Ra mắt tổ hỗ trợ chuyển dịch năng lượng sạch tại Việt Nam

Bằng cách kết nối các bên liên quan chính, GEAPP mang đến chuyên môn kỹ thuật nhằm giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo và tăng cường độ ổn định của lưới điện.

Hoạt động tư vấn tổ chuyên trách sẽ tập trung vào một số lĩnh vực chiến lược quan trọng nhằm tạo điều kiện triển khai Hệ thống pin lưu trữ năng lượng quy mô lớn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hoạt động tư vấn tổ chuyên trách sẽ tập trung vào một số lĩnh vực chiến lược quan trọng nhằm tạo điều kiện triển khai Hệ thống pin lưu trữ năng lượng quy mô lớn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 9/4, Cục Điện lực (Bộ Công Thương) phối hợp với Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG), dưới sự hỗ trợ của Liên minh Năng lượng Toàn cầu vì Con người và Hành tinh (GEAPP), đã chính thức ra mắt Tổ chuyên trách Hệ thống Pin lưu trữ Năng lượng (Tổ chuyên trách BESS). Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam nhằm tích hợp năng lượng tái tạo và tăng cường tính bền bỉ của lưới điện theo Quy hoạch điện VIII (PDP8).

Là cơ sở hạ tầng thiết yếu của hệ thống điện, pin lưu trữ mang lại nhiều lợi ích chiến lược như tích hợp năng lượng tái tạo, tăng cường sự ổn định của lưới điện, khả năng điều chỉnh tần số và tiết giảm công suất đỉnh. Tham vọng năng lượng sạch của Việt Nam đã được nâng lên đáng kể trong bản dự thảo sửa đổi của PDP8, với đề xuất công suất lưu trữ bằng pin đạt từ 10.000 đến 16.300 MW vào năm 2030 - một nỗ lực mang tính đột phá nhằm tăng cường an ninh năng lượng và phát triển bền vững cho đất nước.

"Việc thành lập Tổ chuyên trách BESS thể hiện cam kết vững chắc của GEAPP trong việc hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng," bà Kitty Bu, Phó Chủ tịch khu vực Đông Nam Á của GEAPP cho biết.

 GEAPP mang đến chuyên môn kỹ thuật nhằm giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo và tăng cường độ ổn định của lưới điện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

GEAPP mang đến chuyên môn kỹ thuật nhằm giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo và tăng cường độ ổn định của lưới điện. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hoạt động dưới sự điều phối của Nhóm Công tác Kỹ thuật 3 (TWG3) về Tích hợp Lưới điện và Hạ tầng Lưới điện thuộc VEPG), tổ chuyên trách này quy tụ đại diện từ nhiều bên liên quan, bao gồm các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp điện lực và viện nghiên cứu cấp quốc gia, các tổ chức phát triển quốc tế và các đại sứ quán. Dưới sự hỗ trợ của GEAPP, nền tảng hợp tác này sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách, đồng thời tháo gỡ các rào cản trong triển khai Hệ thống pin lưu trữ, phù hợp với các ưu tiên năng lượng của Việt Nam.

Tại sự kiện khởi động tổ chuyên trách, các bên liên quan cùng nhau chia sẻ góc nhìn và thống nhất những ưu tiên thúc đẩy việc triển khai Hệ thống BESS, đồng thời thảo luận những cơ hội và thách thức liên quan đến khung chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật và mức độ sẵn sàng đầu tư, qua đó tái củng cố cam kết chung thúc đẩy BESS trở thành một yếu tố then chốt trong quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch của Việt Nam.

Hoạt động tư vấn tổ chuyên trách sẽ tập trung vào một số lĩnh vực chiến lược quan trọng nhằm tạo điều kiện triển khai Hệ thống pin lưu trữ năng lượng quy mô lớn, bao gồm: hoàn thiện khung chính sách và quy định pháp lý, xây dựng cơ chế tài chính phù hợp, hội nhập vào thị trường điện lực, phát triển tiêu chuẩn kỹ thuật, mô hình kinh doanh khả thi, nâng cao năng lực và đảm bảo đồng bộ với các mục tiêu năng lượng quốc gia.

Thông qua hợp tác liên ngành, tổ công tác BESS đặt mục tiêu trở thành nguồn lực giá trị cho ngành năng lượng Việt Nam, đóng vai trò cung cấp chuyên môn kỹ thuật hướng tới xây dựng một hệ thống điện sạch, đáng tin cậy và có chi phí hợp lý. Với sự đồng hành của các bên liên quan, quá trình hiện thực hóa các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII sẽ được thúc đẩy, đồng thời củng cố vai trò dẫn đầu của Việt Nam trong chuyển dịch năng lượng./.

GEAPP là một liên minh bao gồm các tổ chức từ thiện, chính phủ các nền kinh tế mới nổi và phát triển cùng các đối tác trong lĩnh vực công nghệ, chính sách và tài chính, hướng tới sứ mệnh chung là hỗ trợ các quốc gia thu nhập thấp và trung bình chuyển đổi sang mô hình năng lượng sạch gắn liền với tăng trưởng, thúc đẩy tiếp cận năng lượng toàn diện và tăng trưởng kinh tế bao trùm, góp phần giúp cộng đồng quốc tế đạt được các mục tiêu khí hậu cấp thiết trong thập kỷ tới.

Với sự đồng hành của các đối tác tài trợ gồm Quỹ IKEA, Quỹ Rockefeller và Bezos Earth Fund, GEAPP tập trung vào việc xây dựng môi trường thuận lợi, phát triển năng lực và điều kiện thị trường cho các giải pháp tư nhân; thúc đẩy mô hình kinh doanh mới thông qua đổi mới và khởi nghiệp; huy động nguồn vốn rủi ro cao để khuyến khích các giải pháp tư nhân; và hỗ trợ các giải pháp chuyển dịch công bằng. GEAPP đặt mục tiêu giảm 4 gigaton khí thải carbon trong tương lai, mở rộng.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ra-mat-to-ho-tro-chuyen-dich-nang-luong-sach-tai-viet-nam-post1026981.vnp
Zalo