Ra Biển Đông săn những đường bay
Giữa mênh mông Biển Đông, đường bay của cá chuồn vút lên thành vũ điệu, cú phóng mình của cá heo tinh nghịch đáng yêu, đàn ó sà xuống chớp nhoáng, thót tim... Mỗi đường bay là chuyển động của sự sống, bản năng sinh tồn nhưng cũng mang vẻ đẹp tuyệt mỹ của tự nhiên.

Cá heo trong màn "nhảy đôi" ở Trường Sa.
Muốn săn được những đường bay điệu nghệ, người chụp ảnh có khi phải ngồi lặng nhiều giờ, cả buổi trên boong tàu, chỉ để chờ một khoảnh khắc mong manh như đường bay của cá chuồn.
Không thiết bị nào đủ thông minh, hiện đại để thay thế cho cảm giác. Cái cảm giác bất chợt vút lên trong lồng ngực, dự cảm rằng nơi kia, mặt nước kia, đang chuyển mình, đang sắp cất một vũ điệu bí mật. Và rồi, "vút!" - một cánh cung mềm mại từ đáy sóng tung lên mặt biển, loang vệt nước lấp lánh như tơ bạc. Người ta không gọi là cá chuồn bơi, mà là bay!

Sự vút lên vô cùng đẹp mắt của cá chuồn.
Bản năng sinh tồn ban tặng cho loài cá chuồn bộ vây ngực như cánh chim, không phải để bay mãi, mà đôi khi chỉ đủ thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Khi hiểm nguy rình rập dưới mặt nước, thân cá nhỏ bé rung lên, quẫy vây tới 60 lần/giây, dồn lực cho cú vút mình lên không trung.
Vây cá chuồn xòe rộng, ánh lên trong cú lao nhẹ mà dứt khoát, xa tới cả trăm mét. Khi sắp chạm mặt nước, chúng lại dốc lực cuối cùng, quẫy thêm lần nữa, hy vọng nối dài đường bay thêm vài nhịp, né mình khỏi cá dữ đang chờ. Khoảnh khắc khát sống ấy đẹp đến nao lòng.

Cá chuồn có thể quẫy vây 60 lần/giây.
Nhưng mặt biển đâu phải không gian duy nhất ẩn chứa hiểm nguy. Khi cá chuồn vút lên mặt nước, ngỡ đã thoát khỏi kẻ săn mồi cũng là lúc chúng đặt mình vào tầm ngắm của mối đe dọa khác từ bầu trời: Ó biển. Loài chim săn mồi thượng thặng ấy có cặp mắt sắc như dao, khả năng định vị chuẩn xác vẫn lặng lẽ dõi khắp tầng không vời vợi.
Chỉ một cú nhào xuống như mũi tên, chớp lấy đường bay mong manh và rực rỡ của cá chuồn thì cái kết có thể khiến người săn ảnh run lên. Sự sống còn và thẩm mỹ cứ mãi đan xen, không thể tách rời.

Khi vút lên mặt nước, cá chuồn trông như một loài chim.
Giữa những cuộc săn bắt, đào thoát đầy căng thẳng, biển cả cũng không thiếu những khoảnh khắc tươi vui. Nơi đó, cá heo xuất hiện như những đứa trẻ nghịch ngợm, nhảy vọt qua ngọn sóng chỉ để vui đùa cùng sóng gió, con người. Chúng bơi thành đàn, nhịp nhàng, đôi khi áp sát mạn tàu, lượn vòng rồi bất ngờ lao vút lên như diễn viên xiếc đầy ngẫu hứng.

Cá heo "thả trôi" tự do sau những cú nhảy.
Có đôi cá heo bất ngờ vụt lên khỏi mặt nước cùng lúc như một cặp diễn viên ăn ý trên sân khấu đại dương. Chúng uốn cong thân hình cánh cung, làn da trơn bóng loáng ánh bạc. Cú nhảy đôi là bản năng, đầy phấn khích. Khi đôi cá đáp xuống, mặt nước tung bọt trắng. Chỉ một nhịp sau, chúng lại xuất hiện, sánh vai nhau lướt qua mạn tàu, để lại sau lưng làn sóng mềm như lụa.

Ó biển luôn chực chờ săn "đường bay" của cá.
Trong những chuyến đi Trường Sa, mỗi lần cá heo xuất hiện, cả boong tàu lại rộn ràng. Có kíp thủy thủ đoàn còn chu đáo, thông báo trên hệ thống loa truyền thanh: "Cá heo đang bơi gần tàu, kính mời quý đại biểu ra xem", vị trí mạn trái, mạn phải hay đuôi tàu, mũi tàu đều được thông báo cụ thể.

Màn rượt đuổi trong tích tắc.
Ai cũng hiểu, thủy thủ đoàn trên tàu luôn bận rộn với nhiều nhiệm vụ quan trọng, mặt sạm nắng, tay chai sạn... nhưng giữa guồng quay ấy, họ chưa bao giờ lơ là với những phút giây vui vẻ của hành trình. Đó là món quà tinh thần thầm lặng lính biển dành cho mọi người, để tất cả có những phút giây ngắm nhìn vẻ đẹp thuần khiết của biển Tổ quốc mình. Dạn dày sóng gió, những người lính dường như thấm thía nhất, rằng giữa chốn gian lao, đôi khi chỉ cần một đường bay của cá chuồn, một cú nhảy của cá heo cũng đủ khiến lòng người dịu lại...

Khoảnh khắc không được mong chờ.
Săn đường bay của chim, của cá trên biển không giống bất kỳ cuộc bấm máy nào trên đất liền. Không khuôn hình dàn dựng, không ánh sáng chủ động hay chủ thể đứng yên chờ. Giữa mênh mông biển trời, người cầm máy phải tự tìm những khoảnh khắc chỉ xuất hiện trong tích tắc: một cú bay của cá chuồn, một cái uốn mình của cá heo, hay bóng một con ó biển sà xuống như vệt chớp.

Ó biển săn cá chuồn trong khung cảnh hoàng hôn.
Kỹ thuật đương nhiên là điều không thể thiếu. Phải nắm chắc tốc độ, khẩu độ, tiêu cự, linh hoạt xoay máy theo từng chuyển động của sóng gió, ánh sáng, sinh vật và của cả những linh cảm rất mơ hồ. Nhưng trên tất cả, điều cần có là sự nhạy bén sâu thẳm trong trực giác.

Mũi tàu hoặc đuôi tàu là vị trí săn ảnh lý tưởng.
Đôi khi, có những ảnh đẹp không đến từ sự tính toán mà đến từ cảm nhận, cảm xúc. Với cá chuồn, chậm một phần giây là mất. Với cá heo, thiếu một góc là lỡ. Với ó biển, nếu không chọn đúng thời điểm sà xuống thì chỉ còn lại một khung trời trống lạnh. Mỗi lần bấm máy như một lần cược mình với thời gian, ánh sáng và chuyển động. Không lần nào giống lần nào, không cú chụp nào lặp lại.

Câu chuyện sinh tồn gợi nhiều suy tưởng.
Khi những bức ảnh đường bay hiện lên rõ nét, sống động, lấp lánh như một phần của biển được giữ lại, đó là lúc vỡ òa cảm giác ấy không dễ bề diễn tả. Không hẳn là niềm vui về ảnh đẹp, mà là sự thỏa mãn cho một hành trình cảm xúc đã thăng hoa và chạm tới tận cùng. Sau mỗi khuôn hình là những giờ ngồi lặng thinh, là ánh mắt căng ra giữa nắng gắt, là bàn tay bám chặt lan can tàu giữa sóng lớn và tình yêu vô hạn dành cho biển, cho sự sống hoang sơ, tự do.

Cá heo lại mang đến nhịp điệu tươi vui, ngộ nghĩnh.
Thực ra, đường bay mong manh của các loài sinh vật chỉ là một phần rất nhỏ trong bức tranh rộng lớn, sâu thẳm của hệ sinh thái biển. Dưới mặt nước thăm thẳm kia chứa đựng vô vàn sự sống đang vận hành, những mạch luân chuyển không ngơi nghỉ giữa sinh tồn và hy sinh. Đại dương ôm ấp cái hay, cái đẹp, cũng ôm ấp cả bao mất mát, lớp lớp ký ức lặng thinh về những con người đã hóa thân vào sóng nước. Có lẽ, sinh vật biển, bằng một bản năng bí ẩn nào đó, cũng cảm nhận được.

Cá heo tung mình rất uyển chuyển.
Hầu hết các hải trình đến với Trường Sa, trong khoảnh khắc tàu neo gần đảo Cô Lin để làm lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo, mọi người sẽ cảm nhận rõ hơn câu chuyện xúc động ấy. Trời chiều tím đỏ, hương hoa, hạc giấy nhẹ nhàng theo gió bay xuống mặt nước, cả con tàu lặng đi trong giây phút thiêng liêng.

Khoảnh khắc lặng lẽ mà đầy mỹ cảm của cá chuồn.
Chính khoảnh khắc này, cá chuồn không vút bay như thường lệ. Chúng kéo đàn, lượn vòng thành vệt mềm mại, vây giương rộng như hai cánh tay dịu dàng, lặng lẽ ôm lấy con tàu. Dường như biển cả cũng cúi đầu và những sinh vật bé nhỏ sống giữa bão tố cũng đang đang thay đại dương gửi đến con người một vòng tay đầy yêu thương.

Biển, đảo mang đến nhiều món quà vô giá.
Ra Biển Đông, săn những đường bay, chinh phục vẻ đẹp của tự nhiên, cũng là tìm lại chính mình trong từng cú vút lên đầy rực rỡ. Mỗi đường bay là bản năng sinh tồn mãnh liệt, là khát vọng vượt lên dù chỉ trong khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi. Điều đó khiến người chụp ảnh, người xem ảnh có thể cảm nhận sự sống ở mức sâu nhất. Mỗi đường bay nắm bắt được là một lần trái tim rung lên bởi ý nghĩa tồn tại, trong ý thức về cơ hội sống, tỏa sáng và cả hy sinh.