Áo dài Huế trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL, nghệ thuật may, mặc áo dài Huế đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trình diễn áo dài Huế trong chương trình “Áo dài Huế - Chuyện kể từ dòng sông”. (Ảnh: CÔNG HẬU - BẢO MINH - LÊ CƯỜNG)

Trình diễn áo dài Huế trong chương trình “Áo dài Huế - Chuyện kể từ dòng sông”. (Ảnh: CÔNG HẬU - BẢO MINH - LÊ CƯỜNG)

Theo Quyết định do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ký, nghệ thuật may, mặc áo dài Huế (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Tri thức dân gian.

Thành phố Huế không chỉ là một địa danh di sản với nhiều điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng, mà còn được biết đến và yêu thích nhiều bởi những tà áo dài, được tạo ra bởi nhiều nghệ nhân lành nghề. Áo dài Huế không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị bản sắc văn hóa Huế.

Áo dài còn thu hút và trở thành phong trào của đông đảo các bạn trẻ, tạo nên những trào lưu hướng về những giá trị cổ truyền, giá trị văn hóa dân gian…

Ở Huế, nhiều năm nay, phong trào gìn giữ và phục áo dài truyền thống đang được đẩy mạnh. Nhiều phong trào cổ vũ mặc áo dài trong cộng đồng, trong công sở đã được phát động. Năm 2023, Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” chính thức được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 678/QĐ-UBND. Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án này là bảo tồn và phát huy giá trị tri thức may, mặc áo dài Huế. Đây là tiền đề để triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tôn vinh áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định áo dài Huế trong cộng đồng quốc tế, hướng đến phát triển thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài.

Trong du lịch, may áo dài nhanh, lấy ngay tại Huế là một trong những dịch vụ rất được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.

LINH KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ao-dai-hue-tro-thanh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post823898.html
Zalo