TP.HCM chi 4.000 tỷ hồi sinh kênh Hàng Bàng: Bài học đắt giá quản lý đô thị

TP.HCM đã chi 1.000 tỷ lấp kênh Hàng Bàng dài gần 2km để đặt cống hộp; 15 năm sau lại quyết định khôi phục đoạn kênh này, với tổng kinh phí khoảng 4.000 tỷ đồng.

Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, năm 2000, TP.HCM đã chi 1.000 tỷ lấp đoạn kênh Hàng Bàng dài gần 2km chạy từ đường Lò Gốm (quận 6) đến kênh Vạn Tượng (quận 5) để đặt cống hộp.

15 năm sau, TP lại quyết định khôi phục đoạn kênh này, với dự án Cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực kênh Hàng Bàng qua địa bàn Quận 5 và 6, tổng kinh phí khoảng 4.000 tỷ đồng. Chuyên gia cho rằng, đây là bài học đắt giá của TP.HCM trong quản lý đô thị.

Chi 4.000 tỷ 'hồi sinh' kênh đã lấp ở TP.HCM

Lấp kênh rồi "hồi sinh", có lãng phí?

GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện tài nguyên và Môi trường, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, việc đào lại kênh Hàng Bàng là "sự dũng cảm sửa sai của thành phố". Đây cũng là bài học đắt giá cho thành phố trong quản lý đô thị, không chữa được thì lấp, lấp rồi thì phải đào lại. Không thể lấp kênh thay thế bằng cống hộp, vì tiết diện giảm, không thể giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

"Thành phố có hàng ngàn km kênh rạch, và chúng ta phải xem kênh rạch như là một tài nguyên quý giá, nếu lấp đi thì cực kỳ nguy hiểm, nếu không nói là phản khoa học. Vì vậy, điều quan trọng là phải cải tạo lại để phát huy giá trị giao thông thủy, du lịch, đồng thời phát huy vai trò điều tiết lưu vực", GS Lê Huy Bá nhấn mạnh.

Trước đây, một số đô thị trên thế giới cũng phải khôi phục lại kênh rạch bị lấp, biến chúng thành những không gian xanh, đồng thời là giải pháp thoát nước tự nhiên. Đơn cử như chính quyền Seoul - Hàn Quốc, từ năm 2003 - 2005 đã chi 400 triệu USD để khôi phục kênh Cheonggyecheon với chiều dài 5,84 km.

Đoạn kênh ở Seoul bị cống hóa và dành mặt bằng để xây dựng lên trên các hệ thống đường cao tốc đa tầng vào những năm 1960. Điều này không những khiến dòng sông bị bức tử mà còn khiến quy hoạch đô thị lộn xộn và thiếu tính bền vững do bị phá vỡ cấu trúc tự nhiên.

GS Lê Huy Bá cho rằng, nếu thành phố có cách tiếp cận này sớm hơn sẽ không mất hàng nghìn tỷ đồng để "sửa sai".

Thi công đoạn kênh Hàng Bàng, phía sau Chợ Bình Tây - Quận 6. (Ảnh: Minh Thừa)

Thi công đoạn kênh Hàng Bàng, phía sau Chợ Bình Tây - Quận 6. (Ảnh: Minh Thừa)

Trong khi đó, kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, kênh Hàng Bàng trước kia rất ô nhiễm, không thể kiểm soát được, lưu vực nhỏ, nên phải lấp kênh để xử lý ô nhiễm, giải quyết bài toán giao thông trong khu vực. Còn hiện nay, việc khơi thông dòng kênh này là thật sự cần thiết, vừa giải quyết tình trạng ngập úng, cải tạo ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Theo ông Mười, không thể đánh giá nếu chỉ nhìn vào số tiền, vì nếu không giải quyết tình trạng ô nhiễm thời điểm đó, thì đến nay, tác hại còn nặng nề hơn. Còn hiện nay, nhu cầu giao thông, chất lượng cuộc sống của con người ngày càng cao hơn, nên việc làm khơi thông dự án là hợp lý, nhưng chi phí sẽ cao hơn, vì thời điểm khác nhau.

Điều quan trọng nhất là việc đem lại môi trường sống tốt cho người dân, và thay đổi diện mạo đô thị.

Chánh Văn phòng UBND Quận 5 Nguyễn Xuân Thành cho biết, kênh Hàng Bàng có nhiều cấu phần khác nhau, riêng đoạn qua địa bàn Quận 5 từ đường Vạn Tượng đến Mai Xuân Thưởng là kênh hở, không bị lấp để đặt cống hộp như đoạn qua Quận 6. Tuy nhiên, tình tình trạng ô nhiễm rất nghiêm trọng, bởi rác thải, nước thải và xây dựng lấn chiếm. Vì vậy, để đảm bảo mỹ quan đô thị, phục vụ nhu cầu nguời dân, thành phố mới có chủ trương làm kênh Hàng Bàng này.

Khi cải tạo xong, diện mạo đô thị của quận đã thay đổi rất nhiều, người dân rất phấn khởi, chất lượng sống được nâng lên rõ rệt.

4.000 tỷ đồng hồi sinh 1,7 km kênh

Kênh Hàng Bàng do Pháp cho đào năm 1889 - 1893, đặt tên ban đầu là Canal Bonard. Đây được xem là tuyến giao thông thủy quan trọng của khu vực Chợ Lớn xưa, kết nối giao thương với các tỉnh miền Tây. Theo thời gian, dòng kênh ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng, bởi lượng rác thải, nước thải sinh hoạt của các hộ dân sống ven kênh xả trực tiếp xuống. Từ đó, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, TP đã chi khoảng 1.000 tỷ đồng lấp kênh, đặt cống hộp.

 Một đoạn kênh Hàng Bàng đã rợp bóng cây. (Ảnh: Minh Thừa)

Một đoạn kênh Hàng Bàng đã rợp bóng cây. (Ảnh: Minh Thừa)

Năm 2016, TP.HCM phê duyệt Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực rạch Hàng Bàng thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM. Mục tiêu của dự án là giải quyết chống ngập và cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường cho khu vực, kết hợp việc giải tỏa tái định cư cho các hộ dân sống dọc kênh, nâng cao chất lượng môi trường sống trong khu vực.

Theo Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, tổng chiều dài tuyến kênh khoảng 1,7km, đoạn trên địa bàn Quận 6 có chiều dài 500 m từ đường Mai Xuân Thưởng đến đường Ngô Nhân Tịnh; chi phí xây lắp khoảng 67 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.182 tỷ đồng. Trên địa bàn Quận 5, chiều dài 250 m: từ đường Ngô Nhân Tịnh đến kênh Vạn Tượng; chi phí xây lắp khoảng 33 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 600 tỷ đồng.

Với 730m còn lại của tuyến kênh (từ đường Bình Tiên đến đường Mai Xuân Thưởng) thuộc giai đoạn 3 của dự án sẽ được triển khai từ nguồn vốn đầu tư công của TP với tổng mức đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng. Dự kiến có 391 trường hợp giải tỏa toàn phần, triển khai và hoàn thành trong giai đoạn 2025 - 2028.

Thống kê của Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, tại TP.HCM trong quá trình đô thị hóa, có khoảng 100 kênh rạch bị san lấp, biến mất diện tích hơn 4.000 ha. Nhiều kênh lớn đã được lắp cống hộp thành đường như: một phần kênh Tân Hóa (quận Bình Tân), Nhiêu Lộc (đoạn quận Tân Bình)...

Minh Thừa

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tp-hcm-chi-4-000-ty-hoi-sinh-kenh-hang-bang-bai-hoc-dat-gia-quan-ly-do-thi-ar926856.html
Zalo