Quyết tâm tháo gỡ điểm nghẽn, tạo động lực phát triển kinh tế, thu hút đầu tư
Chiều 6/1, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Theo báo cáo tổng kết năm 2024 của UBND tỉnh do đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, trình bày, năm 2024, tình hình KT-XH của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan, có 14/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; tình hình quốc phòng an ninh tiếp tục được giữ vững; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân dần được nâng cao.
Cụ thể, tình hình sản xuất nông - lâm - thủy sản tương đối ổn định. Hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển và duy trì mức tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả năm thực hiện hơn 25.381 tỉ đồng, tăng 8,8%. Hoạt động thương mại và dịch vụ ổn định và tăng trưởng khá.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 55.341 tỉ đồng, tăng 11,5%. Tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên đạt 4,08 triệu lượt, tăng 27,5%, trong đó khách quốc tế đạt 30,02 nghìn lượt, tăng 52%. Tổng thu từ khách du lịch đạt gần 8.050 tỉ đồng, tăng 63,6%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2024 đạt 5.451 tỉ đồng, bằng 101,2% dự toán trung ương và tỉnh giao, tăng 29,8% so với cùng kỳ. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 thực hiện 2.534 tỉ đồng.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn cho biết: Để thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 và kế hoạch 5 năm 2021-2025, tạo tiền đề tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2026-2030, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 137 về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có yêu cầu phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của từng địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%.
Thủ tướng Chính phủ cũng có Công điện số 140 yêu cầu các địa phương xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2025 ở mức hai con số với tinh thần phấn đấu cao nhất, nỗ lực lớn nhất.
Trước tình hình trên, Phú Yên phải quyết liệt triển khai thực hiện rất nhiều nhiệm vụ trong năm 2025, trong đó tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; gấp rút triển khai để khởi công dự án tại cảng Bãi Gốc, Khu công nghiệp Hòa Tâm và các dự án hạ tầng quan trọng khác, tạo động lực tăng trưởng. Mỗi ngành, địa phương phải xác định rõ mục tiêu tập trung tối đa nguồn lực để triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ kế hoạch đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
Trước mắt, đề nghị các cấp, ngành, địa phương tập trung chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ công tác tổ chức đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; rà soát, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống của Nhân dân... bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón tết.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương đã biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực của tập thể lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ngành, địa phương trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Bước sang năm 2025, chúng ta xác định đã thực sự bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ngay từ những ngày đầu năm, các đơn vị, sở ngành, địa phương cần bắt tay ngay vào công việc; quyết tâm hoàn thành các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Trong đó, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư nhằm thực hiện thắng lợi những chỉ tiêu, mục tiêu về phát triển KT-XH của cả nước.
Tập trung vào công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; rà soát các điểm nghẽn, các bất cập, chồng chéo để quyết tâm giải quyết, tháo gỡ. Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; rà soát những vấn đề có nguy cơ gây lãng phí, đặc biệt là tránh lãng phí đối với các công trình đầu tư công, lãng phí thời gian, của cải của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Các sở ngành, địa phương cần quyết liệt rà soát các dự án đang gặp điểm nghẽn, vướng mắc; đặc biệt là đối với các dự án đã ách tắc, tồn tại qua rất nhiều nhiệm kỳ; quyết tâm tháo gỡ, giải quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, tạo động lực cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.