Quyết tâm trả lại vẻ đẹp vốn có cho dòng sông Tô Lịch

Hành trình 'hồi sinh' sông Tô Lịch đang bước vào giai đoạn mới với nhiều hy vọng. Từ việc xử lý triệt để nguồn thải đến bổ cập nước sông Hồng và chỉnh trang cảnh quan, TP Hà Nội đang triển khai một chiến lược toàn diện, quyết tâm trả lại vẻ đẹp vốn có cho dòng sông.

Một đoạn sông Tô Lịch.

Một đoạn sông Tô Lịch.

Xử lý tận gốc nguồn nước thải ô nhiễm

Một trong những "lá chắn thép" quan trọng trong nỗ lực làm sạch sông Tô Lịch là Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Giai đoạn thử nghiệm ban đầu, nhà máy vận hành với công suất từ 30.000 - 40.000m³/ngày đêm, dự kiến sẽ nâng lên 100.000m³/ngày đêm vào tháng 2/2025, đủ khả năng xử lý nước thải từ lưu vực sông Tô Lịch. Điều này giúp nâng tỷ lệ xử lý nước thải của toàn thành phố lên 40%, cải thiện đáng kể chất lượng nước của sông.

Bên cạnh đó, dự án không chỉ tập trung vào việc xử lý nước thải mà còn hướng đến cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện vệ sinh của các khu đô thị dọc sông Tô Lịch, tả ngạn sông Nhuệ và lưu vực sông Lừ. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn trong quá trình vận hành nhà máy là việc xử lý khoảng 200 tấn bùn thải mỗi ngày. Thành phố đang lên kế hoạch để đảm bảo quy trình xử lý bùn thải được thực hiện đồng bộ và không gây tác động tiêu cực đến môi trường.

Hiện vẫn còn khoảng 40 cống nhỏ chưa được thu gom nước thải, do nằm trong lưu vực của các dự án khác chưa triển khai. Để giải quyết vấn đề này, TP Hà Nội đã chỉ đạo bổ sung các cống này vào hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, nhằm đảm bảo không còn nước thải sinh hoạt xả trực tiếp xuống sông Tô Lịch. Khi nguồn nước thải được kiểm soát, thành phố sẽ triển khai kế hoạch dẫn nước từ sông Hồng vào để tăng khả năng tự làm sạch của dòng sông.

Ngày 5/2, Văn phòng UBND TP Hà Nội ban hành Thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh về phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường. Theo đó, TP giao Sở Xây dựng, Sở TN&MT cùng Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nghiên cứu, triển khai phương án lấy nước từ hồ Tây và sông Hồng, đưa vào sông Tô Lịch để tăng cường khả năng tự làm sạch của dòng sông.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, việc bổ cập nước không chỉ nhằm mục tiêu giảm ô nhiễm mà còn hướng đến phục hồi cảnh quan, tạo điều kiện cho hệ sinh thái phát triển trở lại. TP yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các bước khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng để có thể sớm triển khai trong thực tế. Đây được xem là bước đi quan trọng trong lộ trình cải thiện chất lượng nước của các con sông nội đô, giúp giảm thiểu tình trạng nước đen, bốc mùi hôi thối kéo dài nhiều năm qua.

TP Hà Nội đã vạch ra kế hoạch chi tiết để bổ cập nước cho sông Tô Lịch, với mục tiêu cải thiện chất lượng nước và cảnh quan đô thị. Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ nghiên cứu và đề xuất phương án lấy nước từ hồ Tây bổ cập cho sông Tô Lịch, thông qua hệ thống cửa điều tiết hồ Tây A - Cống Đõ - Mương Thụy Khuê khi cần thiết, nhằm duy trì mực nước sông Tô Lịch.

Dự án có tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước tháng 9/2025, sẽ bổ cập từ 240.000-270.000 m3 nước/ngày đêm, giúp nâng cao độ nước sông Tô Lịch và tăng lưu lượng nước sông.

PGS.TS Trần Đức Hạ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho rằng việc đưa nước sông Hồng vào giải cứu sông Tô Lịch là cần thiết. "Đã là sông phải có dòng chảy và biện pháp dẫn nước sông Hồng qua hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước cho sông Tô Lịch là một trong những việc làm cần thiết. Các đơn vị chức năng cũng cần phải chú ý tạo dòng chảy và tăng cường quá trình tự làm sạch trong sông về mùa khô bằng giải pháp bổ sung nước sạch, đặc biệt là mùa khô" – chuyên gia này nói.

Xử lý triệt để các nguồn thải ra sông Tô Lịch là điều kiện tiên quyết để hồi sinh dòng sông này.

Xử lý triệt để các nguồn thải ra sông Tô Lịch là điều kiện tiên quyết để hồi sinh dòng sông này.

Siết chặt chế tài và nâng cao ý thức cộng đồng

Song song với các giải pháp xử lý nước thải và bổ cập nước, TP Hà Nội cũng đẩy mạnh việc chỉnh trang đô thị ven sông. Các quận, huyện dọc hai bên bờ sông đang triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, đất thải và trồng thêm cây xanh để cải thiện cảnh quan.

Bên cạnh đó, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sông Tô Lịch cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Theo ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm con người và thiên nhiên, việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý nước thải chỉ là một phần nguyên nhân, còn một nguyên nhân lớn khác đến từ ý thức của người dân. Nếu không có sự thay đổi trong cách hành xử với môi trường, thì dù có đầu tư bao nhiêu cũng khó có thể cải thiện triệt để tình trạng ô nhiễm của dòng sông.

Một trong những biện pháp quan trọng để duy trì kết quả hồi sinh sông Tô Lịch chính là việc áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi gây ô nhiễm. Theo ông Hoàng Đình Giáp – Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Hà Nội, bên cạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thành phố cần có những biện pháp xử phạt mạnh mẽ để đảm bảo sự thay đổi trong hành vi của người dân.

Chẳng hạn, Nghị định 45/2022/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường nếu được thực thi nghiêm túc có thể giúp hạn chế tình trạng xả thải bừa bãi ra sông hồ. Nếu Hà Nội áp dụng kỷ luật xã hội nghiêm với các quy định xử phạt cụ thể, vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ dần được cải thiện đáng kể.

Sông Tô Lịch từng là biểu tượng của Hà Nội, nhưng trong nhiều năm qua đã trở thành một trong những điểm ô nhiễm nghiêm trọng nhất của thành phố. Với những giải pháp đang được triển khai, từ xử lý nguồn thải, bổ cập nước, cải tạo cảnh quan đến chế tài xử phạt, hy vọng rằng dòng sông này sẽ sớm lấy lại vẻ đẹp vốn có.

Hà Nội đang bước vào giai đoạn quan trọng trong nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch. Nếu tất cả các giải pháp được thực hiện đúng lộ trình, không chỉ dòng sông này mà cả hệ thống sông nội đô của TP cũng sẽ được cải thiện đáng kể, mang lại môi trường sống trong lành hơn cho người dân.

Sông Tô Lịch, với chiều dài khoảng 14km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện của Hà Nội. Dưới tác động của quá trình đô thị hóa và ý thức kém của một bộ phận người dân, dòng sông này đã trở nên ô nhiễm nghiêm trọng, được ví như một "dòng sông chết". Những năm qua, chính quyền Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp nhằm "hồi sinh" sông Tô Lịch, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Hiện tại, TP đang thực hiện một loạt giải pháp tổng thể với hy vọng mang lại sức sống mới cho dòng sông này.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quyet-tam-tra-lai-ve-dep-von-co-cho-dong-song-to-lich.html
Zalo