Ra mắt bộ tác phẩm gốm và đất nung mang cảm hứng đồng quê

Trong những ngày đầu tháng 4, họa sĩ Nguyễn Thị Thu Trang (Hà Nội) đã giới thiệu tới công chúng bộ sưu tập gốm và đất nung mang cảm hứng từ thiên nhiên và đời sống đồng quê. Mỗi tác phẩm đều mang đến vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, đánh thức ký ức tuổi thơ và bồi đắp tình yêu quê hương qua nhiều thế hệ.

Họa sĩ Nguyễn Thị Thu Trang miệt mài bên các tác phẩm.

Họa sĩ Nguyễn Thị Thu Trang miệt mài bên các tác phẩm.

Trong bộ sưu tập gốm và đất nung của họa sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, từ hình tượng con người trong các trạng thái sống thường ngày của cụ già, người mẹ, trẻ mục đồng, em bé... cho đến những hình ảnh gần gũi, như hoa sen, trâu, cóc..., tất cả đều được thể hiện một cách gần gũi, thân thuộc mà cũng đầy chất thơ.

Vốn là họa sĩ được biết đến với những tác phẩm mang tính biểu tượng sâu sắc, Nguyễn Thị Thu Trang luôn tìm cách kết nối giữa nghệ thuật và những giá trị truyền thống. Bộ sưu tập lần này là sự kết hợp giữa kỹ thuật điêu khắc gốm cổ truyền với nhịp sáng tạo nghệ thuật hiện đại.

Tác phẩm "Thanh bình", chất liệu đất nung.

Tác phẩm "Thanh bình", chất liệu đất nung.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Đông Anh, Hà Nội, yêu tha thiết vẻ đẹp sinh thái mát lành, xanh trong vùng ven đô, cảm hứng lớn nhất với chị chính là những hình ảnh gần gũi trong đời sống của người nông dân, từ những nhân vật, hình ảnh tự nhiên cho đến cỏ cây, hoa lá, sinh vật quanh mình.

"Giỏ hoa sen", chất liệu đất nung.

"Giỏ hoa sen", chất liệu đất nung.

Trong bộ sưu tập lần này, họa sĩ Nguyễn Thị Thu Trang tập trung khắc họa nhiều khía cạnh tâm hồn, cảm xúc của con người qua những tác phẩm mang tính hình tượng cao.

Cũng như chuỗi sản phẩm gốm và đất nung đã ra mắt trước đây, tác phẩm mới nhất tiếp nối để hướng tới sự tinh tế trong cách thể hiện các chi tiết, làm nổi bật những giá trị văn hóa dân gian, đồng thời gửi gắm vào đó những thông điệp sâu sắc về tình yêu quê hương, cuộc sống bình dị mà đầy sức sống.

"Là một người con của Hà Nội, sinh ra ở vùng ven đô, tôi luôn cảm nhận được sự gắn bó sâu sắc với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Càng những giá trị giản dị, càng đong đầy cảm xúc với chúng ta. Bộ sưu tập này chính là hành trình trở về với những ký ức tuổi thơ, với những hình ảnh thân thuộc quanh ta", họa sĩ Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.

Là một người con của Hà Nội, sinh ra ở vùng ven đô, tôi luôn cảm nhận được sự gắn bó sâu sắc với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Càng những giá trị giản dị, càng đong đầy cảm xúc với chúng ta. Bộ sưu tập này chính là hành trình trở về với những ký ức tuổi thơ, với những hình ảnh thân thuộc quanh ta.

Họa sĩ Nguyễn Thị Thu Trang

Bộ sưu tập được chia thành nhiều nhóm tác phẩm, mỗi nhóm đều mang trong mình một câu chuyện, một hình ảnh đặc trưng của quê hương.

Hình ảnh con người được nữ họa sĩ khai thác một cách uyển chuyển, tình cảm. Những tác phẩm về cụ già, người mẹ hay em bé không dừng lại ở việc mô tả hình dáng, mà còn khắc họa được tình cảm, tâm trạng và những giá trị nhân văn sâu sắc.

"Bình con dê", chất liệu đất nung.

"Bình con dê", chất liệu đất nung.

Tình mẫu tử, tình người được chị thể hiện qua những đường nét mềm mại, đầy sự hy sinh và tình yêu thương vô bờ bến. Những em bé trong bộ tác phẩm lại mang đậm nét ngây thơ, trong sáng, là niềm hy vọng thuộc về tương lai.

Mỗi tác phẩm đều khiến người xem cảm nhận được sự ấm áp, tình cảm gia đình đậm đà của người dân quê. Đặc biệt, các tác phẩm còn mang lại cảm giác bình yên, nhẹ nhàng như chính cuộc sống nơi thôn dã - không gian con người gắn bó mật thiết với nhau qua những mối quan hệ "tối lửa tắt đèn có nhau".

"Sum vầy", chất liệu đất nung.

"Sum vầy", chất liệu đất nung.

Bên cạnh hình tượng con người, họa sĩ còn khắc họa những hình ảnh đặc trưng của thiên nhiên và cuộc sống làng quê. Đó có thể là nét mơ mộng của những cậu bé chăn trâu, thể hiện sự trong sáng, hồn nhiên của tuổi thơ.

Mỗi tác phẩm về mục đồng đều chứa đựng câu chuyện thủ thỉ, tâm tình, đặc biệt sinh động về tình yêu với cỏ cây, đất trời và những khoảnh khắc bình dị nhất của cuộc sống.

"Chum cóc vàng", chất liệu gốm Phù Lãng.

"Chum cóc vàng", chất liệu gốm Phù Lãng.

Hoa sen là một trong những hình ảnh rất đặc trưng trong nghệ thuật Việt Nam, gắn liền với những đầm sen thanh khiết, là hình ảnh của sự thuần khiết, bình yên, đồng thời cũng là biểu tượng của sự kiên cường.

Trong bộ sưu tập này, họa sĩ đã khéo léo đưa sen vào tác phẩm gốm của mình, không chỉ để thể hiện vẻ đẹp tự nhiên mà còn gửi gắm thông điệp về sự kiên trì, bất khuất trong cuộc sống con người.

"Khi tương tác với gốm và đất nung, tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp của chất liệu. Nó giống như cách mà chúng ta sống mộc mạc mà đầy kiên cường. Tôi hy vọng người xem có thể cảm nhận được sự yên bình, chân chất của cuộc sống qua từng sắc mầu, đường nét để gắn bó hơn với thiên nhiên, cũng là tìm thấy một phần hình ảnh mình trong đó", họa sĩ Nguyễn Thị Thu Trang cho biết.

Khi tương tác với gốm và đất nung, tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp của chất liệu. Nó giống như cách mà chúng ta sống mộc mạc mà đầy kiên cường. Tôi hy vọng người xem có thể cảm nhận được sự yên bình, chân chất của cuộc sống qua từng sắc mầu, đường nét để gắn bó hơn với thiên nhiên, cũng là tìm thấy một phần hình ảnh mình trong đó.

Họa sĩ Nguyễn Thị Thu Trang

Hình ảnh con cóc lại mang đến một cảm giác dân dã, gần gũi, gắn liền với những buổi chiều hè oi ả, hay những đêm trăng sáng. Cóc là loài vật dân gian gắn liền với tín ngưỡng và sự linh thiêng.

"Đèn hoa sen", chất liệu gốm Phù Lãng.

"Đèn hoa sen", chất liệu gốm Phù Lãng.

Nổi bật trong bộ sưu tập này là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa các kỹ thuật truyền thống và phương pháp sáng tạo hiện đại.

Gốm đất nung là chất liệu lâu đời trong nghệ thuật điêu khắc Việt Nam, và khi được sử dụng bởi họa sĩ Thu Trang, nó không chỉ giữ được những giá trị nghệ thuật của nền văn hóa truyền thống, mà còn là phương tiện để thể hiện những ý tưởng hiện đại, mới mẻ.

"Trầm ngâm", chất liệu gốm men Bát Tràng.

"Trầm ngâm", chất liệu gốm men Bát Tràng.

Kỹ thuật điêu khắc gốm của họa sĩ vững về tạo hình, đồng thời cũng thể hiện mạnh cảm xúc, sự sáng tạo, và cách nhìn nhận thế giới qua con mắt của một nghệ sĩ đương đại.

Nữ họa sĩ đã khéo léo tạo ra những chi tiết tinh xảo, sự hòa hợp giữa hình khối và không gian, đồng thời sử dụng các kỹ thuật tạo màu để làm nổi bật vẻ đẹp tự nhiên của đất nung.

Họa sĩ Nguyễn Thị Thu Trang đã tiếp xúc và ứng dụng nhiều loại gốm, như: Phù Lãng, Bát Tràng trong bộ sưu tập của mình, nhằm kết hợp vẻ đẹp truyền thống với kỹ thuật đương đại. Các dòng gốm cổ có bề dày lịch sử mang đến hơi thở dân gian và hài hòa trong cái nhìn mới mẻ, đầy sức sống.

"Đèn lá sen", chất liệu đất nung.

"Đèn lá sen", chất liệu đất nung.

Mỗi tác phẩm trong bộ sưu tập đều mang đến sự chuyển động nhất định, giúp người xem cảm nhận được sự sống động của từng hình ảnh.

Đặc biệt, cách thể hiện chất liệu đất nung cũng mang đến một cảm giác gần gũi, ấm áp, tựa như chính những gì mà các nhân vật trong tác phẩm đang truyền tải.

"Ru con", chất liệu gốm Bát Tràng.

"Ru con", chất liệu gốm Bát Tràng.

Bộ sưu tập gốm và đất nung mang hơi thở đồng nội của họa sĩ Nguyễn Thị Thu Trang vừa là những tác phẩm nghệ thuật đẹp, vừa chuyển tải thông điệp ân tình về tình yêu quê hương, tình cảm gia đình, tinh thần gắn bó của con người với thiên nhiên.

Qua mỗi hình ảnh, tác phẩm, họa sĩ muốn gửi gắm đến người xem những giá trị của cuộc sống bình dị nhưng đầy ý nghĩa.

"Ước mơ hoa", chất liệu đất nung.

"Ước mơ hoa", chất liệu đất nung.

Trong một thời đại ngày càng đô thị hóa, nơi mà cuộc sống nhanh chóng thay đổi, những hình ảnh đồng quê dần trở thành một phần ký ức xa xôi.

Tuy nhiên, với bộ sưu tập này, họa sĩ Nguyễn Thị Thu Trang đã góp một tiếng nói, một quan điểm trong bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ấy, đồng thời khơi gợi trong mỗi chúng ta những tình cảm, ký ức gắn liền với tuổi thơ và quê hương.

"Sự sinh tồn", chất liệu đất nung.

"Sự sinh tồn", chất liệu đất nung.

Cũng như nhiều nghệ sĩ khác, họa sĩ Nguyễn Thị Thu Trang đã đóng góp những nỗ lực riêng trong hành trình tìm lại với những giá trị xưa, đánh dấu sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa những hình ảnh quen thuộc của quê hương và một cách nhìn nhận nghệ thuật đầy sáng tạo.

Nhờ đó, những tác phẩm vừa mang lại cho người xem những giây phút thư giãn, chiêm ngưỡng về thẩm mỹ, vừa như lời nhắc nhở về sự quan trọng của việc bảo tồn và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, cũng như tình yêu thương đối với cuộc sống giản dị, mộc mạc của quê hương.

MAI LỮ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ra-mat-bo-tac-pham-gom-va-dat-nung-mang-cam-hung-dong-que-post870753.html
Zalo