Quyết liệt giải quyết vướng mắc

6 tháng đầu năm 2023, kinh tế tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá, GRDP đạt 7,95% (đứng 8/63 tỉnh, thành cả nước và thứ nhất vùng Nam Trung bộ và duyên hải miền Trung). Bên cạnh những kết quả nổi bật này, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng thẳng thắn nhìn nhận, đề ra nhiều giải pháp quyết liệt giải quyết vướng mắc, 'điểm nghẽn', nhất là đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Đó là những nội dung nổi bật trong Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh Ninh Thuận 6 tháng đầu năm và phương hướng chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm 2023.

GRDP đạt 7,95%, đứng thứ nhất vùng

Thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm; tổ chức các hội nghị chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn về chính sách đất đai, đầu tư, khoáng sản cho doanh nghiệp… Cùng với sự quan tâm, giám sát, hỗ trợ của HĐND tỉnh và Mặt trận, đoàn thể tỉnh, đã huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá, GRDP 6 tháng đạt 7,95% (đứng 8/63 tỉnh thành cả nước và thứ nhất vùng Nam Trung bộ và duyên hải miền Trung).

UBND tỉnh Ninh Thuận họp đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Mai Phương

UBND tỉnh Ninh Thuận họp đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Mai Phương

Các ngành, lĩnh vực đều có tăng trưởng; công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh; các dự án trọng điểm, động lực được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư được chỉ đạo sâu sát, kịp thời, trên tinh thần trách nhiệm cao; triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách tài chính, tiền tệ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Công tác cải cách hành chính được chỉ đạo quyết liệt, toàn diện trên các mặt hướng đến xây dựng và phát triển chính quyền số, xã hội số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Qua đó, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, các chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh đều được cải thiện vượt bậc. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh

Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, nhất là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; một số công trình, dự án trọng điểm tiến độ triển khai chậm; hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp đang hết sức khó khăn trong tiếp cận vốn, thị trường, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 27,9%, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 11,2% so cùng kỳ… Đáng chú ý, tính chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của một số cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc, có nơi chưa cao, trong triển khai công việc chưa thật sự mạnh dạn, quyết tâm; trách nhiệm của một số sở, ngành, địa phương trong chấp hành chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh còn chưa nghiêm; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát có việc còn chậm, chưa kịp thời.

Dự báo tình hình thế giới và trong nước khó khăn, thách thức nhiều hơn, để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo lộ trình phù hợp; tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng, như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; năng lượng, cảng biển, công nghiệp chế biến, khai khoáng; du lịch.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, cấp bách, nhất là công trình giao thông kết nối, thủy lợi, các chương trình mục tiêu quốc gia và tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn. Đồng thời, tập trung chỉ đạo có giải pháp, kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai các dự án động lực của tỉnh. Kiên quyết thu hồi một số dự án vi phạm tiến độ sử dụng đất, nhà đầu tư thiếu tâm huyết, thiếu năng lực. Đẩy mạnh xúc tiến mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có lợi thế, nhất là thu hút đầu tư các các Khu, Cụm Công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nâng cao năng lực hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao các chỉ số đánh giá cấp tỉnh. Duy trì, thường xuyên gặp gỡ đối thoại doanh nghiệp hàng tháng để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tổ chức các cuộc họp chuyên đề để xử lý vướng mắc cho các doanh nghiệp về cơ chế chính sách đầu tư, đất đai, thuế… Kiên quyết xử lý các vi phạm về môi trường, kiểm soát chặt các nguồn thải.

UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh yêu cầu: các thành viên UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đổi mới sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả trong hành động; thường xuyên kiểm điểm, đánh giá hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của ngành mình, cấp mình; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp gắn với nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp, các ngành. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; xử lý trách nhiệm, nhất là người đứng đầu chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ được giao…

THANH MAI

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/quyet-liet-giai-quyet-vuong-mac-i335403/
Zalo