Rà soát kỹ lưỡng các nhiệm vụ, quyền hạn chuyển cho Trưởng Công an xã
Sáng 20/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Tòa án khu vực được xét xử vụ án hình sự có khung hình phạt đến 20 năm tù
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, dự án Luật được xây dựng nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo đảm phù hợp với tên gọi, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự theo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm giải quyết kịp thời một số vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Tờ trình dự án Luật. Ảnh: Hồ Long
Trong đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các điều luật liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan: bổ sung quy định Điều tra viên trung cấp trở lên (của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh) là Trưởng Công an, Phó Trưởng Công an cấp xã được Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh phân công có thẩm quyền tiến hành khởi tố, điều tra vụ án hình sự về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, có mức cao nhất của khung hình phạt đến 7 năm tù xảy ra trên địa bàn cấp xã, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi không tổ chức công an cấp huyện.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Đồng thời, sửa đổi một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền tố tụng của hệ thống Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân từ 4 cấp còn 3 cấp; sửa đổi tên gọi, bộ máy của Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư khi tiến hành một số hoạt động điều tra trong Bộ luật Tố tụng hình sự; sửa đổi các quy định liên quan đến việc không tổ chức Nhà tạm giữ, Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện…
Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cũng cho biết, dự thảo Luật quy định Tòa án nhân dân (TAND) khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với vụ án hình sự về các tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 20 năm tù, trừ một số trường hợp án nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền truy tố, xét xử của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), TAND cấp tỉnh; bổ sung thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh và thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TAND cấp tỉnh đối với bản án có hiệu lực pháp luật của TAND khu vực; giữ nguyên thẩm quyền truy tố, xét xử của VKS, Tòa án quân sự.
Đồng thời, bổ sung trình tự, thủ tục điều tra, truy tố trong trường hợp bị can vắng mặt; sửa đổi trình tự, thủ tục thi hành án tử hình theo hướng bổ sung thời hạn xem xét quyết định ân giảm và thời hạn Tòa án quyết định hoãn thi hành án 2 năm khi có căn cứ…
Chặt chẽ, thống nhất, khả thi, đáp ứng yêu cầu giải quyết kịp thời vụ việc, vụ án xảy ra trên địa bàn cấp xã

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: Hồ Long
Tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, việc sửa đổi này nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng và khắc phục bất cập, xử lý một số vấn đề cấp bách, phát sinh trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự thời gian qua. Hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ các tài liệu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng, một số luật về tổ chức các cơ quan tư pháp, tố tụng tư pháp và Bộ luật Hình sự cũng đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ Chín này. Do đó, Ủy ban đề nghị VKSND tối cao trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát, bám sát việc sửa đổi, bổ sung các luật, Bộ luật nêu trên nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Về việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã (hoặc Phó trưởng Công an cấp xã) tại khoản 4 Điều 1, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, trong bối cảnh sau sắp xếp đơn vị hành chính, nhiều địa phương được sáp nhập trên cơ sở 2 hoặc 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện nay và ở mỗi địa phương chỉ bố trí một cấp cơ quan điều tra tại Công an cấp tỉnh (thay vì 2 cấp như trước đây), thì việc dự thảo Luật đề xuất bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã (hoặc Phó trưởng Công an cấp xã) tương tự như nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan điều tra là rất cần thiết nhằm chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vụ việc, vụ án về tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã.

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải và Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tham dự phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Tuy nhiên, quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã (hoặc Phó trưởng Công an cấp xã) tại khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật có nhiều nội dung chưa phù hợp, mâu thuẫn với các nội dung khác của Bộ luật Tố tụng hình sự và mâu thuẫn ngay trong dự thảo Luật, do đó sẽ phát sinh vướng mắc và không khả thi khi triển khai trên thực tế.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên thuộc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh được bố trí là Trưởng Công an cấp xã (hoặc Phó trưởng Công an cấp xã), bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, khả thi, đáp ứng yêu cầu giải quyết kịp thời các vụ việc, vụ án xảy ra trên địa bàn cấp xã.