Quyết tâm hoàn thành công cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát vào ngày 31/10/2025

Sáng 11/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. (Ảnh TRẦN HẢI).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. (Ảnh TRẦN HẢI).

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó trưởng Ban Chỉ đạo: Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo. Phiên họp được truyền trực tuyến đến trụ sở Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kể từ khi phát động đến nay, phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước được triển khai tích cực theo phương châm “ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít”; bà con, anh em cô bác, hàng xóm đã tích cực giúp đỡ với nhân văn, tự giác, vô tư; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương vào cuộc tích cực, coi đây là hành động nhân văn. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục phát huy tinh thần này.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", quyết tâm đến ngày 31/10/2025 hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; so với tiến độ thời điểm phát động phong trào ở Hòa Bình cách đây 1 năm thì tiến độ rút ngắn 2 tháng. Từ khi phát động đến nay, cả nước đã xóa được gần 209.000 căn, trong đó: khánh thành và bàn giao 111.000 căn nhà; khởi công 98.000 căn, đạt khoảng 77% trên tổng số nhu cầu. Từ Phiên họp thứ ba đến nay tăng gần 87.000 căn được khởi công, khánh thành, bình quân tăng 26 căn/địa phương/ngày.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh TRẦN HẢI).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh TRẦN HẢI).

Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh các cấp, các ngành, các địa phương. Tuy nhiên, nhiệm vụ từ nay đến ngày 31/10/2025 vẫn còn rất nặng nề (còn khoảng 61.800 căn nhà tạm, nhà dột nát) do liên quan đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương, phạm vi triển khai rộng, trong khi thời gian còn lại không nhiều (khoảng 170 ngày). Bình quân mỗi ngày phải hoàn thành khoảng 364 căn trên cả nước; bình quân mỗi địa phương phải hoàn thành 8 căn/ngày.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực cao, quyết tâm lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chương trình.

Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh TRẦN HẢI).

Các đại biểu tham dự phiên họp. (Ảnh TRẦN HẢI).

Tại Phiên họp này, Thủ tướng đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, trong đó tập trung: đánh giá thực trạng tình hình kết quả triển khai Chương trình tại các bộ, cơ quan, địa phương.

Thủ tướng biểu dương các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã triển khai rất tích cực công việc này. Tuy nhiên, cần rà soát ngay các hộ có công với cách mạng, tinh thần là không có đất thì cấp đất; tiếp tục làm rõ những khó khăn, vướng mắc, thách thức trong triển khai Chương trình, nhất là trong bối cảnh tới đây sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, xóa bỏ cấp huyện và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tăng cường phân cấp, phân quyền, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền”; cần phải cải tiến cách làm. Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để giữ đà, giữ nhịp, giữ khí thế, giữ tiến độ trong việc triển khai phong trào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo. (Ảnh TRẦN HẢI).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo. (Ảnh TRẦN HẢI).

Thủ tướng mong lãnh đạo các địa phương thực hiện việc này với nghĩa vụ, tinh thần trách nhiệm cao và cái tâm trong sáng, tự giác với tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được hưởng thụ thật”.

* Theo Bộ Dân tộc và Tôn giáo, đến nay, 100% địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát (60/63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai, phát động Phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Có 3 địa phương (Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc) do không còn nhà tạm, nhà dột nát nên không ban hành kế hoạch).

Tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát của địa phương: 100% các địa phương đã rà soát, xác định tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh hoàn thành trước ngày 31/10/2025 bảo đảm theo đúng mục tiêu Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh TRẦN HẢI).

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh TRẦN HẢI).

Tính đến ngày 7/5/2025, có 15 địa phương đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, từ sau Phiên họp thứ ba đến nay đã có thêm 8 địa phương hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước (Thái Nguyên, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang, Khánh Hòa).

Trong tháng 5/2025, để thiết thực kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sẽ có thêm 6 địa phương hoàn thành Chương trình gồm: Sơn La, Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Long An và Hòa Bình.

Trong tháng 6/2025, dự kiến có có 16 địa phương hoàn thành Chương trình gồm: Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Bình Thuận, Kon Tum, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Hà Giang, Hà Nam, Lai Châu. 26 địa phương còn lại phấn đấu từ tháng 7 đến hết tháng 10/2025 hoàn thành Chương trình.

Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung báo cáo tại phiên họp. (Ảnh TRẦN HẢI).

Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung báo cáo tại phiên họp. (Ảnh TRẦN HẢI).

Kết quả thực hiện triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước: theo số liệu báo cáo của các địa phương trên phần mềm cập nhật đến ngày 7/5/2025, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được gần 209.000 căn (trong đó: 111.000 căn nhà đã khánh thành và khởi công, xây dựng dở dang 98.000 căn).

Như vậy, từ Phiên họp thứ ba đến nay tăng gần 87,000 căn, bình quân tăng 26 căn/địa phương/ngày. Đến nay, đã khởi công và hoàn thành khoảng 77% số nhà tạm, nhà dột nát cần xóa cho cả 3 nhóm đối tượng. Trong đó, đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát có tỷ lệ khởi công và hoàn thành cao nhất, đạt khoảng 80%.

Cụ thể: từ nay đến hết ngày 31/10/2025, cả nước cần khởi công xây dựng trên 61.800 căn. Trong đó, nhà ở đối với người có công với cách mạng khoảng 24.800 căn; nhà ở thuộc 2 Chương trình mục tiêu quốc gia khoảng 27.000 (giảm nghèo bền vững khoảng 23.000 căn, dân tộc thiểu số khoảng gần 4.000 căn), nhà ở thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát khoảng trên 10.000 căn.

Phiên họp được truyền trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (Ảnh TRẦN HẢI).

Phiên họp được truyền trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (Ảnh TRẦN HẢI).

Kết quả huy động và chuyển kinh phí hỗ trợ từ Chương trình phát động: đến nay, các bộ, cơ quan, đơn vị, ngân hàng, tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp đã chuyển 3.142,8/3.464 tỷ đồng theo phương án huy động nguồn lực tại Chương trình phát động ngày 5/10/2024 (đạt gần 91%). Như vậy, từ sau Phiên họp thứ ba đến nay, các đơn vị hỗ trợ đã chuyển thêm 912,8 tỷ đồng.

Kết quả triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát của các địa phương: Triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho thấy, tính đến ngày 7/5/2025, có 15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát, gồm: 6 địa phương báo cáo không có nhà tạm, nhà dột nát ngay từ khi phát động Chương trình: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu; 4 địa phương hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho cả 3 đối tượng (hỗ trợ nhà ở người có công, nhà ở thuộc 2 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhà ở từ Chương trình phát động): Bắc Ninh, Cần Thơ, Khánh Hòa và Tây Ninh; 5 địa phương công bố hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc Chương trình phát động: Thái Nguyên, Kiên Giang, Bình Phước, Vĩnh Long, Trà Vinh (còn 2 đối tượng chưa hoàn thành: hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng chưa được bố trí kinh phí hoặc nhà ở thuộc 2 Chương trình mục tiêu quốc gia).

Huy động xã hội hóa của địa phương: 1.807,246 tỷ đồng; đóng góp của hộ gia đình: 1.074,552 tỷ đồng; huy động ngày công: 244.246 ngày công; nguồn lực hỗ trợ khác: 660 tấn xi măng, 500 m³ đá mạt, 310.000 viên gạch, 150 khối cát nền, 3.000 viên ngói...

Kết luận phiên họp, nêu bật ý nghĩa của phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mỗi căn nhà là “một món quà”, “một mái ấm” ý nghĩa, thể hiện “tình đồng chí, nghĩa đồng bào”, trách nhiệm, tình thương, sự sẻ chia của cả cộng đồng; thể hiện niềm tin, sự phấn khởi của nhân dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Điều này tạo phong trào, xu thế, tự giác, trách nhiệm, sự phấn khởi và hồ hởi, thể hiện tinh thần nhân ái, nhân đạo rất rõ; hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng; thể hiện mục tiêu, bản chất tốt đẹp, ưu việt của chế độ ta, Đảng ta với tư tưởng “Dân là gốc”; không để ai bị bỏ lại phía sau, phát triển kinh tế-xã hội gắn với công bằng, tiến bộ, an sinh xã hội; khẳng định những giá trị văn hóa và truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”...

Thủ tướng nêu rõ, ngay sau Phiên họp thứ 3, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã tập trung huy động nguồn lực, tổ chức triển khai hiệu quả và đạt nhiều kết quả thiết thực: cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được gần 209.000 căn; hoàn thành, bàn giao hơn 111.000 căn để các hộ gia đình được ở trong ngôi nhà mới; xây dựng hơn 98.000 căn nhà; từ sau Phiên thứ 3 đến nay (đúng 2 tháng), tăng gần 87.000 căn nhà. Bộ Công an tiếp tục hỗ trợ thêm để xây dựng 4.444 căn nhà với kinh phí hơn 283 tỷ đồng. Bộ Quốc phòng hỗ trợ thêm để xây dựng 3.550 căn nhà với kinh phí khoảng 195 tỷ đồng. Ngành ngân hàng tiếp tục vận động các tổ chức tín dụng hỗ trợ bổ sung khoảng gần 129,85 tỷ đồng. Nhiều địa phương đã về đích và đặt mục tiêu về đích sớm hơn kế hoạch trước đó trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn.

Thay mặt Ban Chỉ đạo, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan truyền thông địa phương đã đóng góp tích cực vào những thành quả bước đầu hết sức tích cực của Chương trình; trân trọng cảm ơn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã hưởng ứng tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của Chương trình.

Về quan điểm, định hướng, Thủ tướng khẳng định mục tiêu chương trình không thay đổi, dứt khoát không để người dân nào phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát, cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/10/2025. Phương châm “mỗi người góp một tay, mỗi nhà san sẻ một phần”; “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”.

Tinh thần này phải được lan tỏa ra toàn xã hội vì nhân dân làm nên lịch sử, sức mạnh từ nhân dân; đa dạng hóa nguồn lực thực hiện Chương trình theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm. Ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho thân nhân liệt sĩ, phấn đấu hoàn thành xong trước ngày 27/7 và người có công với cách mạng trước ngày 2/9/2025. Huy động sự vào cuộc của tất cả các lực lượng trên địa bàn.

Người đứng đầu các cơ quan, địa phương với tinh thần đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có kết quả; bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; có giải pháp phù hợp, đúng thời điểm, nhất là các vấn đề phát sinh.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc; sử dụng tối đa nguyên vật liệu tại chỗ; khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, thuận thiên; rà soát lại thiết kế các căn nhà, từng bước hoàn chỉnh để đẹp hơn. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt, cách huy động nguồn lực.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiện toàn Ban Chỉ đạo; Bộ Dân tộc và Tôn giáo: theo dõi sát, thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các địa phương rà soát, hoàn thiện kế hoạch theo ngày, tuần, tháng, quý và từ nay đến ngày 31/10/2025 để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; cập nhật hằng ngày tình hình, kết quả triển khai chương trình trên cả nước. Tiếp tục cập nhật, xác định rõ những khó khăn, vướng mắc của địa phương để chủ động giải quyết theo thẩm quyền; kịp thời tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền. Phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí huy động tại Chương trình phát động và kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 phù hợp nhu cầu thực tế qua rà soát của địa phương; hoàn thành trước ngày 20/5/2025.

Phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ nguồn kinh phí từ Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương cho các địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát; hoàn thành trước ngày 20/5/2025.

Bộ Tài chính trong thời gian Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa quyết định về kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, cho phép các địa phương tạm ứng kinh phí từ nguồn quỹ của địa phương để hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng bảo đảm trong tổng số nhà đã phê duyệt, số kinh phí đã báo cáo; chủ trì trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân bổ kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ để các địa phương triển khai thực hiện.

Bộ Xây dựng: chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn mức hỗ trợ nhà ở thuộc 2 Chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm thống nhất với mức hỗ trợ chung của Chương trình; hoàn thành trong tháng 5/2025.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức tín dụng trong hệ thống tích cực tham gia hỗ trợ và chuyển kinh phí hỗ trợ cho các địa phương; phối hợp Bộ Tài chính làm thủ tục miễn giảm thuế cho sự hỗ trợ này. Các địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, đúng đối tượng được hỗ trợ của số liệu rà soát; có trách nhiệm huy động nguồn lực bảo đảm cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Các địa phương còn nhà tạm, nhà dột nát thuộc Chương trình phát động chưa khởi công: đề nghị tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tổ chức khởi công, giải ngân ngay nguồn kinh phí được giao, được phân bổ, hoàn thành đúng tiến độ đã cam kết. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trước ngày 31/10/2025. Đối với số nhà tạm, nhà dột nát phát sinh thêm, yêu cầu địa phương chủ động huy động nguồn lực để hỗ trợ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

THANH GIANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quyet-tam-hoan-thanh-cong-cuoc-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-vao-ngay-31102025-post878881.html
Zalo