Quyết tâm về đích nông thôn mới
Đăng Hà là xã vùng sâu, cách trung tâm huyện Bù Đăng hơn 50km. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, những năm qua, xã Đăng Hà tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nhiều công trình dân sinh. Dự kiến cuối năm 2024, xã Đăng Hà được công nhận đạt chuẩn NTM. Từ một xã kinh tế kém phát triển, đến nay, đời sống người dân Đăng Hà đã nâng lên rõ rệt.
DIỆN MẠO NÔNG THÔN ĐỔI MỚI
Trước đây, Trường tiểu học Đăng Hà xuống cấp nghiêm trọng, vào mùa mưa, nhiều lớp học bị thấm ướt, bàn ghế, trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn. Từ năm học 2023-2024, trường được đầu tư xây dựng, trang bị nhiều đồ dùng dạy học. Đầu năm nay, trường được khởi công xây dựng các phòng hành chính, phòng hỗ trợ học tập, phòng phụ trợ và một số hạng mục khác, tổng kinh phí đầu tư 12 tỷ đồng. Đến nay, công trình đã thi công hơn 90% khối lượng. Sau khi công trình hoàn thành sẽ giúp trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Thầy Bùi Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Đăng Hà chia sẻ: “So với những ngày đầu thành lập, trường đã được đầu tư nhiều phòng học, phòng chức năng, sân chơi, tường rào ngày càng khang trang. Trong lớp học đã có màn hình kết nối wifi, phục vụ công tác giảng dạy ngày một tốt hơn”.
Dự kiến về đích NTM vào cuối năm nay, xã Đăng Hà đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS.
Trước đây, người dân thôn 3, xã Đăng Hà đi qua cây cầu tạm. Vào mùa mưa, nước suối dâng lên ngập cầu khiến việc lưu thông, vận chuyển nông sản, hàng hóa rất khó khăn. Vì đường giao thông xuống cấp, người dân làm ra nông sản thường bị thương lái ép giá. Tháng 7-2024, công trình cầu ông Thọ chính thức khởi công bắc qua suối, dài hơn 12m, tổng vốn đầu tư 8 tỷ đồng. Hiện công trình đã thi công đạt hơn 30% khối lượng. Đơn vị thi công đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để đưa công trình vào sử dụng cuối năm nay. Khi cầu ông Thọ hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho hơn 60 hộ dân sinh sống ở khu vực này lưu thông dễ dàng, đồng thời kết nối xã Đăng Hà với xã Đắk Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Từ một xã điều kiện kinh tế khó khăn, đến nay, trên địa bàn đã xây dựng nhiều công trình trường học, trạm y tế, đường nhựa, hệ thống điện, loa đài truyền thanh hiện diện từng thôn. Hơn 80% dân số đã được tiếp nhận thông tin báo, đài, internet... Thông qua tuyên truyền, người dân nắm bắt kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế. Anh Trương Văn Đạt, Trưởng thôn 3 cho biết: Những năm gần đây, được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, thôn 3 đã được đầu tư xây dựng một số tuyến đường bê tông và cầu bắc qua suối. Người dân rất phấn khởi, vì điều kiện cơ sở vật chất, đường giao thông đi lại thuận lợi, vận chuyển nông sản dễ dàng hơn.
NHIỀU TIÊU CHÍ CHƯA ĐẠT
Xuất phát điểm là xã điều kiện kinh tế khó khăn, Đăng Hà có hơn 80% dân cư làm nông nghiệp. Địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, chủ yếu sinh sống quanh các khu vực đồi dốc; hơn 74% số dân là đồng bào DTTS, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc huy động sức dân đóng góp để hoàn thành tiêu chí giao thông còn hạn chế. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã còn thấp, chỉ đạt 45 triệu đồng/năm, trong khi mục tiêu là 68 triệu đồng/năm. Trong 6 thôn của xã Đăng Hà, thôn 5 được hưởng chính sách đặc biệt khó khăn. Đây cũng là thôn tập trung phần lớn đồng bào DTTS sinh sống. Nhờ xây dựng NTM, người dân được thụ hưởng nhiều công trình dân sinh, nhất là đường bê tông.
Hiện trên địa bàn xã vẫn còn một số tuyến đường người dân đã đóng tiền đối ứng, nhưng chưa được làm vì còn chờ phân bổ xi măng. Điển hình là tuyến đường ở tổ 4, thôn 6 kết nối với ĐT755B, dài hơn 1,4km. Năm 2021, xã Đăng Hà triển khai xây dựng 1km đường bê tông, còn lại 450m đường đất dẫn vào khu dân cư 12 hộ dân chưa được làm.
Người dân cho biết, họ đóng tiền đối ứng cách đây 3 năm, đá xây dựng cũng đã được chuẩn bị từ lâu, nhưng xi măng mới được cấp về. Ông Tô Quang Sáng, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 6 cho hay: “Trước đây, khi xây dựng 1km đường bê tông, Ban điều hành thôn đã triển khai cho người dân đóng tiền đối ứng đoạn còn lại. Các hộ dân đồng thuận cao về giải phóng mặt bằng, đường mở tới đâu họ sẵn sàng hiến đất đến đó. Hơn 3 năm qua, người dân kiến nghị nhiều lần, nhưng xã trả lời chưa được phân bổ xi măng. Đầu tháng 9 năm nay, xi măng đã được cấp về. Những ngày qua, trời mưa nhiều, xi măng để giữa trời rất dễ bị hỏng. Người dân rất nóng lòng, không biết khi nào công trình sẽ được khởi công”.
“Với đặc thù của địa phương, để xây dựng các tuyến đường bê tông đến khu vực người dân sinh sống cần rất nhiều kinh phí. Khi có chủ trương làm đường, chúng tôi triển khai ngay để người dân đồng thuận đối ứng, giải phóng mặt bằng. Một số tuyến đường đăng ký đầu tư từ những năm trước chưa thực hiện được là do nguồn xi măng về chậm. Hiện nay, xã đang chờ huyện phê duyệt danh mục đầu tư các công trình. Sau khi hoàn thành thủ tục, xã sẽ thẩm định, đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công ngay”.
Phó Chủ tịch UBND xã Đăng Hà PHAN VĂN ĐIỀN
Hiện nay, xã Đăng Hà mới chỉ hoàn thành 10/19 tiêu chí NTM. Những tiêu chí còn lại chưa hoàn thành rất khó thực hiện, cần nhiều kinh phí, trong đó có giao thông. Chỉ còn 2 tháng cuối năm, trong khi các tuyến đường chưa được khởi công, liệu Đăng Hà có kịp về đích NTM vào cuối năm nay theo kế hoạch?