Quyết sách cho du lịch
Du lịch Việt Nam có đủ tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, thiên nhiên, danh thắng, văn hóa, lịch sử
Nghị quyết 08/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cùng với Luật Du lịch năm 2017 đã mở đường cho giai đoạn du lịch phát triển có thể nói là "thần kỳ" vào những năm 2018-2019.
Giai đoạn đó, đóng góp của du lịch vào tăng trưởng GDP tăng từ mức khoảng 6% lên hơn 9%, cho thấy hiệu quả của các chính sách. Tuy nhiên, dịch COVID-19 xảy ra đã kéo lùi sự phát triển của ngành công nghiệp "không khói" trong những năm tiếp theo.
Nhìn chung 7 năm qua, du lịch tuy chịu tác động tiêu cực của đại dịch song cũng là ngành có sự phục hồi nhanh chóng. Năm 2024, dự kiến ngành du lịch đạt mục tiêu đón khoảng 17-18 triệu lượt khách quốc tế, tương đương trước dịch và đóng góp khoảng 6,6%-7% vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, muốn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch phải đóng góp vào tăng trưởng kinh tế khoảng 12%-15%.
Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan - điểm đến cạnh tranh trực tiếp về thu hút khách quốc tế với Việt Nam - ghi nhận mức đóng góp của ngành du lịch vào GDP là hơn 20%, Campuchia khoảng 25%... Còn Việt Nam, dù xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, được quan tâm, được đầu tư song sự phát triển của ngành này chưa như kỳ vọng.
Thực tế trên đòi hỏi cần có những quyết sách lớn để ngành du lịch tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ cho giai đoạn từ nay đến năm 2035 mà cả tới năm 2045 - mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Cụ thể là cần những chính sách tạo tiền đề, thúc đẩy du lịch đóng góp 12%-15% vào tăng trưởng GDP và từng bước vươn tầm quốc tế.
Các chính sách không chỉ vượt trội mà còn cần phù hợp với đặc thù của một ngành kinh tế tổng hợp, có tác động lan tỏa tới nhiều ngành kinh tế khác. Trong đó, cần rà soát nguồn lực, gồm nhân lực và tài lực, thông qua việc rà soát cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng của ngành như cảnh quan lịch sử, văn hóa, môi trường... để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí.
Sau dịch COVID-19, nhu cầu của du khách đã chuyển sang "nhanh, ít va chạm và an toàn hơn". Do vậy, cần có sự đánh giá, nhìn nhận vấn đề để thay đổi chính sách cho phù hợp. Trong đó, Nghị quyết 08/2017 và Luật Du lịch năm 2017 sau khi ra đời 7 năm có còn phù hợp hay cần điều chỉnh, bổ sung? Nếu cần thì điều chỉnh theo hướng nào để du lịch bứt phá, trở thành ngành mũi nhọn thật sự? Thực tế, một số quy định trong Luật Du lịch năm 2017 đến thời điểm này đã không còn phù hợp.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn. Cần xác định kỷ nguyên mới của ngành du lịch Việt Nam là gì và định hướng bằng những chiến lược, giải pháp bài bản, phù hợp trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn để thực thi hiệu quả.
Du lịch Việt Nam có đủ tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, thiên nhiên, danh thắng, văn hóa, lịch sử... Quan trọng là chúng ta có tận dụng được để phát triển hay không? Nếu có sự tính toán lại kỹ lưỡng để bảo đảm vị thế mũi nhọn, là ngành kinh tế tổng hợp có tính lan tỏa sâu rộng và đặt mục tiêu đủ lớn để có động lực phấn đấu, du lịch Việt Nam sẽ không chỉ đạt con số 35 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030 mà có thể nhiều hơn.
NGUYỄN QUỐC KỲ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel
Theo Thái Phương ghi (NLĐO)