Hấp dẫn Điểm đến gốm Biên Hòa - con đường di sản

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã xây dựng Điểm đến gốm Biên Hòa - con đường di sản.

Sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai trải nghiệm Điểm đến gốm Biên Hòa - con đường di sản tại trường. Ảnh: L.Na

Sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai trải nghiệm Điểm đến gốm Biên Hòa - con đường di sản tại trường. Ảnh: L.Na

Không chỉ là nơi lưu giữ tinh hoa của đất, nước và lửa, Điểm đến gốm Biên Hòa - con đường di sản còn là minh chứng cho một hành trình bảo tồn, phát triển nghề gốm truyền thống đầy tâm huyết và khát vọng hội nhập. Qua đó, tạo điểm nhấn văn hóa, thu hút sự quan tâm của người dân và du khách.

Bức tranh di sản sống động

Điểm đến gốm Biên Hòa - con đường di sản được triển khai trên diện tích gần 1 ngàn m² trong khuôn viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Không gian này như một bảo tàng mở ngoài trời, được thiết kế để tái hiện sinh động quá trình hình thành và phát triển của nghề gốm truyền thống tại Nam Bộ, mà nổi bật là dòng gốm Biên Hòa - Đồng Nai xuất hiện từ xưa cho đến nay.

Tiến sĩ Trương Đức Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, cho biết Điểm đến gốm Biên Hòa - con đường di sản tại trường được chia thành nhiều khu vực, mỗi khu trưng bày các tác phẩm gốm tiêu biểu theo từng giai đoạn lịch sử. Người dân và du khách có thể trải nghiệm, chiêm ngưỡng những sản phẩm gốm cổ, các tác phẩm nghệ thuật đương đại và tham gia vào các hoạt động trải nghiệm làm gốm truyền thống.

Điểm đến gốm Biên Hòa - con đường di sản tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã và đang giới thiệu không gian của gốm Biên Hòa với những mẫu mới, có kiểu dáng giao thoa kết hợp tân cổ điển và hiện đại. Sự kết hợp hài hòa giữa gốm nghệ thuật và gốm tiêu dùng cùng màu sắc rực rỡ, được chạm, khắc, tô men… tạo điểm nhấn riêng có của gốm Biên Hòa - Đồng Nai.

Ngay từ cổng vào Điểm đến gốm Biên Hòa - con đường di sản, bức tranh bích họa dài 75m đã mô tả nghề gốm xưa, từ những chiếc xe thô sơ, các lò nung củi truyền thống, cho đến hình ảnh các làng nghề một thời. Xen kẽ là các cụm tượng nghệ thuật ngoài trời, hay biểu tượng của những vùng đất gốm nổi tiếng: Trường Dạy nghề Biên Hòa sau đó đổi tên thành Trường Mỹ nghệ bản xứ Biên Hòa (nay là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai), Bát Tràng (Hà Nội), Bàu Trúc (Ninh Thuận)… Tất cả hòa quyện thành một bức tranh di sản sống động, kết nối đất nước, quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tham gia thực hiện Điểm đến gốm Biên Hòa - con đường di sản, họa sĩ Nguyễn Quốc Trọng, cựu sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, cho biết anh đảm nhận 5 hạng mục chính trong công trình nghệ thuật này gồm: cổng chào, mô hình lò gốm truyền thống, gốm làng quê, thác nước gốm và giếng trời. Thông qua các tác phẩm, anh mong muốn góp phần giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa đặc sắc của gốm Biên Hòa đến với công chúng, nhất là với những người trẻ.

Nơi nghệ thuật và trải nghiệm thăng hoa

Con đường di sản không dừng lại ở việc trưng bày, giới thiệu các hiện vật gốm, mà Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai còn dành hơn 400m² Điểm đến gốm Biên Hòa - con đường di sản làm không gian thực hành để phục vụ học sinh, sinh viên và công chúng yêu gốm. Tại đây, người dân và du khách tham gia có thể trực tiếp xoay gốm, nặn gốm, tô men, nung sản phẩm - trải nghiệm trọn vẹn hành trình “thổi hồn cho đất”.

Đặc biệt, các bộ sưu tập đến từ gốm Bát Tràng, Bàu Trúc và Biên Hòa hiện diện như những trang sử sống động kể lại sự đa dạng, độc đáo trong văn hóa gốm của người Việt. Từ những biểu tượng dân gian như Chí Phèo, Thị Nở, đến hình ảnh múa Apsara, cầu Long Biên hơn trăm tuổi hay Vườn quốc gia Cát Tiên, thác mơ và Bửu Long… Các giá trị văn hóa được thầy và trò Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai thiết kế, thi công chỉ trong 20 ngày, “gói ghém” tài tình trong từng thớ đất, nét men.

Tiến sĩ Trương Đức Cường bày tỏ kỳ vọng trong tương lai không xa, người dân Biên Hòa - Đồng Nai sẽ tự hào vì đã tìm ra những giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế nguy cơ mai một của nghề gốm truyền thống. Trách nhiệm lớn lao ấy đặt lên vai thế hệ hôm nay, những người có sứ mệnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản, biến di sản thành tài sản riêng có của vùng đất Nam Bộ nói chung, Đồng Nai nói riêng. Hành trình của niềm hy vọng và khát vọng ấy đang được hiện thực hóa qua Điểm đến gốm Biên Hòa - con đường di sản, góp phần kết nối với ngành công nghiệp không khói và mở ra cơ hội để nghề gốm ngày càng phát triển trên trường quốc tế.

“Không gian trải nghiệm mới Điểm đến gốm Biên Hòa - con đường di sản được xem là nơi ươm mầm cho nghề gốm tiếp tục phát huy và phát triển theo chủ trương của Đảng “văn hóa còn là dân tộc còn”. Bản sắc văn hóa của làng nghề gốm truyền thống chính là nguồn cảm hứng để những người yêu gốm, đam mê nghệ thuật có thể thỏa sức thể hiện mình. Nghề gốm Biên Hòa không chỉ là một di sản, mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển mang dấu ấn riêng của khu vực Nam Bộ - nơi chúng ta đã và đang coi trọng, đặt nghề gốm đúng vị trí xứng đáng trong dòng chảy di sản văn hóa” - tiến sĩ Trương Đức Cường nhấn mạnh.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202504/hap-dan-diem-den-gom-bien-hoa-con-duong-di-san-545230b/
Zalo