Quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác, chính sách dân tộc năm 2025
Năm 2024, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao, triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả quan trọng. Các chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được thực hiện hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trên mọi mặt đời sống vùng đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các vùng DTTS đạt ước tính trên 7,5%, thu nhập bình quân đầu người vượt mốc 50 triệu đồng/năm. Công tác giảm nghèo đạt kết quả rõ nét với tỷ lệ hộ nghèo đa chiều vùng DTTS còn 5,47% (giảm 3,28% so với năm 2023), trong đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,91% (giảm 1,33%), hộ cận nghèo còn 3,56% (giảm 1,95%). Dự kiến đến cuối năm 2025, 100% xã và 50% thôn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thoát ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn.
Cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục và văn hóa tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ, đạt từ 99 - 100% các chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, 100% xã vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông, 96% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 99,8% hộ có điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện phù hợp. Tỷ lệ trẻ 4 - 5 tuổi đến trường ước đạt 99,87%; tất cả các xã đều có trường, lớp mầm non đạt chuẩn quốc gia, với tỷ lệ trẻ ra lớp đạt 97,96%.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu vực đồng bào DTTS tiếp tục được giữ vững, không xảy ra điểm nóng; các hoạt động tôn giáo diễn ra ổn định, tuân thủ theo quy định pháp luật.
Có thể nói, năm 2024 là một năm đánh dấu bước chuyển mình trong công tác thực hiện chính sách dân tộc tại Lâm Đồng. Những kết quả đạt được không chỉ phản ánh sự nỗ lực của các cấp, các ngành mà còn cho thấy tinh thần đoàn kết, chủ động vươn lên của đồng bào các DTTS.
Song, theo Ban Dân tộc tỉnh, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2024, công tác dân tộc vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trước hết, tiến độ xây dựng, ban hành thể chế, chính sách, cũng như hướng dẫn quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi còn chậm, chưa kịp thời. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS ở một số địa phương vẫn còn cao, chủ yếu tập trung ở các xã, thôn, đặc biệt khó khăn; mức độ thiếu hụt tiếp cận một số dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch và vệ sinh còn cao. Ngoài ra, quỹ đất của một số địa phương để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân còn hạn chế; định mức hỗ trợ theo quy định để thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất rất thấp so với chi phí thực tế.
Bước sang năm 2025, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS, bà Cil Bri - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh: “Năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nền tảng để triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc cho cả giai đoạn 2026 - 2030. Vì vậy, những người làm công tác dân tộc cần xác định rõ quyết tâm chính trị cao, phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận tụy, cống hiến hết mình để đưa chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất”.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Các sở, ngành, địa phương cần sớm tham mưu, đề xuất bố trí vốn cho giai đoạn 2026 - 2030, đảm bảo đầu tư có trọng tâm, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tăng cường huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để bổ sung cho các chương trình phát triển vùng DTTS. Việc triển khai các dự án sẽ tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách dành cho người có uy tín trong đồng bào DTTS, phát huy vai trò quan trọng của họ trong công tác tuyên truyền, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, gìn giữ và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S ghi nhận những nỗ lực của các cấp, ngành và địa phương trong việc triển khai chính sách dân tộc, đặc biệt là những thành tựu trong giảm nghèo, phát triển kinh tế và văn hóa vùng DTTS. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các chương trình phát triển nông nghiệp đặc thù, tận dụng lợi thế của cây trồng tiềm năng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể để đẩy mạnh chương trình xóa nhà tạm, tăng cường tuyên truyền pháp luật và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Với những định hướng và quyết tâm cao của chính quyền, cùng sự đồng lòng của đồng bào DTTS, kỳ vọng năm 2025, tỉnh sẽ gặt hái thêm nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách dân tộc, tạo nền tảng phát triển bền vững cho vùng DTTS và miền núi trong giai đoạn tới.