Rafah đóng cửa khẩu, trẻ em không được điều trị và người dân không có viện trợ
Cuộc tấn công của Israel vào Rafah đã buộc cửa khẩu biên giới chính với Ai Cập phải đóng cửa, khiến dòng viện trợ nhân đạo bị chặn lại, khiến ngay cả trẻ em bị thương cũng không thể có thuốc men và được điều trị y tế.
Không còn viện trợ
Ngày 29/5, Liên hợp quốc cho biết lượng viện trợ nhân đạo vào Gaza đã giảm 2/3 kể từ khi Israel tiến hành hoạt động quân sự ở thành phố Rafah phía nam trong tháng này.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc cho biết: "Lượng lương thực và viện trợ khác vào Gaza vốn không đủ để đáp ứng nhu cầu tăng vọt, lại tiếp tục giảm kể từ ngày 7/5".
Theo OCHA, từ ngày 7/5 đến ngày 28/5, trung bình hàng ngày có 58 xe tải viện trợ đến Gaza, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 176 xe tải viện trợ hàng ngày từ ngày 1/4 đến ngày 6/5 (giảm 67%). Từ lâu, Liên hợp quốc chỉ ra rằng mỗi ngày Gaza cần ít nhất 500 xe tải chở hàng viện trợ và thương mại.
Kể từ khi xung đột Israel - Hamas bắt đầu cách đây gần 8 tháng, viện trợ cho 2,3 triệu người Palestine chủ yếu được thực hiện thông qua cửa khẩu Rafah từ Ai Cập và cửa khẩu Kerem Shalom từ Israel.
Tuy nhiên, việc viện trợ đã bị gián đoạn khi Israel đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở Rafah với mục đích "tiêu diệt các chiến binh Hamas còn lại". Ai Cập đã đóng cửa cửa khẩu Rafah do mối đe dọa với công tác nhân đạo, nhưng tuần trước đã đồng ý tạm thời gửi hàng viện trợ và nhiên liệu tồn đọng qua cửa khẩu Kerem Shalom.
OCHA cho biết các chuyến hàng viện trợ đã giảm "do cửa khẩu Rafah đóng cửa, không thể nhận hàng hóa một cách an toàn và nhất quán từ cửa khẩu Kerem Shalom cũng như hạn chế giao hàng qua các điểm vào khác".
Không được điều trị y tế
Cửa khẩu Rafah đóng cửa còn khiến người bị thương không thể rời đi để được tiếp cận trợ giúp y tế. Tại Bệnh viện Liệt sĩ al-Aqsa ở thành phố Deir al-Balah, miền trung Gaza, bác sĩ Khalil al-Dakran cho biết chiến dịch quân sự của Israel đã gây ra một thảm họa y tế.
"Tất cả bệnh viện đang gặp khó khăn do thiếu thuốc, nhu yếu phẩm và nhiên liệu y tế", ông nói, cho biết thêm rằng hàng nghìn bệnh nhân cần rời khỏi Gaza để điều trị ở nước ngoài nhưng họ không thể rời đi sau khi biên giới Rafah đóng cửa.
Ngày 29/5, Bộ trưởng Y tế Palestine Majed Abu Ramadan cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy khi nào cửa khẩu Rafah sẽ mở cửa trở lại.
Tại bệnh viện Nasser ở Khan Younis, cậu bé Ahmed Abu Athab đang nằm bất động trên giường, cơ thể được quấn kín bằng băng y tế dính máu. Cậu bé đã đến bãi biển vào ngày 28/5 cùng nhóm bạn, bất ngờ một quả đạn từ rơi xuống và cậu bị mảnh đạn găm trúng.
Hỏa lực của Israel đã đưa Ahmed vào danh sách ngày càng nhiều người bị thương mắc kẹt ở lãnh thổ Gaza mà không có viện trợ y tế. Dì Jamila của Ahmed Abu Athab khóc nức nở cầu xin thế giới đưa cậu bé ra khỏi Gaza để điều trị y tế. "Tôi nên đưa thằng bé đi đâu? Hãy nói cho tôi biết. Tôi nên đi đâu?".
"Tôi yêu cầu tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới, bất cứ ai có lương tâm, hãy mở biên giới và cho phép những đứa trẻ này rời đi. Chúng đã làm gì để phải chịu điều này?", Jamila nói.
Hoài Phương (theo Reuters)