Đề nghị cho phép địa phương tạm ứng tiền để hỗ trợ nhà cho người có công
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cho phép các địa phương tạm ứng kinh phí từ nguồn quỹ của địa phương để hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho hay tổng số tiền các ngân hàng đã chuyển hiện nay khoảng 154 tỉ đồng, trong đó có 4 ngân hàng đã hoàn thành việc chuyển tiền về Quỹ vì người nghèo của trung ương và địa phương. AgriBank, VietinBank, Ngân hàng Đầu tư, VP Bank, Ngân hàng Quân đội (MB) và Sacombank đã chuyển một phần và đang phối hợp với các địa phương chuyển phần còn lại.
Về chương trình phát động của Thủ tướng vào tháng 10.2024 với quy mô 1.000 tỉ đồng, theo báo cáo của các ngân hàng, đến nay đã chuyển được 715 tỉ đồng cho các địa phương theo phương án phân bổ tại Công văn số 5935 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội trước đây.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà phát biểu
Số chưa chuyển là 285 tỉ đồng, cụ thể: Ngân hàng Á Châu (ACB) và Techcombank đã sẵn sàng chuyển 180 tỉ đồng (ACB 80 tỉ đồng, Techcombank 100 tỉ đồng) cho Đắk Lắk theo phân bổ của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội. Tuy nhiên, tháng 2.2025, bộ đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạm dừng chuyển số tiền này cho Đắk Lắk vì tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu.
Hai tỉnh chưa nhận hết kinh phí hỗ trợ là Sóc Trăng 10 tỉ đồng, Hòa Bình 95 tỉ đồng do các tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ theo đề nghị của các ngân hàng.
Như vậy, theo ông Hà, sau chương trình phát động ngày 5.10.2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục vận động các tổ chức tín dụng hỗ trợ bổ sung gần 120 tỉ đồng cho các địa phương. Theo báo cáo trung tâm đã nêu, ngành ngân hàng đã đóng góp gần 1.350 tỉ đồng, thực hiện giải ngân 972 tỉ đồng. Số tiền còn lại, tất cả ngân hàng đều sẵn sàng, chờ chỉ dẫn tiếp nhận để hoàn thành nốt việc giải ngân.
Nội dung thứ hai trong công việc của ngành ngân hàng, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với 2 tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, trong đó có kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát. Vĩnh Long báo cáo đã hoàn thành vào cuối tháng 4, Bến Tre cũng đã khẩn trương, theo kế hoạch sẽ hoàn thành chương trình này trước ngày 30.6.
Ngân hàng Nhà nước mong Bộ Dân tộc - Tôn giáo sớm có hướng dẫn đối với ACB và Techcombank có địa chỉ mới (thay Đắk Lắk) để ngân hàng hoàn thành việc chuyển tiền cho chương trình. Các tỉnh chưa nhận được kinh phí hỗ trợ (Hòa Bình, Sóc Trăng), đề nghị các tỉnh khẩn trương phối hợp với các ngân hàng để các ngân hàng giải ngân nốt số tiền cam kết.
Liên quan đến ghi nhận khoản chi hỗ trợ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, là khoản chi chưa được trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị không chỉ hộ nghèo mà hộ cận nghèo cũng là đối tượng được hưởng chính sách này. Mong Bộ Tài chính sớm có ý kiến hướng dẫn bổ sung.
Liên quan đến việc tiếp tục bố trí kinh phí cho một số địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành quyết định phân bổ và điều chuyển nguồn lực hỗ trợ cho Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước. Trong đó, chính phủ đã phân bổ thêm 509,7 tỉ đồng từ nguồn tiết kiệm chi từ ngân sách trung ương bố trí cho các địa phương.
“Chúng tôi đã thực hiện điều chuyển trên 1.020 nghìn tỉ đồng chưa sử dụng hết và tiết kiệm của 28 địa phương cho 16 địa phương thiếu nguồn; phân bổ gần 1.000 tỉ đồng tiết kiệm của 8 địa phương cho 15 địa phương còn thiếu nguồn kinh phí”, ông Thắng nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ quyết định dự toán chi bổ sung kinh phí đảm bảo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong đó có nội dung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Ngoài ra, Bộ Tài chính thống nhất, ủng hộ với quan điểm cho các địa phương linh hoạt điều chỉnh nguồn vốn, tạm ứng từ các nguồn khác để thực hiện. Nếu được sự đồng ý của Chính phủ thì Bộ Tài chính sẽ sớm có hướng dẫn triển khai thực hiện tại các địa phương.
Như vậy, về nguồn lực hỗ trợ, cơ bản đã chủ động và không gặp vướng mắc lớn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mỗi căn nhà là "một món quà", "một tình thương", "một mái ấm" ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm, tình thương, tình đồng chí, nghĩa đồng bào, tinh thần trách nhiệm, sự sẻ chia của cả cộng đồng; thể hiện niềm tin, sự phấn khởi của nhân dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đồng bào vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số.
Trong thời gian Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa quyết định về kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, Thủ tướng đề nghị cho phép các địa phương tạm ứng kinh phí từ nguồn quỹ của địa phương để hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng bảo đảm trong tổng số nhà đã phê duyệt, số kinh phí đã báo cáo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu
Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nêu rõ phải đề cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu địa phương; phát huy chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Theo đó, cần phân công thực hiện bảo đảm 6 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả". Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của địa phương kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát; tập trung tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn; kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà; nêu cao tinh thần trách nhiệm với người có công, người nghèo, lo toan cho người dân…