Ra mắt tập thơ song ngữ Việt-Hàn
Chiều 14/11, tại Nhà Xuất bản Hội Nhà văn (Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam long trọng tổ chức cuộc giao lưu với các nhà văn Hàn Quốc và ra mắt tập thơ song ngữ Việt-Hàn 'Chúng ta có thể suốt đời chờ nhau'.
Những năm gần đây, sự hợp tác, trao đổi đoàn và giao lưu văn học giữa các nhà văn Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng trở nên khăng khít. Đầu năm 2024, chúng ta đã đón 16 nhà thơ Hàn Quốc sang tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long. Hôm nay, 15 nhà văn-nhà thơ Hàn Quốc đã sang thăm và làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam. Đặc biệt hơn, văn nghệ sĩ nước bạn đã mang theo một món quà ý nghĩa, đó là tập thơ song ngữ Việt-Hàn có tên: "Chúng ta có thể suốt đời chờ nhau".
Tham dự buổi giao lưu và ra mắt sách, phía Hội Nhà văn Việt Nam có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cố vấn Ban Chấp hành; các Phó Chủ tịch: nhà thơ Trần Đăng Khoa; nhà thơ Nguyễn Bình Phương; các nhà văn, nhà thơ trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, các chủ tịch Hội đồng chuyên môn, Ban chuyên môn, các lãnh đạo Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, Báo Văn Nghệ, Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống; Bảo tàng Văn học Việt Nam và các nhà văn, nhà thơ Việt Nam.
Đoàn nhà văn-nhà thơ Hàn Quốc do Giáo sư, nhà văn Bang Hyun-suk làm trưởng đoàn; nhà văn Hyun Gi-young, nguyên Viện trưởng Viện Chấn hưng Văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc, nguyên Chủ tịch Hội tác giả văn học dân tộc Hàn Quốc; cùng 13 nhà văn-nhà thơ.
Phát biểu mở đầu chương trình, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: Đối với các nhà văn Việt Nam, những người yêu Hàn Quốc, văn học nước bạn luôn được đón nhận và mang lại rất nhiều cảm xúc. Mối quan hệ Việt-Hàn nói chung và giữa các văn nghệ sĩ nói chung đều chứa đựng những giá trị tốt đẹp.
Một trong những người đầu tiên xây dựng mối quan hệ với các nhà văn Hàn Quốc chính là nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Theo thời gian, mối quan hệ hữu nghị ấy không ngừng được bồi đắp thông qua những giá trị của văn học, của tinh thần nhân văn.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều
Thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc tới các nhà văn Hàn Quốc đã luôn dành cho Việt Nam tình cảm tốt đẹp.
Giáo sư, nhà văn Bang Hyun-suk, trưởng đoàn Hàn Quốc xúc động, chia sẻ: Cách đây hàng trăm năm, các nhà trí thức của Việt Nam như Phan Bội Châu đã có tác phẩm gây tiếng vang tại Hàn Quốc.
Cách đây 30 năm, Hàn Quốc đã có Hội các tác giả trẻ muốn tìm hiểu về Việt Nam. "Tìm hiểu" mang tinh thần cởi mở, giản dị đặt nền tảng cho sự tiếp cận của các tác giả Hàn Quốc. Ông Bang Hyun-suk hồi nhớ, ngày đó, ông và các đồng nghiệp còn trẻ và luôn khao khát về những khởi đầu mới mẻ, gần gũi. Bây giờ, hoạt động của hội vẫn duy trì dù thành viên đã là thế hệ nhà văn cao tuổi và văn học Việt Nam vốn không còn xa lạ với Hàn Quốc.
Sự phát triển rực rỡ của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, trong đó có văn học luôn thu hút sự quan tâm, để lại những bài học cho các nước.
Giáo sư, nhà văn Bang Hyun-suk, trưởng đoàn nhà văn Hàn Quốc
Suốt nhiều năm qua, các nhà văn Hàn Quốc đã nỗ lực giới thiệu nhiều tác phẩm Việt Nam sang Hàn Quốc. Có thể kể tới tác phẩm của các nhà văn-nhà thơ: Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo, Nguyễn Bình Phương... và nhiều tên tuổi nổi bật của văn học Việt Nam đương đại xuất hiện trong các tuyển tập văn học. Tiểu thuyết "Mình và họ" của nhà văn Nguyễn Bình Phương là tác phẩm được chào đón, quan tâm ở Hàn Quốc.
Vừa qua, Hàn Quốc có giải Nobel văn học là niềm vinh dự và hạnh phúc lớn. Trước đó, tác phẩm của Han Kang được giới thiệu ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Sau chương trình giao lưu là lễ ra mắt tập thơ song ngữ Việt-Hàn "Chúng ta có thể suốt đời chờ nhau". Tập thơ này gồm 42 bài, giới thiệu 21 nhà thơ Việt Nam và 21 nhà thơ Hàn Quốc. Tập thơ được nhà thơ Vũ Quần Phương viết lời giới thiệu.
Các tác giả Việt Nam có thơ trong tuyển tập đa dạng về thế hệ: Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Trần Hùng, Hữu Việt, Inrasara, Trần Anh Thái, Nguyễn Bảo Chân, Phan Thị Thanh Nhàn, Đinh Thị Thu Vân, Trần Kim Hoa, Lý Hữu Lương, Đinh Thị Như Thúy, Vũ Quần Phương...
Tập thơ còn có nhiều tác phẩm của các nhà thơ uy tín của Hàn Quốc. Khép lại chương trình, các tác giả hai nước đã có phần giao lưu, đọc thơ rất thân tình, ấm áp. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến phát biểu chia sẻ kỷ niệm về các đồng nghiệp Hàn Quốc.
Các nhà thơ nước bạn đã mang đến nhiều bài thơ được trình bày trực tiếp: Kim Taesoo với "Cánh rừng ấy bây giờ"; Jang Seok Nam với "Hãy cho tôi khuôn mặt"; Son Cecilia với "Nửa gang tay"; Kim Sooyeol với "Lạp nhật". Về phía Việt Nam, các nhà thơ: Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Kim Hoa, Vĩ Hạ đã trình bày những tác phẩm của mình đầy cảm xúc.