Ra mắt mô hình 'Phụ nữ tham gia xây dựng khu di tích lịch sử kiểu mẫu' tại chùa Đậu

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thường Tín (Hà Nội) vừa ra mắt mô hình 'Phụ nữ tham gia xây dựng khu di tích lịch sử kiểu mẫu' thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng tại chùa Đậu, xã Nguyễn Trãi. Hoạt động nhằm phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Hội Phụ nữ trong tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến cộng đồng.

Chùa Đậu là công trình tâm linh đồ sộ, tráng lệ

Chùa Đậu là công trình tâm linh đồ sộ, tráng lệ

Mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng khu di tích lịch sử kiểu mẫu” thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng tại chùa Đậu, xã Nguyễn Trãi gồm 30 thành viên, có nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về giá trị văn hóa, lịch sử của di tích chùa Đậu. Các thành viên cũng hướng dẫn khách tham quan và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, nội quy hoạt động của di tích; tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ, nhân dân, du khách về quy tắc ứng xử nơi công cộng của UBND TP Hà Nội.

Chùa Đậu được xây dựng từ thời Sỹ Nhiếp (Sỹ Vương) từ thế kỷ thứ III (cách đây gần 2.000 năm). Chùa có 5 tên gọi: Thành Đạo Tự, Pháp Vũ Tự, chùa Vua, chùa Bà, chùa Đậu. Chùa đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1964. Đặc biệt, tại đây thờ và lưu giữ tượng thiền táng toàn thân xá lợi gần 400 năm của 2 vị thiền sư đắc đạo là Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia từ năm 2016.

Chùa Đậu là công trình tâm linh đồ sộ, tráng lệ, gồm nhiều hạng mục. Trước tiên là tam quan - gác chuông 2 tầng 8 mái, tiếp theo là các hạng mục như sân chùa, tả vu, hữu vu, tiền đường, hành lang tả hữu, ở giữa chùa là đại điện tam bảo, khép kín khuôn viên nội tự là nhà thờ tổ. Tại tiền đường, đại điện tam bảo, nhà thờ tổ có số lượng chạm khắc gỗ rất lớn và phong phú gồm rồng, phượng, chim, thú, vân mây, hoa lá. Nhà tiền đường còn chạm khắc những bức hình tiên nữ đầu người mình chim và những chàng trai dũng mãnh cưỡi rồng đánh hổ rất tinh xảo. Tại chùa còn rất nhiều di vật, cổ vật vô giá đã có hàng trăm, hàng nghìn năm tuổi như rồng đá thời Trần, sách đồng, các văn bia bằng đá, chuông… Hàng năm, tại 3 ngày hội chùa Đậu (từ ngày 8 - 10 tháng Giêng) và các ngày trong năm, chùa Đậu đã đón hàng chục nghìn khách thập phương.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ra-mat-mo-hinh-phu-nu-tham-gia-xay-dung-khu-di-tich-lich-su-kieu-mau-tai-chua-dau-post582810.antd
Zalo