Quyết liệt thực hiện sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh; dự kiến sẽ giảm 50% đơn vị hành chính cấp xã

Toàn tỉnh Đắk Lắk có 180 đơn vị hành chính cấp xã. Dự kiến, sau sắp xếp, sáp nhập, số lượng đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh sẽ giảm khoảng 50% so với hiện nay, theo đúng tinh thần, định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương.

Ông Bạch Văn Mạnh, Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk.

Ông Bạch Văn Mạnh, Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Lắk.

Quyết liệt thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; dự kiến sẽ giảm 50% số lượng cấp xã

Ông Bạch Văn Mạnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh đang tập trung cao độ thực hiện quyết liệt việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy trên địa bàn tỉnh đã và đang bám sát định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Trung ương và Tỉnh ủy, các nhiệm vụ được thực hiện theo kế hoạch, tiến độ đề ra.

Hiện nay, Sở Nội vụ đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các địa phương tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền về xây dựng, đề xuất phương án, đề án tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh theo hướng “tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” tạo nguồn lực mới đưa tỉnh bứt phá.

Toàn tỉnh Đắk Lắk có 180 đơn vị hành chính, trong đó có 18 phường, 13 thị trấn, 149 xã. Dự kiến, sau sắp xếp, sáp nhập, số lượng đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh sẽ giảm khoảng 50% so với hiện nay, theo đúng tinh thần, định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương.

Sắp xếp đơn vị hành chính nhưng không để "chảy máu chất xám"

Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, căn cứ quy định của Chính phủ về tổ chức bộ máy, số lượng biên chế của các đơn vị hành chính cấp xã mới, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm đúng đối tượng và quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động do sắp xếp đơn vị hành chính.

Dự kiến, trước mắt sẽ giữ nguyên số lượng biên chế đơn vị hành chính của cấp huyện; cán bộ, công chức của cấp xã hiện có trước sắp xếp và thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản theo đúng quy định.

Việc tinh giản nhân sự có sự xem xét kỹ lưỡng, đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đối tượng nghỉ gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ, đồng thời không để “chảy máu” chất xám, bảo đảm duy trì và giữ chân cán bộ, công chức, viên chức tốt, có năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ mới.

Thực hiện tốt công tác tư tưởng, chế độ, chính sách

Theo ông Bạch Văn Mạnh, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong việc đề xuất giải thể, sáp nhập một số cơ quan, tổ chức.

Do đó, trước hết, cần thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng, tuyên truyền trong toàn hệ thống chính trị và xã hội về yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn bộ máy đáp ứng yêu cầu của tình hình mới nhằm bảo đảm sự đoàn kết, quyết tâm cao, vì lợi ích chung.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy chắc chắn sẽ tác động đến tâm tư, tình cảm, quyền lợi của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, nên phải thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng.

Cơ chế, chính sách phải bảo đảm tính công bằng, hài hòa trong tổng tương quan chung giữa các đối tượng nhằm ổn định cuộc sống, quyền và lợi ích để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Cần tập trung tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm bảo đảm triển khai kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị trong thực tiễn; rà soát toàn bộ hệ thống quy định, văn bản liên quan để sửa đổi, bổ sung phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản phát triển.

Việc theo dõi, bám sát việc triển khai thực hiện thể chế, pháp luật cũng như tổ chức đánh giá thực tiễn hoạt động của cơ quan, tổ chức được xây dựng theo mô hình tổ chức bộ máy mới, tôi cho rằng đây là việc làm cần thiết để từ đó có giải pháp điều chỉnh kịp thời, khắc phục hạn chế, bất cập nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức.

Cuối cùng, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần được tăng cường để phòng, chống việc lợi dụng chủ trương sắp xếp bộ máy xảy ra tiêu cực, tham nhũng; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời trường hợp lợi dụng việc sắp xếp tổ chức, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức.

Đồng thời, cần phát huy và tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia công tác giám sát, kiểm tra việc xây dựng mô hình tổ chức bộ máy mới.

Gắn sắp xếp bộ máy với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Công văn số 3025/UBND-NVKS, ngày 31/3/2025 về việc định hướng, hướng dẫn xây dựng, đề xuất phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu việc xây dựng, đề xuất phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cần tuân thủ Hiến pháp, bảo đảm các quy định pháp luật; chú trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận;

Gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;

Thực hiện sắp xếp nguyên trạng các đơn vị hành chính cùng cấp để hình thành đơn vị hành chính mới.

Cân nhắc các yếu tố đặc thù khi thực hiện sắp xếp cấp xã

Đơn vị hành chính cấp xã có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2023/UBTVQH15 và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, liên kết tiểu vùng, vùng tỉnh, quy mô, trình độ phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội, hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố Buôn Ma Thuột hôm nay.

Thành phố Buôn Ma Thuột hôm nay.

Xã mới sau sắp xếp có đồng thời diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt từ 300% trở lên tiêu chuẩn của xã quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Riêng đối với tiêu chuẩn quy mô dân số của xã miền núi, vùng cao hoặc có đường biên giới quốc gia trên đất liền mà có từ 30% trở lên dân số là người dân tộc thiểu số thì mức tối thiểu là 7.500 người.

Phường mới sau sắp xếp có đồng thời diện tích tự nhiên từ 35 km2 trở lên; quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; riêng phường ở miền núi, vùng cao có quy mô dân số từ 35.000 người trở lên.

Trường hợp sắp xếp từ 4 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thành 1 xã, phường mới thì không phải đánh giá tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Dự thảo Nghị quyết.

Trường hợp việc sắp xếp đơn vị hành chính đã phù hợp với định hướng của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các quy định của dự thảo Nghị quyết này thì không xem xét điều kiện và không đánh giá tiêu chuẩn khác theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

UBND tỉnh đề nghị các địa phương phối hợp, trao đổi thống nhất với nhau và nghiên cứu, tham khảo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đắk Lắk do Sở Nội vụ đề xuất tại Tờ trình số 23/TTr-SNV ngày 26/3/2025 để xây dựng, đề xuất phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã đảm bảo dự kiến thực hiện giảm tối thiểu 70% và giảm tối đa 75% so với quy định.

Tên gọi của xã, phường mới cần bảo đảm tính hệ thống, khoa học

Tên gọi của xã, phường mới hình thành sau sắp xếp cần bảo đảm dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học; khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp đối với tên gọi của đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và đã được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ hoặc đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.

Tên của xã, phường mới sau sắp xếp không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp hiện có trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc phạm vi tỉnh, thành phố dự kiến thành lập theo định hướng sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Số lượng cán bộ, công chức, viên chức xã, phường mới không vượt quá đơn vị cũ

Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp và số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện được bố trí xuống làm việc tại đơn vị hành chính cấp xã mới;

Đồng thời, sẽ giảm dần theo lộ trình, bảo đảm chậm nhất là 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng biên chế đảm bảo thực hiện theo quy định.

UBND các huyện, thị xã, thành phố dự kiến thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm tinh giản gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với thực tiễn của địa phương.

UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu nội dung tại công văn này và căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, khẩn trương xây dựng, đề xuất phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã gửi về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước 15 giờ 00, ngày 4/4/2025 để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk./.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/khan-truong-de-xuat-phuong-an-sap-xep-cap-xa-truoc-4-4-dam-bao-giam-toi-thieu-70-11925040116553173.htm
Zalo