Ra mắt sách 'Thương hiệu địa phương: Hình ảnh và bản sắc'
Ngày 20-11, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu tới độc giả cuốn sách 'Thương hiệu địa phương: Hình ảnh và bản sắc' do Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung biên soạn.
Thương hiệu địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng giá trị nhận thức về con người, sản phẩm, văn hóa, môi trường kinh doanh và các điểm thu hút du lịch. Đây không chỉ là công cụ tạo dựng hình ảnh tích cực và sự khác biệt so với các địa phương khác mà còn giúp nâng cao giá trị bản sắc văn hóa, lịch sử. Đồng thời, thương hiệu địa phương mang lại hiệu ứng tích cực đối với đầu tư và thị trường từ bên ngoài, kích thích nội lực bên trong, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế bền vững.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh khốc liệt, các địa phương phải đối mặt với thách thức thu hút nguồn nhân lực, du khách, nhà đầu tư và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Điều này đặt ra yêu cầu mỗi địa phương phải phát triển một chiến lược thương hiệu mạnh mẽ, làm nổi bật những giá trị độc đáo và khác biệt, để không chỉ cạnh tranh mà còn định vị được vai trò riêng của mình trên bản đồ kinh tế - xã hội.
Để xây dựng thương hiệu địa phương hiệu quả, cần tập trung vào các yếu tố nền tảng như: xác định tầm nhìn chiến lược rõ ràng; xây dựng chính sách minh bạch; định vị giá trị đặc trưng không trùng lặp; và phát triển hình ảnh cùng bản sắc nhất quán,... Những yếu tố này giúp thương hiệu địa phương không chỉ trở nên hấp dẫn mà còn duy trì được sự phát triển bền vững lâu dài.
Tính cấp thiết của thương hiệu địa phương
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, xây dựng thương hiệu địa phương ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu sắc. Các địa phương cần chiến lược cụ thể để thu hút nguồn lực, đồng thời đối mặt với những rào cản từ sự phân mảnh địa chính trị. Điều này đòi hỏi sự cân bằng giữa khả năng hội nhập quốc tế và duy trì bản sắc riêng.
Theo quan điểm của tác giả, có ba vấn đề cơ bản đặt ra cho mỗi vùng đất, mỗi địa phương. Thứ nhất, hình ảnh địa phương là như thế nào trong tâm trí của khách hàng mục tiêu của địa phương, hoặc trong tâm trí của từng nhóm đối tượng hữu quan tương tác với địa phương. Đồng thời, cần xem xét hình ảnh địa phương khác biệt như thế nào trên phạm vi thế giới, ngoại trừ các khác biệt đến từ vị trí địa lý.
Thứ hai, chính quyền địa phương cần xây dựng thương hiệu và hình ảnh địa phương như thế nào? Điều này đòi hỏi bản sắc và định hướng tầm nhìn về hình ảnh địa phương trong tương lai phải rõ ràng, đồng thời được chia sẻ một cách thấu đáo với tất cả các nhóm đối tượng hữu quan.
Thứ ba, ai sẽ là người đảm nhiệm công việc xây dựng thương hiệu địa phương? Mặc dù nhiều lãnh đạo và quản lý thường nhấn mạnh rằng mỗi người dân là một đại sứ xây dựng thương hiệu địa phương, để đạt thành công thực sự, các địa phương cần những người thực hiện công việc này với nguyên tắc hiệu quả và rõ ràng. Những người này phải có đủ nguồn lực, sứ mệnh và cơ chế để vận hành tốt nhất các nhiệm vụ được giao.
Xây dựng thương hiệu để tạo ra lợi ích kinh tế và phúc lợi cho người dân
Trong cuốn sách, khái niệm "địa phương" được hiểu bao gồm quốc gia, tỉnh, thành phố hoặc một vùng địa lý có biên giới và chính quyền điều hành. Tác giả tập trung vào cách tiếp cận xây dựng thương hiệu địa phương với trọng tâm là vai trò của chính quyền tỉnh và thành phố.
“Xây dựng thương hiệu địa phương với mục tiêu cuối cùng là đạt được các lợi ích kinh tế và phúc lợi cho người dân địa phương. Vì vậy, nội dung xây dựng thương hiệu phải phản ánh được tâm tư và nguyện vọng của chính người dân nơi đây,” Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung khẳng định.
Nội dung xây dựng thương hiệu cần bắt đầu từ cơ sở, lấy ý kiến người dân để chỉ ra những ước mơ và kỳ vọng của toàn dân về tương lai, về hình ảnh, về thương hiệu địa phương với tầm nhìn xa từ 50 đến 100 năm. Những câu hỏi cần được đặt ra là: “Người dân địa phương mong muốn hình ảnh địa phương sẽ như thế nào vào 50 năm hay 100 năm sau?” và “Hình ảnh này đem lại lợi ích gì cho địa phương?”
Khái niệm “người dân” trong xây dựng thương hiệu địa phương rất rộng, nên có thể sử dụng một số tiêu chí phân loại nhân khẩu để đánh giá mong muốn của từng nhóm người. Các nhóm được xem xét bao gồm: doanh nhân, người lao động làm thuê, người thu nhập thấp, tầng lớp trung lưu, và các công chức, viên chức. Một số nhóm khác cũng có thể được liệt kê, nhưng không phải tất cả đều có tác động quyết định đến xu thế vận động của xã hội.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho nhà hoạch định chính sách, cán bộ quản lý nhà nước và các giảng viên. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng mà cuốn sách hướng đến, theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, chính là xây dựng thương hiệu để mang lại lợi ích kinh tế và phúc lợi cho chính người dân địa phương.
Cuốn sách dày 265 trang, được chia thành sáu chương, tập trung làm rõ các nội dung liên quan đến xây dựng hình ảnh và bản sắc địa phương:
Chương I: Thách thức xây dựng thương hiệu địa phương. Tác giả phân tích các vấn đề toàn cầu hóa, địa lý - kinh tế - chính trị, nâng cao đời sống dân cư, và thách thức tại Việt Nam.
Chương II: Kinh nghiệm từ các địa phương. Các bài học thực tế từ Thâm Quyến (Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc), Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, và Đà Nẵng.
Chương III: Lược sử xây dựng thương hiệu địa phương. Lịch sử hình thành khái niệm này qua các giai đoạn.
Chương IV: Hình ảnh và bản sắc thương hiệu địa phương. Nhận diện và xây dựng giá trị cốt lõi.
Chương V: Mô hình và nội dung xây dựng thương hiệu. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng, mô hình thực thi và chiến lược phù hợp.
Chương VI: Chủ thể và quá trình xây dựng thương hiệu. Tác giả đề cập vai trò của chính quyền, tổ chức triển khai và các gợi ý chính sách thực tế.