Doanh nghiệp châu Á tìm lối thoát giữa 'cơn bão' thuế quan
Trước tương lai bất định của các chính sách thuế quan và thương mại toàn cầu, các doanh nghiệp Châu Á đang tìm cách thích ứng và bảo vệ lợi ích của mình trên thị trường.
Trong bối cảnh rủi ro thuế quan vẫn "treo trên đầu" hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Mexico và Canada, các doanh nghiệp châu Á có nhà máy tại 2 quốc gia Bắc Mỹ này đã nhanh chóng rơi vào trạng thái khủng hoảng.
Nhật Bản và Hàn Quốc, với những tập đoàn nổi tiếng trong ngành ôtô, pin và thép, đang đối mặt với nguy cơ mất hàng tỷ USD lợi nhuận mỗi năm. Các hãng xe Nhật Bản như Toyota và Nissan, cùng các tập đoàn Hàn Quốc như Samsung và KIA, đều phải tìm cách ứng phó với rủi ro thuế quan mới từ Mỹ.
Trước tình hình căng thẳng hiện tại, nhiều công ty đang phải chuyển hướng sản xuất và tìm kiếm các giải pháp thay thế để giảm thiểu tác động từ cuộc chiến thương mại đầy khó lường này.
Nhà sản xuất Châu Á bị “vạ lây”
Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản, Hàn Quốc cùng các tập đoàn thép và pin xe điện đang đứng trước thách thức lớn khi các nhà máy tại Mexico và Canada bỗng nhiên đứng trước "vòng xoáy thuế quan" 25% do Tổng thống Trump áp dụng.
Dù ông Trump cùng lãnh đạo 2 nước Canada và Mexico đã tuyên bố trì hoãn việc áp thuế quan 1 tháng để tìm kiếm giải pháp, rủi ro vẫn "treo trên đầu" hàng hóa từ 2 quốc gia láng giềng của Mỹ.
Bloomberg cho rằng các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản có thể phải đối mặt với việc mất tới 10 tỷ USD lợi nhuận mỗi năm chỉ từ chính sách thuế quan này. Và tình hình có thể còn tồi tệ hơn nếu Canada và Mexico trả đũa bằng các biện pháp thuế quan riêng.
Theo Viện Thống kê và Địa lý Quốc gia Mexico, các công ty Nhật Bản đã xuất khẩu một nửa trong tổng số 2,77 triệu xe được gửi đến Mỹ từ Mexico vào năm ngoái.
Citigroup Inc. ước tính lợi nhuận hàng năm của 4 nhà sản xuất ôtô lớn của Nhật Bản có hoạt động tại Mexico và Canada sẽ giảm tổng cộng 1.580 tỷ yen (khoảng 10,2 tỷ USD). Tập đoàn Toyota Motor có các cơ sở sản xuất tại Baja California và Guanajuato (Mexico), nơi lắp ráp xe bán tải Tacoma. Hai nhà máy này sản xuất khoảng 260.000 xe mỗi năm cho thị trường Bắc Mỹ.
Trong số các công ty Nhật Bản, Nissan - vốn đang gặp khó khăn - là hãng xuất khẩu nhiều ôtô nhất từ Mexico sang thị trường Mỹ. Nissan hiện có 2 nhà máy tại Mexico, nơi sản xuất các mẫu xe Sentra, Versa và Kicks cho thị trường Mỹ.
Giám đốc điều hành Makoto Uchida của hãng cho biết vào tháng 11/2024 rằng công ty xuất khẩu khoảng 300.000 xe sang Mỹ mỗi năm và chiếm gần 1/4 tổng doanh số của Nissan tại Mỹ vào năm 2023, theo Reuters.
Không chỉ Nhật Bản, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng không đứng ngoài vòng xoáy. Từ dữ liệu của Bộ Công Thương Hàn Quốc (MOTIE), tính đến giữa năm 2024, có khoảng 525 công ty Hàn Quốc, chủ yếu là các tập đoàn sản xuất lớn, đầu tư vào Mexico. Các nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, TV của Samsung Electronics cũng như LG Electronics, cùng với nhà máy ôtô của KIA và các nhà sản xuất phụ tùng khác, đều đặt tại Mexico, tờ Hankyoreh (Hàn Quốc) cho biết.
KIA Corp. - công ty con của Tập đoàn Hyundai Motor - đang vận hành một nhà máy sản xuất tại Nuevo Léon (Mexico) với công suất hàng năm khoảng 400.000 xe. Hyundai Mobis và Hyundai Transys, các công ty liên kết chủ chốt của tập đoàn, cũng duy trì hoạt động tại khu vực này, khiến công ty dễ bị tổn thương trước sự gia tăng chi phí và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.
Canada - trung tâm chính của Bắc Mỹ - đối với các khoáng sản thiết yếu cho pin xe điện, cũng có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Các mức thuế được dự đoán làm tăng chi phí của lithium và nickel, có thể làm suy giảm tính cạnh tranh của các nhà sản xuất pin Hàn Quốc.
Các công ty như LG Energy Solution, vận hành một nhà máy sản xuất mô-đun pin tại Canada hợp tác với Stellantis và POSCO Future M, đang xây dựng một nhà máy sản xuất vật liệu cathode với General Motors, hiện cũng phải đối mặt với sự không chắc chắn về chi phí chuỗi cung ứng và khả năng sản xuất.
Ông Trump cũng đã thể hiện ý định áp dụng thuế quan riêng biệt cho các ngành công nghiệp như bán dẫn, thép, nhôm, dầu, khí đốt và dược phẩm, làm gia tăng mối lo ngại đối với các tập đoàn Hàn Quốc.
Chính vì vậy, đối với Samsung Electronics và SK Hynix - cả hai đều đang đầu tư hàng tỷ USD vào sản xuất bán dẫn tại Mỹ.
“Các doanh nghiệp đang hoang mang", Yeo Han-koo, cựu Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc, hiện là chính sách gia tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định. "Họ không biết cuộc chiến thuế này sẽ leo thang đến mức nào".
Tìm lối thoát tại Mỹ
Nhằm trấn an tâm lý hoang mang trước tình trạng thuế quan phức tạp hiện nay, Bloomberg cho biết Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok đã gặp các nhà xuất khẩu địa phương và cam kết "sẽ áp dụng mọi biện pháp có thể" để hỗ trợ.
Seoul gần đây đã cử một nhóm làm việc đến Washington để có thêm thông tin chi tiết về chính sách thương mại của ông Trump và các quan chức chính phủ cho biết đang xây dựng các kế hoạch hành động để giảm thiểu tác động đến các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Hàn Quốc không chỉ “nín thở” chờ đợi cơ hội từ chính phủ. Các công ty này đang làm việc hết công suất để đưa ra các giải pháp nhằm đối phó với những diễn biến này.
POSCO Holdings Inc., nhà sản xuất thép hàng đầu của Hàn Quốc, chuyên cung cấp thép mạ kẽm, thép cuộn cán và dây thép cho các nhà sản xuất ôtô và thiết bị gia dụng từ các nhà máy tại Mexico, cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình khi các mức thuế của Trump được áp dụng.
Các công ty khác thì đang tìm phương án thay thế, với nhiều công ty xem xét mở rộng quy mô sản xuất tại Mỹ, Hankyoreh cho biết.
Samsung Electronics đang cân nhắc chuyển một phần sản xuất máy sấy từ nhà máy tại Santiago de Queretaro (Mexico) sang nhà máy máy giặt ở Hạt Newberry, South Carolina, Mỹ.
LG Electronics đang tìm kiếm phương án mở rộng cơ sở sản xuất tại Tennessee (Mỹ) - nơi sản xuất máy giặt và máy sấy - để sản xuất cả tủ lạnh tại đây nhằm tránh việc tăng chi phí có thể xảy ra.
“Nếu việc tăng thuế buộc phải thay đổi căn bản chuỗi cung ứng, chúng tôi sẽ chủ động xem xét việc di chuyển sản xuất và điều chỉnh công suất”, ông Kim Chang-tae, Giám đốc Tài chính của LG Electronics cho biết trên AJUNews.
Trong khi đó, KIA đang xem xét điều chỉnh nguồn cung cấp các mẫu xe sedan K4 và các mẫu xe khác hiện sản xuất tại nhà máy Mexico và xuất khẩu sang Mỹ và Canada.
Tương tự một số nhà sản xuất Hàn Quốc, Honda của Nhật Bản - hiện xuất khẩu 80% sản lượng tại Mexico sang thị trường Mỹ - cũng đang cân nhắc chuyển sản xuất từ nhà máy ở nước ngoài về Mỹ, theo Reuters.
Trước đó, Giám đốc điều hành Shinji Aoyama đã cảnh báo vào tháng 11/2024 rằng hãng sẽ phải cân nhắc chuyển hướng sản xuất nếu Mỹ áp dụng mức thuế quan vĩnh viễn đối với xe nhập khẩu.