Ra mắt bộ sách Những tác phẩm khảo cứu của Nguyễn Văn Hầu
Bộ sách khảo cứu của tác giả Nguyễn Văn Hầu sẽ đưa bạn đi tìm hiểu về những con người đã góp phần khai hoang mở đất, về những phẩm chất truyền thống của người Việt, về văn hóa tín ngưỡng, về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Với lối viết giản dị, gần gũi và chân tình, Nguyễn Văn Hầu muốn thông qua tác phẩm truyền cho hậu thế tình yêu quê hương, đất nước, và những bài học quý giá để đưa đất nước phát triển hưng thịnh. Chính vì thế mà tuy đã ra đời cách đây nhiều thập kỷ, các tác phẩm của ông vẫn có giá trị đến ngày nay, đặc biệt là với bạn đọc trẻ.

Bộ sách Những tác phẩm khảo cứu của Nguyễn Văn Hầu. Ảnh: NXB Trẻ
Nguyễn Văn Hầu đã viết đầy tâm huyết: “Chúng ta, những con người đóng trò cho lịch sử thế hệ, những con người đang làm sử, phải góp làm cái gì, phải góp nghĩ cái gì để vun đắp thành con đường sáng, để thúc đẩy nên bước đi nhanh.” Và để làm được điều đó, chúng ta cần phải không ngừng học hỏi và chọn lọc trong cả cái cũ và cái mới.
Bộ sách khảo cứu này được thực hiện với nhiệt huyết mãnh liệt. Tác giả Nguyễn Văn Hầu đã tìm tòi và tham khảo rất nhiều tư liệu trong và ngoài nước, tư liệu văn bản và cả tư liệu sống từ trải nghiệm của chính mình. Ngoài ra, tác giả Nguyễn Văn Hầu cũng thể hiện thái độ khiêm tốn, tinh thần học hỏi và sự cẩn trọng khoa học. Ông nghiêm túc trong việc tra cứu tài liệu, thừa nhận những thiếu sót có thể có, và mong mỏi nhận được sự góp ý của độc giả nơi nơi.
Nhà văn Sơn Nam nhận xét trong lời nói đầu cuốn Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang: “Nguyễn Văn Hầu là nhà nghiên cứu đã khiêm tốn đi sâu vào lòng đất của vùng quê ruột thịt mà ông bà đã định cư từ trước. Nguyễn Văn Hầu đã đặt vùng đồng bằng phía Tây Nam trong trong cái nhìn của cả nước.”
Cái tâm của một nhà giáo
Nguyễn Văn Hầu (1922 - 1995) là nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử Việt Nam. Với nhiều công trình giá trị về lịch sử, văn hóa, văn học, ông được xem là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về vùng đất và con người miền Tây Nam bộ bên cạnh Sơn Nam, Vương Hồng Sển...
Xuất thân từ một gia đình Nho học ở An Giang, lớn lên ông học chữ Quốc ngữ, chữ Hán và tiếng Pháp. Truyền thống Nho học và sự gắn bó với quê hương đã hun đúc trong ông tình cảm sâu sắc và tinh thần trách nhiệm với quê hương và nguồn cội. Dù dạy học, viết báo, hay viết sách, ông luôn hướng về đất nước, về dân tộc.

Bộ sách khảo cứu này được tác giả Nguyễn Văn Hầu thực hiện với nhiệt huyết mãnh liệt. Ông đã tìm tòi và tham khảo nhiều tư liệu trong và ngoài nước, tư liệu văn bản và cả tư liệu sống từ trải nghiệm của chính mình. Ảnh: NXB Trẻ
Ông luôn tâm niệm rằng con người phải sống trách nhiệm, phải góp sức bảo vệ và xây dựng đất nước. Những cuốn sách của ông là “một đóng góp nhỏ trong những cái nghĩ, cái làm” cho công cuộc vĩ đại đó. “Không tìm đâu ở ngoài ta. Cũng không vay mượn ở xa ta.” Nguyễn Văn Hầu đúc rút từ trong chính sử Việt, truyền thống Việt, văn chương Việt để lấy ra những bài học cho người đời sau noi theo.
Thông qua những tác phẩm của mình, ông muốn truyền cho hậu thế tình yêu quê hương, đất nước và con người Việt Nam, lòng tự hào về những thành tựu của cha ông chúng ta, và những kinh nghiệm quý giá để giúp mảnh đất hình chữ S tiếp tục phát triển hưng thịnh.
Có lẽ để bạn đọc dễ cảm, dễ thấm nhuần những bài học đó, nên tất cả tác phẩm của Nguyễn Văn Hầu đều được viết bằng giọng văn rất mực mộc mạc, gần gũi, gửi gắm tình cảm tha thiết với quê hương và một ý thức trách nhiệm mãnh liệt. Do đó mà bạn đọc sẽ dễ dàng cảm nhiễm nhiệt huyết của ông.
Giới thiệu từng cuốn trong bộ sách Những tác phẩm khảo cứu của Nguyễn Văn Hầu
Bản ngã người Việt: Tác phẩm ra mắt độc giả lần đầu vào năm 1961 và vẫn còn nguyên giá trị. Tác phẩm sẽ truyền cho độc giả những cảm hứng tích cực, khuyến khích mọi người tu dưỡng và đóng góp cho xã hội, dân tộc và Tổ quốc. Trong sách, Nguyễn Văn Hậu chỉ ra sáu đức tính căn bản của người Việt: cần cù nhẫn nại, tự lập tự cường, khẳng khái, nhân hậu ôn hòa, tinh thần trào phúng, tinh thần sáng tạo. Đó là những điều ông đúc rút từ ca dao, tục ngữ, truyện kể dân gian và truyện kể lịch sử. Ngoài ra, ông còn nêu ra những quan niệm cũ và mới của dân tộc ta về mẫu người lý tưởng, so sánh với thế giới, và vạch ra con đường tu dưỡng để trở thành người như thế...
Việt sử kinh nghiệm: Được xuất bản từ năm 1957, cuốn sách vẫn còn nhiều hạn chế nhưng vẫn có giá trị cho tới hôm nay. Trong sách, tác giả Nguyễn Văn Hầu đưa ta nhìn lại cả chiều dài lịch sử dân tộc. Ông điểm lại các quốc hiệu và ý nghĩa của chúng, khái quát các đặc điểm tự nhiên và dân cư của nước ta. Đặc biệt, ông kể lại ngắn gọn tất cả những cuộc đấu tranh từ thời Bắc thuộc đến thời “Tây thuộc”, rồi rút ra những bài học kinh nghiệm về nhiều khía cạnh như văn hóa, xã hội, chính trị, quân sự… Bạn đọc sẽ được dịp nhìn lại những tiến trình lịch sử, ôn lại các sự kiện và các nhân vật lịch sử quan trọng. Cuốn sách có tính khái quát cao, là tư liệu hữu ích cho việc học lịch sử ở nhà trường.
Việt Nam tam giáo sử đại cương: Cuốn sách giúp độc giả tìm hiểu về Tam giáo - Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo, từ nguồn gốc đến quá trình du nhập và phát triển của tam giáo ở Việt Nam. Đặc biệt, quyển sách tập trung thể hiện sự tiếp biến của tam giáo và cách dân tộc ta đón nhận, biến đổi chúng cho hòa hợp với tâm tình người Việt.
Nguyễn Văn Hầu cho rằng giữa cái mới và cái cũ, cái khoa học và cái tâm linh, không có cái nào nên giữ hẳn hay bỏ hẳn. Hai phần bổ sung cho nhau, hoàn thiện con người về mặt trí tuệ và tâm hồn. Tác giả giới thiệu khái quát về khởi nguồn của tam giáo, giáo lý và học thuyết của mỗi loại. Sau đó, ông khảo về cách chúng du nhập và truyền bá đến Việt Nam, lúc thịnh lúc suy của chúng, và cách người Việt tiếp nhận chúng. Bạn đọc sẽ hiểu hơn về vai trò của các tôn giáo trong đời sống tinh thần của người Việt.
Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang: Đây là tác phẩm mà nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu đã dày công thực hiện trong nhiều năm, với nguồn tư liệu phong phú. Cuốn sách khắc họa rõ nét chân dung Thoại Ngọc Hầu, vị anh hùng dân tộc có công lao to lớn trong việc khai hoang, mở cõi và phát triển kinh tế cho vùng đất Hậu Giang.
Tác phẩm dẫn dắt người đọc qua hành trình từ cuộc đời của Thoại Ngọc hầu, từ thuở thiếu thời theo gia đình vào Nam cho đến khi trở thành vị quan tài ba, mẫn cán. Tác giả tập trung nêu rõ công lao của Thoại Ngọc Hầu trong công cuộc khai phá Hậu Giang: đào kênh Thoại Hà, Vĩnh Tế; lập làng, xóm mới; phát triển địa phương; giữ ấn Bảo hộ Cao Miên. Đồng thời, tác giả cũng nêu bật những phẩm chất tốt đẹp của Thoại Ngọc Hầu như tài trí, mưu lược, tận tụy vì dân vì nước.
Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh: Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là bậc danh tướng thời chúa Minh, đã có công lớn trong việc sắp đặt, tổ chức cai trị vùng đất Nam bộ rộng lớn. Bởi công lao này, ông đã được người dân nhiều nơi ở Nam bộ thờ cúng và những câu chuyện về ông được lưu truyền tới tận ngày nay.
Lễ Thành Hầu đã để lại những dấu ấn đậm nét ở vùng đất Long Xuyên - An Giang. Là một người con của vùng đất Long Xuyên - An Giang, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu có sự quan tâm đến lịch sử - văn hóa nơi đây, ông cũng dành sự kính trọng đặc biệt với bậc tiền nhân nên đã dồn tâm sức và trí lực để nghiên cứu và ghi chép, truyền lại cho lớp sau biết rõ thêm công ơn của người đi trước.
Trong sách, tác giả giới thiệu về Nguyễn Hữu Cảnh: dòng họ, các công lao (Nam tiến Chiêm Thành, kinh lược Đồng Nai, Nam tiến Chân Lạp), sự truy tặng của vua chúa đối với ông, và cách mà nhân dân thể hiện cảm tình với ông qua việc thờ cúng ở các đền miếu tại miền Nam, nhất là An Giang.
Nửa tháng trong miền Thất Sơn: Đây là một tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Văn Hầu, mang đến một hành trình khám phá sâu sắc và đầy mê hoặc về vùng đất Thất Sơn, một khu vực nổi tiếng với bảy ngọn núi linh thiêng nằm ở miền Tây Nam bộ.
Cuốn sách không chỉ ghi lại chi tiết những trải nghiệm cá nhân của tác giả trong suốt hai tuần đi tham quan Thất Sơn, mà còn giới thiệu một cách sinh động về văn hóa, lịch sử, và tín ngưỡng của vùng đất này. Bằng ngòi bút tinh tế của mình, Nguyễn Văn Hầu đã khắc họa nên một bức tranh phong phú về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những ngôi chùa cổ kính, và cuộc sống sinh hoạt đầy màu sắc của người dân nơi đây. Nửa tháng trong miền Thất Sơn còn chứa đựng những câu chuyện huyền bí, những truyền thuyết kỳ bí, giúp người đọc hiểu rõ hơn về những giá trị văn hóa và tinh thần của vùng đất này...
Trà My
________________
(*) Do quan điểm về lịch sử thay đổi theo thời gian và những hạn chế khác về tư liệu lúc viết sách nên một số chi tiết, góc nhìn trong những tác phẩm này có thể không thống nhất với các nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước hiện nay. Bên cạnh đó, một số từ ngữ hay tên gọi nhân vật lịch sử, địa danh... trong các tác phẩm có thể không giống với cách gọi ngày nay hoặc không còn được sử dụng. Biên tập viên giữ nguyên toàn bộ tác phẩm và chú thích một số chi tiết để bạn đọc rộng đường cân nhắc khi tham khảo, nghiên cứu.