Ra mắt trường ca 'Lò mổ' và bộ tranh 'Nguyện cầu' của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Sáng 15/2, tại phòng Nghệ thuật NXB Hội Nhà văn đã diễn ra buổi ra mắt trường ca 'Lò mổ' và trưng bày bộ tranh 'Nguyện cầu' gồm 18 bức của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Tập trường ca 'Lò mổ' được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hoàn thành từ năm 2016 nhưng phải 9 năm sau đó mới xuất bản đồng thời ở cả phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh...

Tại buổi ra mắt, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Tập trường ca này tôi hoàn thành vào khoảng năm 2016, nhưng thực chất ý tưởng đã bắt đầu từ rất lâu, có lẽ là từ những năm tháng còn rất trẻ, khi tôi cùng cha ghé qua lò mổ ở ngoại ô Hà Đông. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi tiếp xúc với một không gian u ám, tàn khốc, nơi chứng kiến cảnh giết chóc của những con vật mà chính tôi cũng cảm nhận được nỗi đau và nỗi sợ hãi của chúng. Nhưng lò mổ không chỉ là nơi những sự sống bị chấm dứt một cách đau đớn, mà nó còn là một “vũ trụ” của những thân phận con người đầy ám ảnh, những người sống ở rìa xã hội với công việc nặng nhọc, nguy hiểm"...

Đông đảo văn nghệ sỹ, bạn bè và người thân của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tham dự buổi lễ. Ảnh: Duy Hiển

Đông đảo văn nghệ sỹ, bạn bè và người thân của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tham dự buổi lễ. Ảnh: Duy Hiển

Đông đảo văn nghệ sỹ, bạn bè và người thân của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tham dự buổi lễ. Ảnh: Duy Hiển

Đông đảo văn nghệ sỹ, bạn bè và người thân của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tham dự buổi lễ. Ảnh: Duy Hiển

Vài góc nhìn độc đáo và giàu tính suy tưởng, Nguyễn Quang Thiều giãi bày: "Đó là những người mà khi rời khỏi lò mổ, có lẽ họ vẫn giữ trong mình những vết thương tâm hồn, không khác gì những sinh linh phải chịu cảnh sát sinh trong đó. Lò mổ ấy đã khơi dậy trong tôi nhiều câu hỏi về sự sống và cái chết, về cách con người chúng ta đang tồn tại. Để sống, liệu chúng ta có đang đẩy người khác vào cảnh sống đọa đày, khốn khổ không? Tập trường ca này không chỉ là câu chuyện về quá khứ mà là hành trình tự vấn, đi tìm câu trả lời cho những trăn trở về ý nghĩa cuộc sống và sự tồn tại. Có lẽ tôi mong muốn, khi độc giả tiếp cận với “Lò mổ”, họ cũng sẽ dừng lại để suy ngẫm về con đường mà nhân loại đã và đang đi, để nhìn nhận lại cách chúng ta đối xử với nhau và với môi trường chung quanh…”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều giao lưu với độc giả với sự dẫn dắt cuốn hút của nhà thơ Hữu Việt. Ảnh: Duy Hiển

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều giao lưu với độc giả với sự dẫn dắt cuốn hút của nhà thơ Hữu Việt. Ảnh: Duy Hiển

Trường ca “Lò mổ” có 18 chương, mỗi chương trong “Lò mổ” được tượng trưng bằng một bức tranh, và tất cả đều mang tên “Nguyện cầu”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, đây là một cách ông thể hiện niềm mong mỏi của mình. Ông mong rằng, trong thế giới đầy rẫy sự hủy hoại, con người vẫn giữ được lòng thương yêu, lòng bao dung và khát khao một đời sống yên bình. Các bức tranh trong triển lãm đều là tranh khổ lớn, được vẽ trên loại giấy đặc biệt của Pháp với sự kết hợp nhiều chất liệu như màu nước, sơn dầu, acrylic, và chì để tạo nên sự hòa quyện riêng của cá nhân, từng lớp màu, từng mảng hình ảnh mang đậm chất tâm linh và không giống bất kỳ bức tranh nào mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã vẽ trước đây.

Một tác phẩm trong bộ tranh “Nguyện cầu”.

Một tác phẩm trong bộ tranh “Nguyện cầu”.

Trước “Lò mổ”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng xuất bản trường ca “Những người lính của làng” được nhiều độc giả yêu thích. Trường ca “Lò mổ” là một sự thử nghiệm và thay đổi mạnh mẽ của Nguyễn Quang Thiều về cả thi pháp, ngôn ngữ và hính thức thể hiện. Để hoàn thành “Lò mổ”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã kết hợp từ rất nhiều thể loại như: thư từ, bản nháp, biên bản, đối thoại…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trình bày một trích đoạn trường ca Lò Mổ. Ảnh: Duy Hiển

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trình bày một trích đoạn trường ca Lò Mổ. Ảnh: Duy Hiển

Từ nỗi ám ảnh có thực về một lò mổ nơi sự sống bị chấm dứt một cách đau đớn, tác giả Nguyễn Quang Thiều đã xây dựng nên môt trường ca chứa đựng những vấn đề nhân sinh cũng như nỗi trăn trở, niềm đau về sự sống và cái chết. Chính vì thế, “Lò mổ” đã không còn là câu chuyện của một cá nhân, mà là nhiều giọng nói, nhiều cuộc đời chồng chéo lên nhau, cùng hòa vào để tạo nên một bức tranh đa chiều về những vấn đề nhân sinh của nhân loại. Chúng ta có thể thấy ở đó sự phản chiếu về thù hận, chiến tranh, bệnh tật…, tất cả những thứ đó đã và đang ăn mòn con người.

Bìa cuốn “Lò mổ” cùng một số postcards trong số 18 bức tranh Nguyễn Quang Thiều vẽ cho trường ca.

Bìa cuốn “Lò mổ” cùng một số postcards trong số 18 bức tranh Nguyễn Quang Thiều vẽ cho trường ca.

Nhà thơ, dịch giả Bruce Weigl đọc trích đoạn phiên bản tiếng Anh của trường ca “Lò mổ” tại buổi ra mắt sách.

Nhà thơ, dịch giả Bruce Weigl đọc trích đoạn phiên bản tiếng Anh của trường ca “Lò mổ” tại buổi ra mắt sách.

Nhưng ở một khía cạnh khác, “Lò mổ” không chỉ dừng lại ở sự u ám, đau thương, mà đằng sau đó là tiếng vọng của tình yêu và khát vọng sống. Mỗi con người ở trong đó, dù trong cảnh tối tăm, uất ức, nhưng vẫn cố gắng giữ lại chút gì đó là nhân bản, là niềm tin vào một ngày mai:

“Tấm da nặng nề đã trút khỏi
Con bay qua ô cửa sổ lò mổ.
Con để lại cái đầu
Cặp sừng ngà lấp lánh
Con để lại đôi mắt
Ngôi sao Hôm thăm thẳm
Con để lại chum máu
Phần sống nóng hổi và tự tin
Con để lại tấm da
Trĩu buồn manh áo cũ
Con để lại tiếng rống
Reo ca trên cánh đồng
Con để lại cổ họng
Lưỡi dao buồn ngủ sâu.

Con để lại thế gian không phải những đường cày. Không phải những vụ mùa rực rỡ. Không phải chiếc ách nặng hơn bóng tối. Không phải những bữa tiệc. Con để lại một đôi mắt đẹp. Hiện lên trên cái đầu bị cắt. Những ngôi sao, tinh khiết và bí ẩn. Báu vật duy nhất của con

Đã đến giờ con ra đi
Con là một con bò không biết khóc…” (Trích chương 12 “Con bò mùa thu”)

Nhà thơ Bruce Weigl (Mỹ) - người dịch trường ca “Lò mổ” sang tiếng Anh

“Tôi đã được mời đến làm khách tại nhà Nguyễn Quang Thiều ở ngoại thành Hà Nội vào một ngày thứ Bảy trong tháng 12. Hôm đó, chúng tôi ngồi trong phòng khách và nói chuyện về thi ca. Nguyễn Quang Thiều nói với tôi về việc ông đang viết một bài thơ dài. Tôi hỏi ông bài thơ đó viết về cái gì, thì Nguyễn Quang Thiều trả lời rằng ông cũng không biết vì nó vẫn chưa kết thúc. Ông đưa cho tôi xem bản thảo và trong bản thảo đó sửa chữa rất nhiều bằng mực đen và ông nói rằng mình đang gặp khó khăn khi viết trường ca này. Tôi cố dịch một phần bài thơ ra tiếng Anh nhưng nó cứ bị trôi, trượt đi. Phần tiếng Việt dường như hơi gấp gáp và tôi cảm thấy bị áp đảo bởi những hình ảnh trái ngược một cách lạ lùng. Tôi nhờ Thiều giúp và chúng tôi ngồi dịch vài trang đầu sang một bản tiếng Anh nháp. Những thứ bắt đầu hiện ra khiến tôi choáng váng bởi sức mạnh tuyệt đối và năng lực sáng tạo. Tôi chăm chú nhìn Thiều mà ông không hề bối rối trước sự nhiệt tình của tôi. Tôi bảo Thiều dừng lại một lúc và xem những gì ông đã viết, dù chỉ là một đoạn dịch nháp, nhưng đã thể hiện là một trong những tác phẩm thơ nguyên tác và hấp dẫn nhất mà tôi đã từng đọc. Đó là bước đầu của cuộc phiêu lưu kéo dài 6 năm tìm kiếm phiên bản tiếng Anh tốt nhất cho trường ca dồi dào ý tưởng và vô cùng sắc bén, mà ít nhất có thể gần với sức mạnh và trí tưởng tượng vô biên của bản gốc".

Nguyệt Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/ra-mat-truong-ca-lo-mo-va-bo-tranh-nguyen-cau-cua-nha-tho-nguyen-quang-thieu-i759202/
Zalo