Cựu quan chức IMF thúc giục các quốc gia kiểm soát nợ
Ông Raghuram Rajan, người từng là nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cảnh báo các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, không thể để nợ công tiếp tục gia tăng.
Ông Raghuram Rajan, người từng là nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cảnh báo các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, không thể để nợ công tiếp tục gia tăng trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nguy cơ xảy ra nhiều đại dịch hơn trong tương lai.
Phát biểu với các phóng viên tại Rome, ông Rajan, cựu Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI tức ngân hàng trung ương), cho rằng những quốc gia tiếp tục gia tăng vay nợ sẽ dễ gặp rủi ro khi những tình huống khẩn cấp xảy ra tiếp theo.
Ông Rajan nhắc lại rằng thế giới vừa trải qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch COVID-19. Ông cũng cho biết, nhiều người dự đoán rằng các đại dịch sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong thế kỷ tới, và vì vậy, các quốc gia không nên tiếp tục tích tụ nợ.
Ông Rajan khẳng định lời cảnh báo này đặc biệt phù hợp với Mỹ, nơi mà theo các dự báo của IMF công bố vào tháng trước, mức nợ công sẽ tiếp tục gia tăng. Hiện tại, ông Donald Trump đang xem xét việc bổ nhiệm người phụ trách về nợ công khi ông nhậm chức vào đầu năm tới.
Ông Rajan nhấn mạnh các nước không nên hài lòng với mức nợ hiện tại vì khối nợ này sẽ trở thành một điểm yếu. Ông Rajan, hiện là Giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, khẳng định rằng đây là một thông điệp quan trọng đối với Mỹ.
Ngày 24/10 tại hội nghị thường niên IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo kinh tế thế giới đang có nguy cơ mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng chậm, nợ cao, đồng nghĩa với thu nhập thấp hơn và ít việc làm hơn. Theo IMF, nhiều nước đang phải chật vật xử lý các khoản nợ vốn phát sinh để đối phó với đại dịch COVID-19. IMF dự báo nợ công trên toàn thế giới sẽ lên tới 100.000 tỷ USD trong năm nay, tương đương 93% GDP toàn cầu và có thể tăng lên 100% GDP vào năm 2030.
Mặc dù lạm phát đang giảm tốc và lãi suất giảm tạo cơ hội cho các chính phủ cải thiện tài khóa, IMF cho rằng các quốc gia vẫn đang thiếu sự khẩn trương để thực hiện các biện pháp cần thiết.
Ông Rajan cho rằng các quốc gia cần phải giảm nợ để có thể ứng phó với các tình huống khẩn cấp và không nên xem nhẹ các nguy cơ liên quan đến nợ công. Ông cũng chỉ ra rằng mức nợ cao làm cho các quốc gia khó có thể hỗ trợ lẫn nhau và tạo ra thêm một điểm yếu cho toàn cầu.
Ông Rajan đã có bài phát biểu trong khuôn khổ lễ trao giải Bancor hàng năm tại Rome, nơi ông trình bày về sự cần thiết phải bảo vệ tương lai trước một thế giới đang bị phân mảnh. Trong bài phát biểu của mình, ông đề xuất cải cách các tổ chức đa phương, mở rộng các lĩnh vực thương mại mới như thương mại dịch vụ và hành động khí hậu giữa các quốc gia sẵn sàng tham gia.