử này đấy ạ!”. Mọi người nhìn ông già tóc bạc phơ đầy ngưỡng mộ.

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/325705/ran-than-%E2%80%93-tho-tran-quoc-cuong.html
Zalo