Quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng công nghiệp

Để tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8%, ngành công nghiệp sẽ phải tăng trưởng ít nhất là 9,3%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo cần đạt mức tăng 11%. Mục tiêu này đang đối diện nhiều thách thức, nhưng Bộ Công Thương cũng kỳ vọng vào những động lực, đòn bẩy mới cho ngành.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Nguyễn Ngọc Thành giải đáp câu hỏi của phóng viên tại Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý I/2025 diễn ra vào chiều 04/4/2025

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Nguyễn Ngọc Thành giải đáp câu hỏi của phóng viên tại Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý I/2025 diễn ra vào chiều 04/4/2025

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý I/2025, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, theo tính toán, để tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8%, ngành công nghiệp phải tăng trưởng ít nhất 9,3% và ngành công nghiệp chế biến chế tạo phải đạt mức tăng trưởng 2 con số. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp công nghiệp.

Ông Thành nhận định, một trong số những khó khăn, thách thức đó là, hiện nay, ngành dệt may, da giày, điện tử hay gỗ xuất khẩu đến 30% vào thị trường Hoa Kỳ. Việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với Việt Nam có thể khiến hàng hóa xuất khẩu của ta mất đi lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia đối thủ.

"Đây là một thách thức rất lớn," - ông Thành nhấn mạnh và cho biết thêm, điều này cũng có khả năng sẽ khiến doanh nghiệp Việt mất đi nhiều đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Cùng với đó, trước sức ép về mức thuế đối ứng của Hoa Kỳ, Việt Nam có thể sẽ phải điều chỉnh thuế suất nhập khẩu như một công cụ để đàm phán với phía Hoa Kỳ, dẫn đến khả năng hàng hóa nhập khẩu gia tăng thời gian tới, có thể ảnh hưởng đến ngành sản xuất trong nước.

Trước mắt, để ứng phó với tình hình này, lãnh đạo Đảng và Chính phủ đã ngay lập tức có những động thái nhằm đẩy mạnh các biện pháp ngoại giao, đàm phán với phía Hoa Kỳ để thỏa thuận mức thuế đối ứng phù hợp hơn. Việc này sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu tối đa rủi ro mất đơn hàng, mất thị trường xuất khẩu vào tay các quốc gia đối thủ, giúp các doanh nghiệp giữ được thị trường để duy trì, khôi phục sản xuất và từng bước mở rộng hơn sản xuất, gia tăng xuất khẩu sau khi những căng thẳng từ mức thuế đối ứng đi qua.

Thứ hai, có thể xem xét thúc đẩy nhanh nhất việc ký FTA riêng với Hoa Kỳ để tạo thị trường xuất khẩu bền vững cho Việt Nam, đồng thời hạn chế tối đa việc phải điều chỉnh thuế nhập khẩu MFN, tránh gây ảnh hưởng đến chính sách thuế của Nhà nước cũng như hạn chế việc hàng hóa nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam gây ảnh hưởng tới sản xuất trong nước.

Thứ ba, cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng thế mạnh sẵn có là 17 FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường.

Thứ tư, đẩy nhanh công tác đàm phán các FTA với các thị trường mới như Trung Đông, Mỹ La tinh, Trung Á và các thị trường khác,...

Thứ năm, cần cải thiện xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, về góc độ pháp lý, Cục Công nghiệp cũng đang xây dựng các định hướng hỗ trợ doanh nghiệp, như xem xét xây dựng những chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp để giúp các doanh nghiệp sản xuất phục vụ xuất khẩu duy trì sản xuất trong ngắn hạn; xem xét kiến nghị miễn giảm thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp trong thời gian nhất định. Đồng thời, triển khai hiệu quả một số nguồn lực tăng trưởng, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, để vừa giữ động lực tăng trưởng, vừa tạo thêm thị trường cho một số ngành công nghiệp nền tảng.

Cùng với đó, xem xét triển khai một số dự án khai thác, chế biến khoảng sản quy mô lớn, như các dự án chế biến lâm sản (điển hình như Tây Nguyên đang triển khai một số dự án khai thác, chế biến bô-xít),... đây cũng là một trong những tiền đề để góp phần tăng trưởng.

Ngoài ra, dưới góc độ cơ quan tham mưu, ông Thành cũng giải đáp thêm về những kiến nghị trong phát triển công nghiệp trong bối cảnh Hoa Kỳ dự kiến áp thuế đối ứng với Việt Nam và hơn 70% giá trị công nghiệp đến từ các doanh nghiệp FDI.

Cụ thể, thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã luôn quan tâm, chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại thị trường. Đồng thời, cũng đổi mới chính sách đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, bên cạnh đó, cũng kiên quyết hạn chế các dự án FDI đầu tư vào Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ.

Theo đó, ông Thành đề xuất một số giải pháp dài hạn để tăng trưởng ngành công nghiệp bền vững trong thời gian tới, cụ thể như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật phát triển công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược theo định hướng của Đảng và Chính phủ trong thời gian tới để tạo khung pháp lý bền vững, thống nhất cho quá trình công nghiệp hóa đất nước.

Thứ hai, triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ quốc gia giai đoạn 2016-2025, và xây dựng Chương trình giai đoạn 2026-2035 để hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nội địa nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn (thông qua việc hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng linh kiện trong và ngoài nước, đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn cải tiến sản xuất, cơ sở dữ liệu, phổ biến thông tin,…).

Thứ ba, phối hợp với các địa phương để hoàn thiện cơ chế, chính sách địa phương nhằm tăng cường phân bổ, thu hút các nguồn lực đầu tư và triển khai các chương trình, hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp địa phương.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết thêm, những chỉ tiêu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đặt ra bao giờ cũng rất cao, nhưng với ngành Công Thương, đặc biệt là công tác phát triển các chỉ số công nghiệp mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Bộ Công Thương luôn đặt quyết tâm phải nỗ lực thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu được giao.

"Bộ Công Thương đang nghiên cứu và cũng tin tưởng rằng Nghị quyết 18 về đổi mới, sắp xếp tinh gọn bộ máy sẽ mở ra nhiều dư địa để địa phương có thể phát triển. Cùng với đó, Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng sẽ tạo ra động lực và đòn bẩy thúc đẩy phát triển", Thứ trưởng chia sẻ, cho rằng việc Hoa Kỳ áp thuế là thách thức với Việt Nam nhưng cũng có thể chuyển biến thành cơ hội để tìm kiếm những sản phẩm mới xuất khẩu sang thị trường này mà không bị ảnh hưởng.

Thứ trưởng khẳng định, trong bối cảnh tình hình mới với nhiều thách thức, khó khăn, Bộ Công Thương sẽ luôn đồng hành, động viên các địa phương, doanh nghiệp vượt qua thách thức, đạt được những kết quả trong thời gian tới.

Huyền My

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/quyet-tam-giu-vung-muc-tieu-tang-truong-cong-nghiep-139107.htm
Zalo