Rà soát các điểm nghẽn hạ tầng cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GRDP của vùng Trung du và miền núi phía Bắc ước đạt 9,11%, đứng đầu cả nước. Một số địa phương có mức tăng trưởng ấn tượng, trong đó Bắc Giang dẫn đầu với 13,85%, tiếp theo là Phú Thọ với 9,53% và Tuyên Quang với 9,04%. Nhưng nhiều điểm nghẽn vẫn đang tồn tại cần được tháo gỡ.
Chiều 18/12, Hội nghị lần thứ 4 Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã được tổ chức tại tỉnh Hòa Bình. Một trong những tâm điểm của hội nghị là bàn các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông, tạo không gian kết nối cho triển vọng tăng trưởng tích cực hơn của khu vực này.
Một số tỉnh dẫn đầu cả nước về mức tăng trưởng
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, năm 2024, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng tổng sản phẩm vùng (GRDP) ước đạt 9,1%, cao nhất cả nước.
Một số địa phương có mức tăng trưởng khá cao như: Bắc Giang (cao nhất cả nước với mức tăng trưởng là 13,8%), Phú Thọ (9,5%), Tuyên Quang (9,04%). Quy mô GRDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người của vùng đạt khoảng 76 triệu đồng/người.
Cơ cấu GRDP chuyển dịch khá tích cực, cơ cấu ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm 80,9% GRDP của vùng. Đóng góp của hai ngành trên chiếm 8,7% điểm tăng trưởng GRDP của vùng trong năm 2024.
Thu ngân sách Nhà nước toàn vùng năm 2024 đạt 89.200 tỷ đồng (tăng 13% so với dự toán Trung ương giao), trong đó 10/14 địa phương có số thu vượt dự toán. Tỉnh Thái Nguyên đã cân đối được thu chi ngân sách, đạt mục tiêu của Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị.
Kim ngạch xuất khẩu đến hết tháng 11 năm 2024 toàn vùng đạt trên 72 tỷ USD; tổng thu thuế xuất nhập khẩu đạt 15.398 tỷ đồng, tăng 25,8% so với dự toán giao, trong đó tập trung vào các địa phương có cửa khẩu với Trung Quốc như Hà Giang (tăng 96,8%), Cao Bằng (tăng 20,7%), Lạng Sơn (tăng 45%)… cho thấy thương mại qua biên giới đang có dấu hiệu khởi sắc.
Môi trường kinh doanh của vùng được cải thiện rõ rệt, năm 2023 toàn vùng có 5/14 địa phương nằm trong nhóm 30 các địa phương có chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh tốt nhất (Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Lào Cai).
Năm 2024, tuy chỉ số này chưa được công bố, song toàn vùng đã có 37 khu công nghiệp được thành lập, 26 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy hơn 67% diện tích. Số doanh nghiệp hoạt động, kê khai thuế toàn vùng vào khoảng trên 44.000 doanh nghiệp, tăng gần 2.000 doanh nghiệp so với năm 2023; thu hút 90 dự án FDI mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,8 tỷ USD, tập trung vào các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ.
Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông
Tuy nhiên, nhìn lại năm 2024, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho rằng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Đơn cử như kinh tế của vùng tuy tăng trưởng khá nhưng quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, chỉ chiếm 8% so với cả nước, 13/14 địa phương trong vùng chưa tự cân đối thu chi ngân sách, mô hình tăng trưởng chưa thực sự bền vững.
Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế (23,56% lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ; 39% lao động làm việc trong ngành nông nghiệp; 72% lao động có việc làm nhưng phi chính thức). Tỉ lệ hộ nghèo còn cao nhất so với các vùng trong cả nước.
"Hạ tầng giao thông kết nối vẫn là điểm nghẽn của vùng, chưa kết nối được với vùng Thủ đô, ra các cảng biển, đường sắt chưa kết nối được với Trung Quốc và ra quốc tế; Tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm của vùng còn chậm, như tuyến Hòa Bình - Mộc Châu, điều chỉnh cao tốc Hà - Giang Tuyên Quang, hầm Hoàng Liên," ông Tâm cho biết
Về triển khai một số dự án trọng điểm, có tính chất kết nối vùng, theo Thứ trưởng Tâm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo chi tiết từng dự án liên kết vùng, đề nghị các Bộ, địa phương tiếp tục sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thi công, đã được bố trí vốn.
Trong đó, có tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La), đây là một tuyến đường liên kết vùng vô cùng huyết mạch của vùng Tây Bắc nhằm phá vỡ thế độc đạo của Quốc lộ 6, tạo không gian phát triển kết nối với Thủ đô Hà Nội, tạo tiền đề để tiếp tục triển khai toàn tuyến cao tốc kết nối cửa khẩu Tây Trang, Điện Biên theo quy hoạch.
Tuyến cao tốc này hiện nay đang triển khai thực hiện theo 4 dự án độc lập, cụ thể: Tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình trên địa bàn của Hà Nội và Hòa Bình; Tuyến Hòa Bình - Mộc Châu (km0-km19) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Tuyến Hòa Bình - Mộc Châu (km19-km53) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Tuyến Hòa Bình - Mộc Châu trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của toàn tuyến là 33.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước dự kiến bố trí là 24.000 tỷ đồng, (ngân sách Trung ương hỗ trợ là 11.600 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 12.400 tỷ đồng) và giao cho 2 địa phương Hòa Bình, Sơn La thực hiện.
Tiến độ thực hiện dự án là trong giai đoạn 2024-2027, tuy nhiên, ông Tâm cho biết hiện nay công tác chuẩn bị đầu tư còn đang dang dở, 3/4 dự án thành phần chưa hoàn thành thủ tục phê duyệt, điều chỉnh, trong khi nguồn vốn ngân sách Trung ương đã được bố trí đủ.
Do đó, báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Tâm cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, các địa phương cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương phê duyệt, điều chỉnh các dự án thành phần, tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công để sớm khởi công trong năm 2025.
Đồng thời, bố trí đủ vốn ngân sách địa phương theo cam kết và tiến độ trong năm 2025, không để thiếu vốn, gây chậm tiến độ; Rà soát, đề xuất bố trí vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 để tiếp tục hoàn thành dự án. Tổ chức thực hiện dự án bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ. Nghiên cứu phương án hoàn thiện các dự án theo quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch để thực hiện.