Rác thực phẩm đe dọa ô nhiễm đất và nước
Theo kết quả một cuộc khảo sát, Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về chỉ số lãng phí thực phẩm với hơn 8 triệu tấn thực phẩm bị thất thoát hoặc vứt bỏ mỗi năm. Đáng nói là số rác thải thực phẩm này sẽ ngấm xuống đất, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Rác thực phẩm, chủ yếu là thức ăn thừa bỏ đi, chiếm một lượng lớn trong thùng rác mỗi gia đình. Thống kê của Mạng lưới Ngân hàng thực phẩm Việt Nam đã chỉ ra, cơm, bún, phở, mì chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các loại thức ăn bị lãng phí, với 68%. Tiếp theo là thịt, cá nấu chín là 53% và rau củ là 44%.
Thực phẩm lãng phí hiện đến từ các nhà hàng, quán ăn và khá phổ biến trong các gia đình do nhiều loại thực phẩm bị hết hạn hoặc do chưa kiểm soát tốt khẩu phần ăn khi nấu nướng nên chế biến dư thừa.
Người dân chia sẻ về nhiều nguyên nhân gây ra sự lãng phí này: "Do kiểu no bụng đói con mắt, đôi khi gọi ra mà không được như kỳ vọng nên bỏ lại".
"Vì thói quen mình hay tích trữ đồ ăn nên đôi khi không kiểm tra hạn sử dụng của đồ ăn dẫn đến sự lãng phí".
Thực tế, hiện đa số rác thực phẩm thường được vứt lẫn lộn với nhau trong một túi rác chung. Khi không được phân loại đúng cách, rác thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; đặc biệt khi phân hủy loại rác này tạo ra nước rỉ rác, không chỉ gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm mà còn gây ra các vấn đề về môi trường và sức khỏe.
Theo PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, việc lãng phí thực phẩm không chỉ sản sinh ra khí nhà kính – tác nhân gây biến đổi khí hậu mà còn khiến môi trường sống của người dân bị ô nhiễm: "Rác thải từ thực phẩm khi thải ra môi trường thì các loại vi sinh vật sẽ tác động lên thức ăn và sinh ra chất độc, các đống rác sinh ra nước đen ngấm xuống mạch nước làm cho mạch nước bị ô nhiễm. Cùng với các loại chất thải hữu cơ khác thì chất thải từ thực phẩm sẽ gây ô nhiễm nhiều hơn, nhanh hơn".
Không những thế, theo PGS.TS. Phạm Thị Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Môi trường và Giao thông lượng thực phẩm bị thải bỏ còn gây lãng phí nguồn lực và tạo ra các chi phí xử lý tốn kém: "Nếu mà đốt thì mất rất nhiều nguồn năng lượng cho nó vì nó bị ướt và không thể đốt được liền nên phải cung cấp một lượng nhiệt lớn".
Lãng phí và thất thoát lương thực gây ra khoảng 10% lượng khí thải gây biến đối khí hậu. Chính vì thế, cắt giảm chất thải từ thực phẩm cần bắt đầu từ việc thay đổi thói quen trong sinh hoạt, ăn uống của mỗi người, mỗi gia đình. Khi chúng ta sử dụng thực phẩm một cách vừa đủ sẽ giúp tiết kiệm không chỉ là tiền mà còn cả các nguồn tài nguyên sản xuất ra chúng, góp phần bảo vệ môi trường và giảm tác hại của biến đổi khí hậu.